Đến khi buộc phải trả lời, ông Cự một lần nữa khiến dư luận thất vọng khi “đá bóng trách nhiệm” những gì liên quan tới Formosa…
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười?
Đó là chia sẻ của không ít độc giả về việc ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh, hiện đang là Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khi ông này vừa được phê chuẩn vào Ủy ban kinh tế của Quốc hội khóa XIV. Đây cũng là lần đầu ông lên tiếng về sự kiện Formosa xả thải ra môi trường. Ông Cự liên tục khẳng định, việc lựa chọn nhà đầu tư Formosa cũng như việc cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp này là hoàn toàn đúng quy trình, đúng theo luật, bản thân ông không có sai phạm.
Ông Võ Kim Cự nói: Quy trình cấp phép cho Formosa không hề có ưu tiên. |
Sáng 25/7, bên hành lang Quốc hội, trả lời PV báo Người Đưa Tin cho câu hỏi vì sao quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho Formosa chỉ trong vài tháng, rất nhanh với một dự án lớn, ông Võ Kim Cự khẳng định: “Quy trình cấp phép cho Formosa không hề có ưu tiên, hay ưu đãi gì mà theo đúng quy trình, luật pháp. Về việc chỉ trong vòng mấy tháng đã cấp phép xong cho Formosa, chúng tôi không có gì ưu tiên, ưu đãi, cũng không rút ngắn thời gian cấp phép”.
Ông Cự cũng thừa nhận, bản thân là người liên quan đến việc cấp phép cho Formosa mà họ lại liên tiếp vi phạm luật bảo vệ môi trường khiến ông rất băn khoăn, trăn trở và bức xúc. Vụ việc ảnh hưởng rất lớn đến đời sống bà con, trong đó có những người thân, họ hàng của ông. Bản thân ông thấy có phần trách nhiệm: “Nói đứng ngoài cuộc thì không phải”.
Tuy nhiên, cách mà ông Võ Kim Cự thừa nhận trách nhiệm lại càng khiến dư luận thêm bức xúc. Bởi lẽ, nếu bức xúc và trăn trở như vậy, tại sao đến bây giờ, sau khi sự cố môi trường đã xảy ra một khoảng thời gian khá dài, ông mới lên tiếng và chỉ lên tiếng sau khi buộc phải? Điều này lại càng khiến cho các ý kiến đề xuất xem xét lại tư cách Đại biểu Quốc hội của ông Võ Kim Cự trở nên xôn xao hơn. Nhất là khi, ông Cự trả lời về ý kiến này như sau: “Tôi không nghĩ thế, cũng chưa nghe ai nói thế”.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Bá Thuyền – ĐBQH khóa XIII, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho rằng, với tư cách là một ĐBQH đương nhiệm, ông Võ Kim Cự cần phải nhìn nhận thẳng vào vấn đề và tự xem xét lại bản thân, đã làm đúng chức trách và vai trò mà nhân dân giao phó hay chưa.
Theo ông Nguyễn Bá Thuyền, ông Cự dù không còn đảm đương các chức vụ quản lý tại tỉnh Hà Tĩnh nhưng đang công tác tại Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thì cũng phải vì dân, đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu, phải đứng ra bảo vệ quyền lợi của người dân, dám nói thẳng, nói thật, thậm chí nếu có sai sót cũng phải tự thừa nhận và chịu trách nhiệm nghiêm túc. “Chưa có kết luận sai phạm gì xung quanh việc ông Cự ký quyết định cho Formosa đầu tư 70 năm tại Hà Tĩnh nên chưa thể khẳng định được điều gì. Tuy nhiên, nếu chỉ xét ở góc độ là ĐBQH thì ông Cự cũng phải xem xét lại”.
“Là ĐBQH thì phải dám nhìn thẳng vào sự thật, phải chịu trách nhiệm về những vấn đề của cử tri địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Dám nhìn thẳng vào sự việc là gì? Ví dụ như Formosa sai ở chỗ nào, trách nhiệm của địa phương, của những người đứng đầu có sai không, sai ở đâu?
Trách nhiệm của những người đứng đầu địa phương là phải thấy được vấn đề để cung cấp thông tin cho báo chí, kịp thời minh bạch những vấn đề mà người dân còn thắc mắc. Còn quy trách nhiệm đến đâu thì thuộc về cơ quan có thẩm quyền”, ông Thuyền cho biết.
Cũng theo ông Thuyền, việc xem xét tư cách ĐBQH của ông Võ Kim Cự cũng phải “hết sức bình tĩnh”. Bởi lẽ, để xem xét trách nhiệm của một ĐBQH xem có đủ tư cách hay không phải do Hội đồng bầu cử Quốc gia xem xét, xác định rồi mới có kết luận.
