Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau, hoa, quả Gia Lâm hỗ trợ giống cây cho bà con vùng lũ huyện Vũ Quang
Một số tập thể và cá nhân đã đến trao quà ủng hộ, giúp đỡ đồng bào vùng lũ. Thôn T. bị thiệt hại nhiều nhất so với các thôn trong xã nên được ưu tiên nhận quà ủng hộ trước. Ai cũng thấy cấp ủy, chính quyền và ban cán sự thôn phân phối quà ủng hộ như thế là hợp lý, thôn mình, nhà mình thiệt hại ít hơn, nên nhường cho những nơi bị thiệt hại nhiều. Tuy mỗi phần quà không lớn (một hộp mì tôm) nhưng những người như gia đình ông H. cảm thấy ấm áp vì được cộng đồng quan tâm lúc khó khăn.
Hôm sau, có đoàn khác đến trao quà, lần này đến lượt những gia đình bị thiệt hại ít hơn. Thế nhưng, mỗi suất quà là 1 triệu đồng tiền mặt. Thế là nảy sinh mâu thuẫn giữa ban cán sự thôn và những gia đình bị thiệt hại, cho rằng, cán bộ phân phối không công bằng, người bị thiệt hại nhiều được giúp đỡ ít!
Rút kinh nghiệm từ thôn của ông H., thôn B. (được nhận quà sau) đưa ra “sáng kiến” là tất cả bà con sau khi nhận quà xong nộp lại cho thôn, sau đó, ban cán sự thôn phân chia lại, theo nguyên tắc gia đình thiệt hại nhiều được nhận nhiều. Tưởng làm như thế là công bằng, hợp lý, ai ngờ, có người đã báo cho lãnh đạo cấp trên rằng: cán bộ thôn bắt người dân nộp lại quà của các đơn vị và cá nhân đến tài trợ cho họ! Thế là cán bộ xã bị phê bình thiếu kiểm tra giám sát, cán bộ thôn bị kiểm điểm làm việc tùy tiện…
Từ câu chuyện thực tế trên, thiết nghĩ, các đơn vị và các nhà hảo tâm nên thay đổi cách thức ủng hộ. Theo tôi, tất cả các phần quà nên tập trung về một mối (Mặt trận Tổ quốc tỉnh). Cơ quan được giao tiếp nhận sẽ phân phối một cách công bằng theo mức độ thiệt hại. Nếu tập thể, cá nhân nào cần trao số quà giúp đỡ trực tiếp thì tập trung quà về UBND xã (phường), sau đó, lãnh đạo địa phương có trách nhiệm phân phát cho nhân dân mới đảm bảo công bằng, theo nguyên tắc gia đình bị thiệt hại nhiều được hỗ trợ nhiều hơn. Như thế sẽ không xảy ra những chuyện không đáng có như trên.
Trí Thức