Địa Chí Hà Tĩnh

Nghề lặn hến…trên sông Ngàn Sâu

Sông Ngàn Sâu đoạn chảy qua xã Đức Liên (Vũ Quang) hằng năm cứ đến mùa nắng nóng là triệu triệu con hến được sinh sôi làm nguồn nuôi dưỡng bao thế hệ cư dân ven sông và cũng tạo nên món canh hến mát thơm, dân dã.

“Lộc” sông

Chẳng biết nghề lặn hến ở đây có từ bao giờ, ngay cả những bậc cao niên quanh vùng cũng chỉ nhớ từ nhỏ đã theo cha mẹ mang rổ rá đi “đãi lộc” của sông. Từ bao đời nay, những cư dân nghèo của xã Đức Liên gồm: “ốc đảo” Liên Châu, Liên Hòa và 2 thôn Bình Quang, Tân Lệ vẫn dựa vào nghề lặn hến để vượt qua thời kì giáp hạt, có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Nghề lặn hến...
Từ bao đời nay, hến là nguồn mưu sinh cho người dân ven sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Đức Liên

Dưới cái nắng gắt đầu hè trên vùng thượng Ngàn Sâu hừng hực gió lào khô nóng, chúng tôi theo chân 2 cha con anh Nguyễn Đức Thắng (thôn Liên Châu) ra sông. Với dụng cụ hành nghề rất đơn giản: 1 cái sàng để lọc cát sạn được làm bằng tre và 1 thau nhôm đựng hến là có thể ngày ngày ra sông ngâm mình kiếm sống. Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của tôi, anh Thắng cười bảo: “Thấy nó đơn giản nhưng là cái “cần câu cơm” của cả gia đình nhà anh vào mùa nắng nóng”.

Lặn cách chỗ chúng tôi không xa là bà Nguyễn Thị Sửu. Dù đã bước qua tuổi 67 nhưng hàng ngày bà vẫn cần mẫn cắp chiếc rổ nhỏ ra sông lặn hến, vừa là thú vui, vừa để kiếm sống. Bà Sửu trải lòng: “Bà không làm được ruộng nữa nên chỉ đi xúc hến, mỗi ngày được 20-25 ngàn đồng mua thức ăn, đỡ phụ thuộc vào con cháu”. Vừa dứt lời, bà lại ghìm mặt xuống dòng sông lặn một hồi xúc lên chừng 1/2 rổ lẫn lộn đất cát và một ít con hến nhỏ.

Nghề lặn hến phải ngâm mình dưới nước từ sáng đến tối, đàn ông, con trai khỏe sức thì ra ngoài sâu lặn hến to, còn đàn bà, con nít thì ở trong bờ lặn hến nhỏ. Cũng theo nhiều người dân, làm nghề lặn hến không phải lúc nào cũng “được”, có khi lặn từ sáng tới trưa cũng chỉ được vài ba cân vì phụ thuộc vào con nước. Nếu có con nước thì sẽ được hến to và nhiều, còn không thì được rất ít mà lại là hến nhỏ.

Đi dọc bờ sông vào buổi trưa nắng cháy, chúng tôi thấy khá nhiều người phụ nữ đội nón đang ghì mặt xuống lòng sông hì hục cào từng mớ hến. Nhiều người còn ngồi trên chiếc thuyền nhỏ chạy ra giữa dòng sông, nhảy ùm xuống dòng nước bắt đầu công việc lặn hến. Làm nghề này, không chỉ phụ nữ mà đàn ông cũng trở nên khéo léo. Ẩn mình trong lớp cát sạn nhưng dưới bàn tay khéo léo của những người lặn, từng con hến bé tí được bốc lên, tách riêng và cho vào chiếc thau nhôm. Cứ thế, họ miệt mài cào, lặn, cần mẫn lựa tìm những con hến từ đáy sông.

Bắt được những con hến dưới đáy sông rất vất vả nên ăn được hến cũng là một sự kỳ công, tỉ mỉ của người chế biến. Hến cào lên được ngâm qua nước sạch cho nhả bùn đất, sau đó, đem rửa để ráo rồi thả vào nồi nước sôi. Gặp nước nóng, hến sẽ hé ra, dùng đũa khuấy đều rồi gạt nhân ra. Nước luộc hến dùng để nấu canh, còn nhân thì có thể xào cùng với giá, thêm gia vị, ăn trộn với bánh đa… Do hến có nhiều chất dinh dưỡng, mát bổ nên vào mùa nắng nóng, các món ăn từ hến luôn được lựa chọn trong bữa cơm của nhiều gia đình.

Cực nhọc

Dù trời nắng như đổ lửa nhưng những người lặn hến vẫn tươi cười, chuyện trò rôm rả. Tuy nhiên, đằng sau đó là những nỗi cơ cực, gian truân của đời lặn hến… Vì miếng cơm, manh áo nên từ người già đến trẻ nhỏ, từ đàn ông đến phụ nữ đều phải ngâm nửa thân mình dưới nước cả mùa nắng nóng.

Nghề lặn hến...
Dù trời nắng như đổ lửa nhưng những người lặn hến vẫn tươi cười, chuyện trò rôm rả

Em Nguyễn Thị Hải, học sinh lớp 8 (thôn Bình Quang) chia sẻ: “Những lúc em được nghỉ học thì tranh thủ ra sông lặn hến vừa để kiếm thêm tiền đóng nộp, vừa kiếm thức ăn cho gia đình”. Nghỉ tay hút điếu thuốc, anh Thắng cho biết: trung bình mỗi ngày, anh lặn được khoảng 8 kg đến 1 yến hến, người thì đem lên chợ Bộng, người thì đem ra tàu chợ bán với giá 8-12 ngàn đồng/kg tùy loại. Số tiền đó đảm bảo chi tiêu trong gia đình. Tuy vậy, những người lặn hến vẫn không khỏi lo lắng cho những ngày tháng tiếp theo vì lặn mãi hến cũng sẽ hết.

Mặc dù hến là nguồn sống cho nhiều hộ dân ven sông nhưng nó cũng đang mang lại nhiều mối nguy hiểm cho chính người lặn. “Đi làm nghề này bị mẻ sành, mẻ sứ, chai lọ ở dưới sông đâm phải chân tay là chuyện bình thường. Sợ nhất là đâm vào bụng, vào mặt” – anh Bằng (thôn Liên Hòa) một thợ lặn hến bộc bạch. Hàng ngày, do phải ngâm mình dưới nước nên họ rất dễ mắc các bệnh như: phong thấp, viêm khớp… Dù vất vả, cực nhọc và cả những hiểm nguy luôn rình rập nhưng đối với những người dân ven sông Ngàn Sâu, công việc “đãi lộc” của sông không vì thế mà dừng lại. Bởi đơn giản, sau lưng họ còn cả gánh nặng cơm áo gia đình.

Hồ Phúc Quang/Baohatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP