Trước đó, báo Người đưa tin có bài viết “Hà Tĩnh: Hàng chục tấn hải sản nhiễm độc đang ở đâu?”, bài báo phản ánh: Vào đầu tháng 5/2016, sau sự cố cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, Sở Y tế Hà Tĩnh đã giao Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tiến hành lấy mẫu để xác định mức độ ảnh hưởng.
Theo phản ánh, có 4 kho đông lạnh đã được Chi cục VSATTP và Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản lấy mẫu để kiểm tra. Thế nhưng, sau khi lấy mẫu, các đơn vị này đã không tiến hành niêm phong toàn bộ số hải sản trong kho mà vẫn để các kho này phân phối hải sản đến người tiêu dùng, mãi tận đến đầu tháng 7/2016, Chi cục VSATTP mới công bố kết quả: Hầu hết số hải sản trong 4 kho này đều bị nhiễm độc.
Sau khi phát hiện hải sản ở 4 kho đông lạnh bị nhiễm chất độc, Sở Y tế Hà Tĩnh đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho tiêu huỷ khẩn cấp số hải sản bị nhiễm cadimi còn sót lại trong các kho này. Thế nhưng, một phần trong số đó do không được niêm phong khi lấy mẫu, nên đã bị chủ kho tiêu thụ ra thị trường.
Một sô hải sản bị nhiễm cadimi tại các kho đông lạnh đã được mang tiêu thụ ra thị trường. |
Tại cuộc giao ban báo chí sáng 4/8, diện phía sở Y tế Hà Tĩnh cũng thừa nhận, có việc chậm trễ trong quá trình xử lý, như báo đã nêu. Sở Y tế xin nhận khuyết điểm về sự cố này, mặc dù nó có liên quan đến một số ngành, đơn vị khác.
Cùng ngày, ông Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cũng cho biết: Sở sẽ nghiêm túc kiểm điểm, nhận trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với những cá nhân để xảy ra sự chậm trễ trên.
Sau khi báo phán ánh, ông Nguyễn Lương Tâm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh đã khuyên người dân tiếp tục ăn cá nhiễm độc. Lời khuyên của ông Tâm, khiến dư luận hết sức bất bình và phẫn nộ. Về việc này, ông Châu cho biết, sẽ xem xét xử lý; việc để lại hình ảnh không tốt cho ngành.
Cũng theo đại diện Sở Y tế Hà Tĩnh, số cá nhiễm độc bị trôi nổi ra thị trường là có. Nhưng theo thống kê, số lượng này không nhiều, chưa gây nguy hại lớn cho người dân. Tuy nhiên, ngành cũng xem đây là một bài học lớn, rút kinh nghiệm sâu sắc, không để cho sự cố tương tự tiếp diễn.
PVMT