Hiện nay, có một số vấn đề cần phải làm rõ là những sai phạm của Formosa, ông Cự có biết không và biết đến đâu? Trách nhiệm của ông Cự trong quá trình kêu gọi đầu tư, quy trình thủ tục có đúng hay không? Còn nếu chỉ là lỗi kỹ thuật, phát sinh khi ông Cự đã về Trung ương rồi thì lại khác.
Phải phân biệt rõ trách nhiệm trong từng giai đoạn. Nếu trong quá trình thi công, giám sát, ông Cự biết Formosa xả thải qua đường ống ngầm mà vẫn đồng ý thì trách nhiệm của ông Cự rất rõ ràng. Còn nếu Formosa “xả trộm”, trách nhiệm là của người lãnh đạo quản lý đương thời.
Không phải cứ “hạ cánh” là xong
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Trần Chí Thanh – Văn phòng Luật sư Tâm Đức (Đoàn LS TP.Hà Nội) cũng chia sẻ, mấy ngày qua, theo dõi trên báo chí thông tin về ông Võ Kim Cự cũng thấy những điều bất ổn. “Ông Cự ký văn bản cho Formosa đầu tư, làm ô nhiễm môi trường biển rất lớn, nay thôi giữ chức vụ lại bảo không có trách nhiệm.
Nói như vậy là rất phản cảm trong tình hình hiện naỵ. Như chúng ta đều biết, người dân chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế, họ biết kêu ai? Mình làm quan chức, ký các văn bản giấy tờ liên quan đến việc đầu tư không đúng, doanh nghiệp làm sai thì mình phải chịu trách nhiệm liên đới”, luật sư Thanh cho biết.
Cũng theo LS Thanh, những vi phạm về môi trường trong thời gian qua là đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa thấy khởi tố hình sự một vụ nào. Tính khả thi trong xử lý hình sự những vụ vi phạm về môi trường là chưa cao, nếu như không muốn nói là đạt hiệu quả thấp.
Trong vụ Formosa, cơ quan chức năng đã xác định được hành vi gây hại, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhiều năm sau vẫn chưa thể khắc phục hết được… Như vậy đã đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự về vi phạm môi trường. Nhưng trên thực tế, cơ quan chức năng chỉ yêu cầu doanh nghiệp bồi thường thiệt hại và xin lỗi người dân. Cách xử lý này còn quá nhẹ cho doanh nghiệp.
“Liên quan đến người đứng đầu tỉnh Hà Tĩnh cấp phép đầu tư 70 năm cho Formosa, theo tôi lãnh đạo làm sai đến đâu, xử lý đến đó. Bản thân ông Võ Kim Cự trả lời trên báo chí, bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa có văn bản phản hồi.
Chính phủ là cơ quan có thẩm quyền cao nhất xem xét trách nhiệm, tư cách của từng người liên quan trong việc cấp phép đầu tư sai cho Formosa. Hiện tại ông Võ Kim Cự là ĐBQH, thì Quốc hội có thể xem xét tư cách đại biểu của ông Cự”, luật sư Thanh đề xuất.
Một góc Công ty Formosa |
Bình luận thêm về việc cấp phép cho Formosa 70 năm, Luật gia Phạm Xuân Anh – Phó Chủ tịch Hội luật gia tỉnh Bắc Giang phân tích, theo Luật Đầu tư, một dự án không được cấp phép quá 50 năm.
Vậy mà, UBND tỉnh Hà Tĩnh (thời điểm năm 2008) do ông Võ Kim Cự giữ chức Phó Chủ tịch tỉnh ký thay Chủ tịch tỉnh văn bản đề nghị cấp trên ký cấp phép đầu tư 70 năm cho Tập đoàn Formosa. Căn cứ vào quy định của pháp luật, có thể thấy lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã ký vượt quá thẩm quyền.
Ông Xuân Anh đặt câu hỏi: “Lý do vì sao người đứng đầu địa phương lại ký với đối tác như vậy? Tôi thấy ở đây có dấu hiệu không bình thường…(?!). Có thể nói, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thời điểm đó đã thiếu trách nhiệm trước dân, trước Quốc hội và Nhà nước. Thông thường, người đứng đầu địa phương- nơi có dự án phải nhìn xa, trông rộng, tâm huyết với công việc và có trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và người dân, thì không thể có sai phạm lớn như vậy.
Người đứng đầu địa phương làm sai, đương nhiên đối tác (doanh nghiệp có dự án đầu tư) không sợ, làm sai theo là điều khó tránh khỏi. Ở đây, phải xem xét trách nhiệm những lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã hậu thuẫn cho tập đoàn Formosa đầu tư tại địa phương, dẫn đến những vi phạm về môi trường đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về kinh tế nước nhà”.
ĐH-PT