Trong nước

Nâng vốn dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỷ đồng lên 35.000 tỷ đồng: Quá cao!

Đề xuất của Chính phủ điều chỉnh tiêu chí mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỷ đồng hiện hành lên tới 35.000 tỷ đồng không nhận được nhiều đồng thuận từ các uỷ viên UB Thường vụ Quốc hội. Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga thì nêu vấn đề đáng suy nghĩ là dự án đầu tư công thường chất lượng thấp, lãng phí cao, nguy cơ tham nhũng lớn…

Đây là một nội dung nhận nhiều ý kiến trái chiều tại UB Thường vụ Quốc hội sáng 21/2/2019 khi thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên thảo luận sửa luật Đầu tư công

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên thảo luận sửa luật Đầu tư công

Báo cáo của UB Tài chính - ngân sách (cơ quan thẩm tra dự án luật) về đề xuất của Chính phủ nêu khá nhiều vấn đề còn có ý kiến khác nhau, trong đó có tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C.

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, về nội dung này, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 35.000 tỷ đồng và điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng đối với các dự án nhóm A, B, C là mức điều chỉnh quá cao, dẫn tới khó kiểm soát, đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành. Một số ý kiến cho rằng, có thể điều chỉnh tổng mức đầu tư phân loại dự án nhưng phải trên cơ sở đánh giá trên thực tế.

Nhiều ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, thực tế thời gian qua, chỉ số giá không có biến động lớn và việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định. Với quy định như luật hiện hành, mới chỉ có 2 dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội và không có vướng mắc gì.

Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn, sau gần 4 năm thực hiện Luật Đầu tư công, chỉ số CPI đã tăng khoảng 10%, quy mô thu ngân sách tăng khoảng 55%, chi ngân sách cho đầu tư phát triển tăng khoảng 120%, quy mô các dự án đầu tư công cũng lớn hơn, để luật sửa đổi lần này phù hợp với thực tiễn biến động giá cả, phân loại dự án phù hợp với quy mô ngân sách, đề nghị mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng thêm 50% so với quy định hiện hành, lên 15.000 tỷ đồng. Tương tự đối với các dự án nhóm A, B, C, đề nghị mức tăng 50% so với quy định hiện hành.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho biết, có ý kiến đề nghị giữ như quy định của luật hiện hành vì không cần thiết điều chỉnh và thực tế thực hiện không phát sinh vướng mắc. Luật Đầu tư công hiện hành cũng đã quy định trong trường hợp cần thiết thì UB Thường vụ Quốc hội được điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án nhóm A, B, C và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Cơ quan soạn thảo đề nghị căn cứ vào tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế (GDP) và tốc độ tăng giá bình quân (CPI), nên điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia lên mức vốn 20.000 tỷ đồng (thay vì 15.000 tỷ đồng như đề xuất của cơ quan thẩm tra), Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cho biết.

Phần thảo luận, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng không nên thay đổi tiêu chí phân loại. Ông Phúc nêu thực tế, 4 năm qua, mới chỉ có 2 dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội và không có vướng mắc gì thì tại sao phải nâng lên, nếu nâng lên như đề xuất thì có lẽ Quốc hội chẳng quyết định dự án nào nữa.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nêu nhiều vấn đề bộc lộ trong các dự án đầu tư công

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nêu nhiều vấn đề bộc lộ trong các dự án đầu tư công

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhận xét, điều chỉnh tăng lên 35.000 tỷ thì cao quá. Mà thực tế từ ngày có Luật Đầu tư công chỉ có hai công trình có vốn ngân sách trên 10.000 tỷ đưa ra Quốc hội xem xét cũng chỉ vì ở định mức vốn đó, không có gì vướng mắc.

“Có dự án quyết định gần 1 năm còn chưa triển khai, chưa giao vốn, tiền có mà không chi được, cái đó có phải do Quốc hội hay do luật không, hay do trình tự thủ tục, do trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương, phải làm cho rõ” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga phân tích từ thực tế, thời gian qua có dấu hiệu một số dự án lúc đầu định đưa ra Quốc hội quyết nhưng sau đó lại chia nhỏ ra để không cần trình Quốc hội quyết. Vì đưa ra Quốc hội thì trình tự phức tạp hơn, giám sát chặt chẽ hơn. Theo đó, một số dự án không qua Quốc hội sau đó đã phải giải quyết hậu quả bằng nhiều cách khác nhau.

Bà Nga cho rằng, vấn đề lớn hơn cần quan tâm là qua theo dõi công tác chống tham nhũng thời gian qua thì các dự án đầu tư công là đối tượng “nổi” lên về việc dự án chậm tiến độ, đội vốn, công trình xuống cấp nhanh và mức độ thất thoát, lãng phí trong các dự án cao, nguy cơ tham nhũng trong các dự án đầu tư công lớn. Các hoạt động của Ban chỉ đạo phòng Trung ương về chống tham nhũng hiện cũng đang tập trung hướng vào các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công.

So sánh giữa các dự án đầu tư công và các dự án do khối tư nhân đầu tư, bà Nga khái quát, rõ ràng có sự chênh lệch cả về chất lượng, hiệu quả đầu tư, biểu hiện rõ nhất là trong các dự án giao thông.

Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng đó, theo Chủ nhiệm UB Tư pháp, đó mới là điều đáng phải suy nghĩ, cân nhắc.

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP