Hương Khê

Ngăn chặn “cát tặc”: Thiếu giải pháp mạnh!

Từ điểm nóng Hà Linh

Năm 2014, các cơ quan chức năng trên địa bàn Hà Tĩnh đã kiểm tra, xử lý 195 vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép. Dù vậy, nỗi lo “cát tặc” vẫn thường trực trên mỗi dòng sông. Nếu không có giải pháp đủ mạnh và đồng bộ để ngăn ngừa, thì các lòng sông sẽ tiếp tục bị “rút ruột”, kéo theo nỗi bất an của hàng nghìn hộ dân và những hệ lụy khôn lường.

Từ nhiều năm nay, người dân sống ven bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua địa phận xã Hà Linh (Hương Khê) luôn sống trong nỗi bất an bởi tình trạng khai thác cát trái phép kéo dài. Đứng cạnh mảnh vườn sụt lún bên sông, ông Lê Văn Chương (xóm 12) bức xúc: “Mỗi ngày, có hàng chục thuyền máy đến đây để hút cát, hoạt động cả ngày lẫn đêm. Khi có đoàn đến kiểm tra thì họ tạm ngưng, còn không, mọi việc đâu lại vào đấy. Không chỉ ngang nhiên hút cát, các đầu nậu còn có hành động thách thức mỗi khi chúng tôi đứng ra ngăn cản”.

Ngăn chặn “cát tặc”: Thiếu giải pháp mạnh!
Người dân xóm 12, xã Hà Lĩnh ngậm ngùi trước tình trạng sông lấn vườn…

Theo phản ánh của các hộ dân, trước đây, các thuyền hút cát chủ yếu hoạt động tại khu vực cầu treo Hà Linh, nay di dời đến khu vực đồng Xuân Thượng, hói Cô. Hệ quả, cánh đồng sản xuất hoa màu ở Xuân Thượng đã sụt lún mất gần 2 ha. Hàng chục ngôi nhà nằm cạnh khu vực hói Cô đứng trước nguy cơ bị dòng sông “nuốt chửng”. Dọc theo dòng sông Ngàn Sâu, đoạn qua địa phận xóm 12, xã Hà Linh, hơn 2 km bờ sông bị sụt xuống sâu, các hàm ếch cứ thế hình thành dọc khúc sông, chỉ một cơn mưa lớn là nhiều ha đất canh tác, nhà cửa của bà con có nguy cơ trôi theo dòng nước. Người dân vùng rốn lũ đã thường trực nỗi ám ảnh về bão lũ, lại phải nơm nớp nỗi lo mất đất canh tác do “cát tặc” hoành hành.

“Trước đây, gia đình tôi có hơn 2.000 m2 đất sản xuất hoa màu ở đồng Xuân Thượng, nay toàn bộ diện tích đất sản xuất đã nằm trong khu vực lòng sông. Không có đất sản xuất, gia đình chỉ còn cách xuống Truông Bát làm thuê cho nông trường” – anh Nguyễn Văn Tuân chia sẻ.

Cũng theo phản ánh của các hộ dân xóm 12, tất cả các chủ thuyền tham gia khai thác cát trái phép đều là người địa phương. Các bến bãi, điểm tập kết cát cũng được xây dựng ngay trên địa bàn xã Hà Linh. Cá biệt, có chủ đầu nậu còn xây dựng hệ thống ống dẫn ngầm chui qua đường dân sinh để dẫn cát về điểm tập kết trái phép rộng hàng nghìn m2. “Đã nhiều lần chúng tôi phản ánh, đề xuất với chính quyền địa phương nhưng tình trạng không cải thiện được bao nhiêu. Gần đây, tỉnh có lệnh cấm nên xã làm quyết liệt hơn. Tuy nhiên, các đầu nậu lại chuyển sang hoạt động vào ban đêm. Tiếng động cơ tàn phá lòng sông đêm đêm khiến bà con chúng tôi càng nóng ruột. Có hôm, chúng tôi tập trung canh gác dọc bờ sông, nếu không có người can ngăn, suýt nữa đã xảy ra xô xát với các chủ thuyền” – chị Ngô Thị Xuyến kể.

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Hà Linh – Đặng Đức Minh cho biết: Do thiếu lực lượng, phương tiện nên chính quyền xã cũng chỉ tổ chức được một số cuộc tuần tra, ngăn chặn, nên chưa mang lại hiệu quả. “Gần đây, xã đã huy động tổng lực để xóa bỏ các bến cát. Còn việc khai thác ban đêm là do một số gia đình lấy cát để xây nhà!”- ông chủ tịch xã giải thích!?

Đến 44 điểm vi phạm

Số liệu từ các cơ quan chức năng cho thấy, nạn khai thác cát trái phép không chỉ diễn ra ở khu vực sông Ngàn Sâu. Trên các dòng sông từ sông Lam, sông La đến sông Rác, Rào Trổ… ở đâu cũng xuất hiện “cát tặc”. Chắc hẳn, việc phát hiện, xử lý 13 vụ trên địa bàn, xử phạt hơn 140 triệu đồng không phản ánh hết vấn nạn khai thác cát trái phép. Theo chia sẻ của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, mặc dù tiến hành kiểm tra, bắt giữ, xử lý các phương tiện hút cát, song, do lực lượng mỏng, thiếu phương tiện nên tình trạng khai thác, thu gom, vận chuyển khoáng sản trái phép và việc thu mua cát không rõ nguồn gốc vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương với tính chất ngày càng phức tạp, làm thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng đến môi trường.

Ngăn chặn “cát tặc”: Thiếu giải pháp mạnh!
… sông lấn nhà

Trong số 45 vị trí tập kết cát được kiểm tra, các lực lượng chức năng đã phát hiện 44 vị trí vi phạm các quy định của Nhà nước về hoạt động kinh doanh cát, với số lượng cát không rõ nguồn gốc xuất xứ 144.420 m3. Nếu kiểm tra tất cả điểm tập kết cát trên địa bàn, chắc chắn số lượng cát không rõ nguồn gốc sẽ cao hơn rất nhiều. Theo chia sẻ của người trong cuộc, chỉ khi nào ngăn chặn triệt để tình trạng vận chuyển, kinh doanh cát trái phép thì việc chống “cát tặc” mới có hiệu quả.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù nhu cầu về nguồn vật liệu xây dựng đất, cát (đặc biệt là cát) trên địa bàn tỉnh ta rất lớn nhưng các điểm được cấp phép, khai thác còn quá ít (đáp ứng 4% nhu cầu). Do vậy, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn tiếp diễn. Bên cạnh đó, lợi ích mang lại từ việc khai thác, kinh doanh cát rất lớn nên các tổ chức, cá nhân tìm mọi cách để hoạt động. Ngoài ra, theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc buông lỏng công tác quản lý tài nguyên, để xẩy ra tình trạng thu mua, khai thác cát trái phép nhưng không kiểm tra, xử lý vẫn tồn tại ở một số địa phương. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ tài nguyên, môi trường chưa hiệu quả. Việc rà soát, bố trí các điểm khai thác, kinh doanh cát xây dựng thiếu hợp lý… nên nạn “cát tặc” vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.

Ngô Tuấn – Mai Thủy / Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP