Khu nhà thực hành, nhà vệ sinh mới đào móng đang dở dang |
Khốn khổ thiếu cả nhà vệ sinh
Theo số liệu thống kê, Nghệ An hiện còn 1.403 phòng học tạm, mượn ở các cấp học (trong đó, mầm non 748 phòng; tiểu học 548 phòng; THCS 86 phòng; THPT 21 phòng). Và đang còn ít nhất 120 trường thuộc diện đặc biệt khó khăn cần phải xây dựng.
Chúng tôi đến Trường THCS Nghi Quang (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) trong một buổi chiều đầu năm học mới. Thầy hiệu trưởng đang lấm lem cùng các em học sinh xúc bùn, dọn dẹp sân trường sau một trận mưa. Toàn cảnh trường như “bãi chiến trường”, nhiều mô đất ngổn ngang, nước ngập sâu do đào móng, sân trường không có mương thoát nước nên sau mưa là cả sân trường lầy bùn đất.
Trao đổi nhanh với phóng viên, thầy Phan Thế Đức – Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Quang cho biết: “Nhà trường hiện có gần 350 học sinh với 13/15 phòng, hiện tại có 13 phòng là lớp học, một phòng hiệu trưởng, hiệu phó và kế toán ngồi chung, còn một phòng là phòng chờ của tất cả các giáo viên. Hiện nay, trường đang còn thiếu phòng học âm nhạc, phòng thực hành, phòng học tin học, đến cả nhà vệ sinh cũng không có, các em đang phải đi tạm nhà vệ sinh cũ ngày xưa bẩn và hôi, rất tội học sinh. Nhưng chúng tôi cũng không biết làm thế nào. Việc đầu tư là của xã, chúng tôi cũng không nắm được đến bao giờ thì làm tiếp”.
Về việc trường học trên địa bàn “khổ” đến mức nhà vệ sinh cũng không có, ông Nguyễn Đình Thanh – Chủ tịch xã Nghi Quang cho biết: “Trường THCS Nghi Quang được thành lập năm 2002 trước đây là nhà cấp 4, năm 2014 do cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng nên UBND huyện Nghi Lộc quyết định đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây mới nhà hiệu bộ và các công trình phụ trợ. Nguồn vốn đầu tư ngân sách tỉnh hỗ trợ, ngân sách huyện hỗ trợ khi có điều kiện, ngân sách xã và các nguồn vốn hợp pháp khác”.
“Tuy nhiên, kể từ khi xây dựng tới nay chủ yếu là nguồn ngân sách xã, mà xã chúng tôi thì nghèo, nguồn thu ít, chủ yếu là huy động sức dân, là xã bãi ngang trên 50% là giáo dân. Chúng tôi đang đau đầu nhất về cái trường này vì hiện tại xã không có nguồn để đầu tư tiếp. Chỉ hy vọng các cấp, đặc biệt là UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ xây dựng tiếp để học sinh đủ điều kiện cơ sở vật chất học tập”, ông Thanh nói.
Trông chờ “nhà tài trợ”
Tại huyện Hưng Nguyên, nhiều trường cũng rơi vào “hoàn cảnh” tương tự. Nhiều năm qua, do số lượng học sinh liên tục giảm nên học sinh của 4 xã Hưng Nhân, Hưng Phú, Hưng Khánh và Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên đã sáp nhập và học chung tại Trường THCS Lam Thành, đóng trên địa bàn xã Hưng Châu. Tưởng chừng, khi sáp nhập thì cơ sở vật chất của trường sẽ được cải thiện, song trên thực tế lại không như vậy.
Đầu năm 2016, Trường THCS Lam Thành được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An hỗ trợ xây thêm 1 dãy phòng học từ nguồn vốn ADB thuộc Dự án “Giáo dục trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2”. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên công trình chỉ mới xây xong phần móng và phải tạm dừng nhiều tháng nay.
Cũng tại xã Hưng Châu, trường mầm non đóng trên địa bàn hiện có 8 phòng học nhưng 5 phòng đã cũ kỹ, xuống cấp, 3 phòng học còn lại Trường phải mượn tạm nhà văn hóa xóm với diện tích mỗi phòng chỉ 10m2.
Cuối năm 2016, một doanh nghiệp ở TP HCM thông qua huyện đã về xã và hứa sẽ đầu tư hỗ trợ xây dựng cho xã một trường mầm non với số vốn 14,9 tỉ đồng. Để dự án được triển khai, xã Hưng Châu ngay lập tức bố trí mặt bằng gần 7.000m2, bỏ ra gần 3 tỉ đồng để san lấp, xây dựng khuôn viên. Tuy nhiên, sau khi động thổ xong thì không thấy nhà đầu tư có động thái gì nên gần 1 năm qua, dự án đã phải “đắp chiếu” nằm chờ...
Trên địa bàn huyện Hưng Nguyên, tình trạng xây dựng trường học mới đang bị “đắp chiếu” không chỉ xảy ra ở xã Hưng Châu mà Trường Mầm non Hưng Yên Nam (xã Hưng Yên Nam) hơn 1 năm qua cũng đang chờ nhà tài trợ “hụt”.
Nhằm đáp ứng về cơ sở vật chất cho các em học sinh đến trường, trước thềm năm học mới, ngành Giáo dục Nghệ An đã đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ sở vật chất ở các Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An từ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia.
Được biết, trong giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Nghệ An sẽ được Trung ương hỗ trợ 254 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ để xây dựng phòng học, xóa phòng học tranh, tre, tạm, mượn, cấp 4 xuống cấp cho 86 trường mầm non, tiểu học thuộc các xã đặc biệt khó khăn. Ngành cũng đang tích cực kêu gọi xã hội hóa và sự vào cuộc của chính quyền địa phương để cùng chung tay đầu tư cơ sở vật chất trường lớp cũng như nâng cao chất lượng giáo dục.
Tác giả: Zen Linh
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam