Giáo dục

'Nếu biết đi chấm thi mà bị tù, tôi đã bỏ nghề'

Đứng trước bục khai báo tự bào chữa cho mình, nhiều giáo viên chấm thi không kìm được nước mắt, bật khóc nói mình phạm tội trong tình huống khó từ chối, bị cấp trên ép buộc, nể nang, 'nếu biết đi chấm thi mà bị tù thì bị cáo đã bỏ nghề'.

Bị cáo Nguyễn Thị Thu Loan (41 tuổi, giáo viên trường THPT Lạc Long Quân, TP Hòa Bình) khóc nức nở tại tòa - Ảnh: DANH TRỌNG

Trước tòa, tự bào chữa cho mình, bị cáo Nguyễn Thị Thu Loan (41 tuổi, giáo viên trường THPT Lạc Long Quân, TP Hòa Bình) khóc nức nở nói không hề có ý định đưa ra những lý lẽ sắc bén tự bào chữa cho mình mà chỉ muốn nói lời chân thành, thật lòng để mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Về quá trình thực hiện hành vi phạm tội, năm 2018, Loan cùng 46 giáo viên khác được triệu tập đi chấm thi TPHT và được phân công làm tổ trưởng chấm thi tự luận môn ngữ văn. Loan nghĩ đã hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó.

Tuy nhiên, trong quá trình chấm thi, bị cáo Loan khai có nhận mảnh giấy ghi thông tin thí sinh cần nâng điểm từ bị cáo Diệp Thị Hồng Liên (cựu trưởng phòng khảo thí) đưa cho và đã chấm lệch điểm.

Loan đã chấm điểm lệch lên so với thang đáp án của Bộ Giáo dục và đào tạo với suy nghĩ chỉ làm những việc có lợi cho học sinh, không gây hại cho học sinh thì làm.

Theo bị cáo Loan, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sai lầm này là do bi cáo "nể nang đồng nghiệp, để tình cảm lấn át lý trí".

"Bị cáo thiếu hiểu biết về pháp luật, chưa bao giờ nghĩ rằng đi chấm thi mà bị đi tù, nếu biết đi chấm thi mà bị đi tù thì bị cáo đã bỏ nghề từ lâu để không phải đứng trước tòa như ngày hôm nay".

Từ khi bị cáo bị bắt cho đến giờ, chưa bao giờ bị cao chối tội của mình, bị cáo làm sai bị cáo nhận.

"Bị cáo nghĩ rằng người làm sai nhận ra tội, biết hối hận thì không phải là người xấu. Bị cáo là người làm sai, nhận ra lỗi và hối hận nên không phải là người xấu. Bị cáo chỉ là vô tình rơi vào hoàn cảnh đau xót này".

Loan cho hay tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội năm 2000 và suốt quá trình công tác liên tục là giáo viên dạy giỏi môn ngữ văn, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và còn nhiệt tình ngăn chặn cái xấu như săn bắt cướp giao công an.

Theo bị cáo Loan, suốt quá trình điều tra, bị cáo đã thành khẩn khai báo, phối hợp với cơ quan an ninh làm rõ hành vi của những người khác. Việc Loan khai báo giúp cơ quan điều tra bắt Diệp Thị Hồng Liên là “một nỗi đau đớn xót xa và hối hận vô cùng”.

Phiên tòa kết thúc cũng là lúc Loan bị đuổi khỏi ngành giáo dục. Loan rất ân hận và không ngờ sự năng nổ nhiệt tình lại là tình tiết buộc tội bản thân mình nặng như thế.

Cuối bài bào chữa, Loan cho hay hành vi phạm tội của mình không nghiêm trọng và gây nguy hiểm cho xã hội mà chỉ làm mất niềm tin, danh dự cho bản thân và mọi người. Loan mong HĐXX cho hưởng khoan hồng để “sớm trở về làm người tốt” tiếp tục cống hiến cho xã hội.

Các bị cáo rời tòa - Ảnh: DANH TRỌNG

Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Chung (giáo viên trường THPT Ngô Quyền) cũng bật khóc nức nở khi trình bày bào chữa. Chung mong HĐXX xem xét vì "bị cáo phạm tội trong tình thế bị ép buộc. Chung không được hưởng lợi ích gì về vật chất mà chỉ thực hiện trong tình huống khó có thể từ chối, bị cấp trên ép buộc".

Chung cho hay đã nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, có nhiều thành tích xuất sắc nên rất mong tòa án xem xét giảm án để sớm trở về chăm hai con nhỏ đang gửi bà ngoại gần 70 tuổi.

Không kìm được nước mắt khi đứng trước bục khai báo, bị cáo Lê Thị Hồng (Hiệu trưởng trưởng Hoàng Văn Thụ) cho biết "có thể nhiều người không tin" nhưng động cơ phạm tội của bị cáo là do nể bạn bè, đồng nghiệp, phụ huynh và thương học sinh.

"Trong quá trình điều tra, bản thân bị cáo vốn có lòng tự trọng nên bi cáo đã nhận hết những sai lầm mình gây ra. Bị cáo tha thiết xin HĐXX xem xét giảm nhẹ mức hình phạt cho bị cáo", bà Hồng nói.

Tác giả: DANH TRỌNG

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP