Cẩm Xuyên

Ngăn chặn dịch lợn tai xanh ở Cẩm Bình

Chuyện con lợn nhiễm dịch bệnh tai xanh kể ra không còn mới nữa, nhưng mầm bệnh lan truyền từ đâu thì người dân Cẩm Bình và cả huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) không ai biết. Tháng 3 vừa qua, dịch lợn tai xanh bùng phát trở lại khiến cả làng mất ăn mất ngủ…

Dịch lợn tai xanh lan nhanh cả xóm

Khi anh cán bộ Phòng Nông nghiệp xã Cẩm Bình dẫn tôi tới nhà bác Trần Viết Duyên (thôn Ðông Trung) tìm hiểu dịch lợn tai xanh, không khí cả nhà bác Duyên buồn thiu. Chị Dương Thị Bông, con dâu bác rầu rĩ than: “Năm nay xui lắm, dịch tai xanh cướp hết đàn lợn của nhà em”. Chuồng lợn nhà chị Bông trống hơ trống hoác. Mùi vôi lẫn mùi thuốc sát khuẩn bay lên nồng nặc. Chị Bông cho biết, từ khi chở lợn lên xe đi tiêu hủy tới nay, sáng và chiều nào, chị cũng dùng vôi bột và thuốc làm nhiệm vụ bài trừ dịch từ nhà ra ngõ. “Gia đình em nuôi lợn đại bạch hàng chục năm nay rồi, trong nhà lúc nào cũng có 10 con lợn trở lên, mỗi lứa bán ra ít nhất từ 7 tạ đến 8 tạ. Không chỉ nuôi lợn thịt, nhà còn nuôi thêm lợn nái để vừa bán vừa gây giống nhân tổng đàn. Ngày 11-3-2013, chị Bông phát hiện hai con lợn bỗng dưng phía mông da đỏ rận, bước đi chậm chạp và biếng ăn nhất đàn. Hai ngày hôm sau người nhà trong gia đình chị Bông tìm đến nhờ anh Nguyễn Xuân Hà, cán bộ thú y ở nơi cư trú tới kiểm tra sức khỏe lợn. Anh Hà nhìn triệu chứng, nghi lợn nhà chị Bông mắc bệnh tai xanh nên tiến hành tiêm phòng dịch cho cả đàn nhưng vô hiệu. Lúc này gia đình ông Duyên mới hốt hoảng thông báo ngay cho chính quyền địa phương xã Cẩm Bình biết. Cán bộ chính quyền xã Cẩm Bình lập tức phóng xe lên mời cán bộ Trạm thú y Cẩm Xuyên xuống xem xét. Hai con lợn ốm nặng của nhà ông Duyên được tiến hành phẫu thuật lấy bệnh phẩm. Cho tới 11 giờ trưa ngày 20-3, Trạm xét nghiệm thú y vùng 3 (Vinh) thông báo hai mẫu bệnh tại nhà ông Duyên đều dương tính với vi-rút tai xanh.


Thôn Ðông Trung có 80 gia đình, người dân ở đây vốn thuần phác và chịu khó làm nghề trồng trọt và chăn nuôi. Ngoài thâm canh ba vụ lúa nước trên diện tích 30 ha, cả thôn đều có truyền thống chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mũi chủ lực của các gia đình vẫn là con lợn.


Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình Ðặng Quốc Hải cho biết: Sau khi tập trung tiêu hủy khẩn cấp số lợn ở thôn Ðông Trung, lực lượng thú y cùng cán bộ chính quyền xã tiếp tục kiểm tra, giám sát kỹ từng chủ hộ chăn nuôi rồi thông báo cụ thể trên loa truyền thanh xóm, những chủ hộ có lợn đang ốm cần đi tiêu hủy. Ðến ngày 1-4-2013, toàn xã đã thiêu hủy 442 con lợn.


Dồn sức dập dịch


Chu kỳ lợn bị dịch tai xanh đều diễn ra vào tiết tháng 3 đúng như năm 2008. Chủ tịch UBND xã Ðặng Quốc Hải tâm sự: “Từ khi lợn các nhà dân bị dịch, anh em chúng tôi ai cũng ăn không ngon ngủ không yên. Rút kinh nghiệm, năm nay khống chế điểm bùng phát dịch nhanh, nhờ vậy gần 6.000 con còn lại của hàng trăm chủ hộ chăn nuôi có khả năng không nhiễm bệnh để tiếp tục phát triển tổng đàn. Tuy vậy, chúng tôi vẫn không thể lơ là chủ quan.


Chúng tôi trở lại xã Cẩm Bình trong những ngày này, đâu đâu trên các trục đường lớn cũng có sào chắn và tấm biển đề “Vùng đang có dịch lợn tai xanh”. Một đội quân, trong đó không ít những thanh niên trẻ, tình nguyện tham gia chống dịch. Họ mặc đồ bảo hộ, khẩu trang, mũ bảo hiểm trùm kín mặt đang cõng chiếc bình dài sơn xanh trên vai, dò dẫm từng bước một, phun thuốc tẩy trùng vào từng ngõ xóm.


Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thiện Toàn cho biết, việc tiêu hủy lợn tai xanh được nhân dân chấp hành rất nghiêm túc, công tác tiêu hủy khoa học bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường. Chính quyền địa phương đã cấp 384 lít hóa chất tiêu độc khử trùng và 13,5 tấn vôi bột để nhân dân phun, rắc tại chuồng trại chăn nuôi và phục vụ công tác tiêu hủy. Xã đã lập năm chốt gác để ngăn chặn lợn từ trong ra, lợn từ ngoài vào. Ðội thú y xuống tận từng thôn, nhà vận động các chủ hộ chăn nuôi tiêm vắc-xin phòng ngừa cho lợn. Ðến đầu tháng 4-2013, đội thú y đã tiêm được 6.175 liều vắc-xin cho lợn tại địa bàn.


Lý giải nguyên nhân bùng phát dịch lợn tai xanh lần thứ hai ở xã Cẩm Bình, chính quyền địa phương cho rằng, mật độ chăn nuôi trong thôn quá cao, môi trường chăn nuôi chưa bảo đảm. Công tác vệ sinh thú y, công tác vệ sinh chuồng trại ở nhiều chủ hộ chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi mới. Mặt khác, việc tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh lợn tai xanh vẫn chưa được triển khai thực hiện một cách đồng bộ. Bên cạnh đó, công tác mua lợn giống nhập đàn bổ sung ở từng thôn, từng gia đình chưa được kiểm soát chặt chẽ. Việc trao đổi buôn bán giữa các thương lái với các hộ dân chưa được các cơ quan chức năng kiểm soát nghiêm ngặt. Ðiều này dẫn đến lợn giống mua về không rõ nguồn gốc và lợn thịt, lợn bán không rõ nguồn gốc vẫn đang tái diễn…


Bài và ảnh: PHAN THẾ CẢI


Nhân Dân

  Từ khóa: Cẩm Bình

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP