Thịt lợn tăng giá
Dạo quanh một số chợ ở TP. Vinh và các chợ nông thôn cho thấy, giá thịt lợn các loại tăng khá mạnh so với cách đây hơn 1 tháng.
Tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Thị trấn Yên Thành cho biết, giá thịt lợn tăng mạnh so với mấy tháng trước. Ảnh: Xuân Hoàng |
Bà Nguyễn Thị Thủy, bán thịt lợn tại chợ Thị trấn Yên Thành cho biết: Hiện tại, giá thịt lợn mông sấn và 3 chỉ cùng một giá 85.000 - 90.000 đồng/kg, các loại thịt khác có giá từ 70.000 đồng/kg. Trước đây hơn 1 tháng, thịt lợn mông sấn giá 70.000 đồng/kg.
Theo ông Hoàng Văn Anh, chuyên mổ lợn trên địa bàn xã Nam Thành (Yên Thành): Hiện lợn nuôi trang trại có giá 50.000 đồng/kg, lợn dân nuôi nhỏ lẻ 48.000 đồng/kg (bởi lợn nuôi trang trại đạt thành cao hơn), giá này tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg hơi so với trước.
Các tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Thị trấn Yên Thành cho biết thêm: Tuy giá thịt lợn tăng cao nhưng do nắng nóng nên nhu cầu của người dân không tăng, sức tiêu thụ bình thường.
Tại TP.Vinh, giá lợn hơi cuối tháng 6 ở mức cao kỷ lục, dao động từ 51.000 - 52.000 đồng/kg. Trong khi đó cách đây 1 tháng, chỉ ở mức từ 45.000 - 48.000 đồng/kg.
Vì vậy, giá thịt lợn bán tại các chợ trên địa bàn TP.Vinh cũng tăng mạnh, hiện thịt nạc 110.000 - 115.000 đồng/kg, thịt ba chỉ95.000 - 100.000 đồng/kg.
Các tiểu thương ở TP. Vinh nhận định, nguyên nhân lợn tăng giá vì năm 2017, lợn hơi rớt giá thê thảm, trong khi giá bán thức ăn chăn nuôi cao khiến nhiều hộ không mặn mà với việc nuôi lợn. Đến giữa năm 2018, nhu cầu thị trường tăng mạnh thì nguồn hàng lại khan hơn các năm, do đó, giá tăng cao là điều dễ hiểu.
Thịt lợn tăng giá một cách đột biến, khiến người chăn nuôi băn khoăn, liệu có nên tăng đàn vào thời điểm này hay không?
Không nên tăng đàn
Gia đình ông Trần Đình Thương ở xóm 5, xã Thọ Thành (Yên Thành) xây dựng trang trại chăn nuôi lợn đã 5 năm nay, trung bình mỗi năm ông nuôi từ 5 - 6 lứa lợn, mỗi lứa từ 50 - 60 con.
Lợn thịt hơi hiện đang tăng giá kỷ lục, tiêu thụ mạnh, nhưng người chăn nuôi lại không dám tăng đàn vì sợ giá không ổn định. Ảnh: Xuân Hoàng |
Ông Thương chia sẻ: Vẫn biết chăn nuôi lợn vào thời điểm này là cho thu nhập cao, nhưng cũng phải tính toán đến hệ số an toàn. Nếu trước đây nuôi 8 con lợn nái, thì nay phải giảm xuống một nửa; mỗi lứa chỉ nuôi khoảng 40 con lợn thịt, không dám nuôi một cách ồ ạt, sợ giá cả không ổn định dẫn đến lỗ vốn như năm ngoái.
Bà Trần Thị Nga chủ trang trại lợn ở xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ cho rằng: Dù lần này giá lợn tăng mạnh, lên đến 50.000 đồng/kg nhưng bà không dám thả thêm đàn, mà duy trì nuôi gần 300 con, trong khi quy mô trang trại 1.000 con/lứa.
Thực tế cho thấy, trong suốt thời gian dài vừa qua, nhiều trang trại chăn nuôi lợn đã lâm vào tình trạng khốn đốn, nhiều người thấy giá lợn lên cao đã vội đầu tư dẫn đến bị vỡ nợ, đó cũng là bài học đắt giá để người chăn nuôi phải nhìn nhận, đưa ra quyết định sáng suốt.
Trước đó, Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho hay, thịt lợn đang "khủng hoảng" thiếu do chăn nuôi nông hộ giảm nhiều sau đợt giảm giá, dẫn đến phải giải cứu thịt lợn vào năm 2017 vừa qua.
Còn ông Ngô Đức Quỳnh, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y khuyến cáo: Tăng giá thịt lợn hơi trong thời gian gần đây là do quy luật thị trường, tuy nhiên nguồn nhập khẩu lợn về vẫn nhiều vì vậy, trong thời điểm hiện nay, người chăn nuôi không nên vội tăng đàn lợn, mà chú trọng khâu nâng cao chất lượng đàn lợn là chính.
Bà con nông dân cần áp dụng các tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, tận dụng thức ăn thô từ phụ phẩm nông nghiệp để giảm chi phí. Không đầu tư tăng đàn, nhằm tránh rủi ro khi giá lợn đột ngột giảm mạnh.
Tác giả: Xuân Hoàng
Nguồn tin: Báo Nghệ An