Chương trình Góc nhìn thẳng đã mời ông Nguyễn Minh Thuyết – nguyên phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục và Thanh Thiếu niên – Nhi đồng của Quốc hội để trao đổi về câu chuyện này.
Nhà báo Lê Hạnh: Thưa ông, về cơ bản, các ngành dù có khó khăn đến mấy thì Tết đến cũng xoay sở cho người lao động của mình một khoản gọi là lương tháng thứ 13. Riêng với ngành giáo dục thì không có khoản này, mà phụ thuộc vào sự quan tâm của từng đơn vị hoặc từng địa phương. Ông có thấy đây là một thiệt thòi của nghề giáo viên?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: Vâng, đây đúng là một thiệt thòi của nghề dạy học rồi.
Nhưng tôi nghĩ rằng mình phải bắt đầu từ câu hỏi “Lương tháng 13 ở đâu ra?”.
Đối với những đơn vị sản xuất, kinh doanh và làm dịch vụ thì lương tháng 13 là những phần lãi mà người ta tiết kiệm được trong năm, dồn vào cuối năm để thưởng cho người lao động. Thực ra đó cũng là một phần thưởng xứng đáng.
Thứ hai, có một số đơn vị như trường đại học, cao đẳng có nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học thì người ta có thể lấy ra những phần thu nhận được từ kết quả nghiên cứu khoa học hay làm dịch vụ khoa học để thưởng cho cán bộ của mình.
Thứ ba là cũng có những ngành được luật pháp của Nhà nước ưu ái, ví dụ như có ngành được giữ lại 2-3% phần thu để chi trả cho cán bộ nhân viên.
Thứ tư, có những ngành có quyền lực, hoặc có thể có những người tự đem đến cho người ta và người ta lấy phần thu nhập ấy chia cho anh chị em. Thực sự ra thu nhập này là không chính đáng nhưng thực tế ở nước ta diễn ra như vậy.
Nhưng nghề dạy học thì lấy ở đâu ra? Tôi nghĩ là không thể lấy ở đâu ra, nhất là các thầy cô dạy ở phổ thông. Tất cả chỉ có quỹ lương thôi. Có thể nói đó là một thiệt thòi của nghề dạy học.
Nhưng, cũng từng là một giáo viên, tôi nghĩ rằng chúng ta đã chấp nhận chọn nghề này tức là chọn một nghề cao quý nhưng thanh bạch. Bù lại, chúng ta có niềm vui là những kết quả giáo dục thế hệ trẻ.
Người giáo viên bao giờ cũng được tiếp xúc với những người trẻ nhất, đẹp nhất ở trong trạng thái khỏe mạnh, vui tươi nhất. S
o với những nghề khác thì thấy họ cũng có những thiệt thòi khác. Ví dụ như ngành y, cũng khổ không kém gì nghề giáo viên đâu, nhưng lại luôn phải tiếp xúc với con người ở trong một tình trạng không được tươi vui, nhiều khi là già nua, bệnh tật, ốm yếu.
Tôi nghĩ rằng đó là một lợi thế của ngành giáo dục so với một số ngành khác.
Giáo viên Trường Tiểu học Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An hướng dẫn học sinh học bài. Ảnh: Hạ Anh |
Thưa ông, cũng đã nhiều năm nay, ngành giáo dục chủ động lo cho Tết cũng giáo viên bằng các hình thức như vận động địa phương, doanh nghiệp, đơn vị ủng hộ để chăm lo cho cái Tết. Một số giáo viên cho rằng cách thức vận động này đã chạm tới sự cao quý của nghề giáo. Ông có suy nghĩ gì về điều này?
Nếu tôi ở cương vị người lành đạo ngành giáo dục địa phương thì tôi cũng phải đi vận động các đơn vị thôi, nhưng quả thực cái cách làm này cũng không phải là hay lắm.
Nó có thể chạm vào tự ái của anh chị em giáo viên. Tốt nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương coi đây là một trách nhiệm của mình và cấp ủy, chính quyền địa phương đứng ra vận động các ngành, vận động phụ huynh học sinh để chăm lo cho cái Tết của các thầy các cô.
– Ngành giáo có một đặc thù mà các ngành khác không có được là thời gian nghỉ hè có hưởng lương. Đây có nên coi là một phần thưởng, một khoản thưởng đặc thù của ngành nghề này? Ông có chia sẻ gì về đặc thù của nghề giáo về chuyện thu nhập cũng như chuyện thưởng Tết?
Đúng là ở nước nào cũng vậy và từ xưa đến nay, nhà giáo bao giờ cũng có một số tháng hè để nghỉ ngơi, nghiên cứu.
Tôi nghĩ rằng đây cũng là một phần thưởng cho nghề này và các thầy cô cũng hiểu được ý nghĩa của những tháng hè ấy.
Nhưng thực tế hiện nay, giáo viên cũng chỉ được nghỉ hè 1 tháng thôi. Còn lại, anh chị em cũng phải đi tập huấn về chuyên môn, học tập thêm để chuẩn bị cho năm học mới, thực sự vẫn là việc nhưng không nên lớp.
So với những ngành khác được nghỉ phép 15 ngày thì thực ra tôi nghĩ nếu có lợi thì cũng hơn được độ khoảng 15 ngày. Và với đồng lương của giáo viên, nhất là giáo viên ở cấp mầm non, tiểu học, thậm chí THCS thì có thể nói là cái tháng lương cũng không bõ bèn gì đâu.
– Lâu nay trong ngành giáo có một câu hỏi rằng “Bao giờ sống được bằng lương?”. Thế thì trước khi chờ câu trả lời cho câu hỏi này thì trước mắt ngành giáo dục có nên tính đến chuyện là lo cho giáo viên một lương tháng thứ 13 như những ngành nghề khác hay không?
Trong thời gian còn đang khó khăn như thế này, thì ngành giáo dục có thể lo nổi lương tháng 13 cho toàn bộ giáo viên của cả nước không? Tôi nghĩ chắc là khó.
Bởi vì ngành giáo dục nói chung chỉ có quỹ lương thôi. Thứ hai là giáo viên của mình số lượng rất đông – trên 2 triệu người, bởi vì dân số mình đông.
Thế nên tôi cho rằng những chuyện này muốn giải quyết được phải là chủ trương từ Đảng, Nhà nước, trung ương và cũng có sự tích cực hưởng ứng của cấp ủy chính quyền địa phương thì mới làm được.
– Xin cảm ơn ông Nguyễn Minh Thuyết về những chia sẻ. Kính chào quý vị và hẹn gặp lại.
- Thực hiện: Ban Giáo dục (Email: [email protected])