Trong nước

Ngành y tế nỗ lực hỗ trợ đồng bào vùng lũ

Sau những ngày chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 12 tàn phá kèm nước lũ dâng cao và ngập sâu nhiều nơi, các tỉnh ở khu vực Nam Trung Bộ như Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận, Quảng Ngãi…
đang tăng cường khắc phục, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, ổn định lại cuộc sống cho người dân.

Công tác y tế và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cũng được tiến hành khẩn trương.

Lo cho dân

Cùng với sự chỉ đạo, hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương, sáng ngày 5/11, các vùng trọng điểm bão lũ ở Nam Trung Bộ đã đưa 4.700 hộ dân ở nơi sơ tán về nơi an toàn. Đội cứu hộ, cứu nạn các tỉnh đã tìm kiếm được 25 nạn nhân bị mất tích, tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân còn lại. Tại Khánh Hòa đã và đang khắc phục lại trên 5.200 căn nhà hư hỏng nặng. Tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Ninh Thuận đã cấp phát kịp thời và đầy đủ lương thực, thực phẩm cho các hộ dân bị cô lập và tài sản bị cuốn trôi theo nước lũ. Phương châm: “Tất cả vì người dân, không để ai đói rét” được thực hiện nghiêm túc. Ban Chỉ huy Phòng chống bão lụt các tỉnh cùng bộ đội biên phòng, công an và các lực lượng xung kích như chạy đua với thời gian tu sửa lại nhà cửa, động viên người dân gượng dậy sau những mất mát vì thiên tai. Công tác hỗ trợ sẽ được thực hiện sau khi có các báo cáo thống kê đầy đủ về thiệt hại. Công tác cấp cứu, chăm lo sức khỏe người dân bị nạn được triển khai chu đáo.

Xe cấp cứu ở các địa phương có bão lũ luôn sẵn sàng.

Thực hiện Công điện số 1178/CĐ-BYT của Bộ Y tế về công tác ứng phó bão lụt, xem tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết nên Sở Y tế các tỉnh Nam Trung Bộ đã chủ động lập các phương án ứng cứu cho những người gặp nạn. Các đơn vị đã triển khai phương án phòng chống lụt bão đến tận các trạm y tế tuyến xã. Nguồn nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất để phục vụ phòng chống lụt bão được chuẩn bị đầy đủ và để sẵn trong các kho ở những vùng xảy ra bão lũ, công tác ứng phó luôn sẵn sàng 24/24 giờ.

Theo Sở Y tế Khánh Hòa, ngoài việc trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ còn tổ chức các đội cấp cứu cơ động hỗ trợ các địa phương vận chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến tỉnh. Tại Phú Yên, Bình Định, hơn 10 đội y tế cơ động gồm các bác sĩ, y tá giỏi đã vượt giông gió đến các vùng nguy hiểm chi viện, ứng cứu người dân bị tai nạn do bão lũ. Với sự xông xáo và quyết tâm cao độ, đến ngày 5/11, các tỉnh Nam Trung Bộ đã cấp cứu thành công 163 người gặp nạn, đang tiếp tục điều trị tích cực cho 259 người bị thương trong bão lũ. Hơn 20 trạm y tế vùng tâm bão lũ được sơ tán, bệnh nhân được di dời đến nơi an toàn.

Không để dịch bệnh bùng phát

"Hồi sinh" sau ba lần tai biến mạch máu não Tôi đã thoát nỗi khổ 40 năm Đờm ho, Khó thở, Hen suyễn, COPD nhờ cách này…

Cùng với việc cấp cứu, chăm sóc sức khỏe người dân thì việc triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh giếng nước, nhà ở được tiến hành gấp rút với quyết tâm không để dịch bệnh bùng phát.

Ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho biết: Ngay từ trước khi bão đổ bộ, các kho thuốc đã chuẩn bị đầy đủ, phương án xử lý triệt để các bệnh tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết... đã sẵn sàng. Các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn cũng đã có phương án xử lý nên dịch bệnh sẽ không thể bùng phát. Ngành y tế Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định cũng duy trì các đội cơ động chống dịch để sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới. Tổ chức các đoàn đi kiểm tra, hướng dẫn người dân về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhân viên các trạm y tế ở những vùng bị ngập lụt đã lên danh sách cấp phát cloramin B cho những hộ gia đình có giếng nước để khử khuẩn, đồng thời các đội truyền thông y tế đến tận từng khu phố, xóm dân cư để tuyên truyền cách bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch.

Sở Y tế Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận cũng đã cấp trên 10.000 viên, hơn 2.000kg bột cloramin B để giúp người dân khử khuẩn nguồn nước, nhà vệ sinh và môi trường xung quanh. Nước rút đến đâu xử lý vệ sinh đến đó. Đặc biệt, sáng ngày 5/11, đã có 350 hộ dân ở Phú Yên, 210 hộ dân ở Khánh Hòa, 117 hộ dân ở Bình Định chủ động đến các trạm y tế nhận viên khử trùng vệ sinh nơi ăn ở và nguồn nước sinh hoạt. Phun hóa chất diệt khuẩn được triển khai đến từng nhà. Tuyến y tế cơ sở ở các tỉnh ảnh hưởng bão lụt đã thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị người bệnh, làm tốt công tác phòng chống dịch, góp phần bảo vệ sức khỏe, giúp người dân trên địa bàn sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống để trở lại lao động, sản xuất.

Nhân viên y tế túc trực liên tục, cứu chữa tận tình người dân vùng bão lũ ở Khánh Hòa. ảnh: Hà Văn Đạo

“Liên hệ nhân viên y tế ngay khi có dấu hiệu lạ” - đó là khuyến cáo chung của ngành y tế các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi... đối với người dân trong các vùng bị ảnh hưởng bão lũ. Theo Sở Y tế Phú Yên, Bình Định thì: Dù đã tăng cường công tác tuyên truyền và cấp phát thuốc đến các hộ gia đình, nhưng bệnh dịch thường có nhiều diễn biến phức tạp, nên ngay khi thấy các dấu hiệu như tiêu chảy cấp, phát ban nhiều, sốt không rõ nguyên nhân... người dân cần đến cơ sở y tế ngay. Có thể một số loại virut gây bệnh nhờn thuốc đã phát nên cần chuyển sang phác đồ điều trị khác sao cho hiệu quả nhất, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe nhân dân.

- Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, tính đến 8h ngày 5/11, cơn bão số 12 ở khu vực Nam Trung Bộ đã làm 27 người chết, 22 người mất tích chưa tìm thấy. Để tiếp tục khắc phục thiệt hại sau bão Văn phòng Thường trực BCĐTW về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố cần thực hiện nghiêm túc các công điện số 1659 ngày 1/11, 1680 ngày 4/11 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tập trung lực lượng, phương tiện để tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, đảm bảo khắc phục kịp thời các sự cố đối với lưới điện giao thông...


- Sáng 5/11/2017, TS. Đinh Đạo, Giám đốc BVĐK Trung ương Quảng Nam qua điện thoại, thông báo cho PV báo SK&ĐS biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 12, trên địa bàn bệnh viện có mưa rất to, gió khoảng cấp 7 đến cấp 8, mất điện lưới kéo dài. Bệnh viện đã phải dùng hệ thống điện dự phòng ưu tiên cho kỹ thuật nghiệp vụ. Công tác chuyên môn vẫn diễn ra bình thường. Các cán bộ y tế của bệnh viện thực hiện trực, tiếp nhận và xử lý các ca cấp cứu như các ngày bình thường.

Tác giả: Hà Văn Đạo

Nguồn tin: Báo Sức khỏe & Đời sống

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP