Bệnh nhân là em Vy Ngọc Mạnh, học lớp 2C, Trường Tiểu học Châu Đình - - huyện Quỳ Hợp. Tại Khoa Hồi sức cấp cứu tích cực - chống độc - Bệnh viện Sản Nhi, Mạnh cho biết: Sáng 7/5, khoảng lúc 9 giờ (giờ ra chơi), cháu ra bồn hoa của trường chơi thì bất ngờ bị con rắn màu xanh cắn vào tay.
Em Vy Ngọc Mạnh đang được điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà |
Sau khi bị rắn cắn, Mạnh có biểu hiện tim đập nhanh, da xanh. Thời điểm đó, bố mẹ của Mạnh đang đi khám ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An nên người nhà đã đưa Mạnh xuống Bệnh viện Sản Nhi cấp cứu.
Hiện tại, Mạnh đang tỉnh táo nhưng theo bác sỹ CK1 Nguyễn Hùng Mạnh - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu tích cực - chống độc cho biết: Mạnh đang được theo dõi chặt vì chưa qua khỏi nguy hiểm.
Cũng theo bác sỹ Hùng, mỗi năm Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Sản Nhi tiếp nhận từ 10 - 15 bệnh nhân bị rắn cắn do các em dẫm phải rắn hoặc cố tình bắt rắn.
Sau khi rắn cắn, nguy cơ sẽ xảy ra ba nhóm triệu chứng chính, đó là nhóm suy hô hấp (nạn nhân có nguy cơ bị rối loạn tim mạch, suy thở, bất tỉnh và chết), nhóm gây rối loạn đông máu (máu tự chảy gây chảy máu ở nội tạng, xuất huyết dạ dày) và nhóm cuối cùng là gây hoại tử ở nơi rắn cắn.
Những trường hợp bị rắn cắn rất khó xác định được nhóm bệnh nếu không biết chính xác loại rắn cắn. Ảnh: Mỹ Hà |
Khó khăn nhất hiện nay là chúng tôi không biết được loại rắn cắn Mạnh nên khó phân biệt được nhóm bệnh để điều trị. Hiện tại, tay của Mạnh đang sưng nên chúng tôi đang theo dõi sát sao. Bởi với bệnh nhân bị rắn cắn lúc ban đầu rất khó phân biệt chắc chắn là bị rắn độc hay rắn lành cắn. Biểu hiện nhiễm độc có thể không xuất hiện ngay sau khi bị cắn nhưng có thể tiến triển rất nhanh gây nguy hiểm đến tính mạng./.
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Nghệ An