Nghi Xuân

Nạn “chặt, chém” tại Trạm thu phí cầu Bến Thủy I

Không nhìn thấy biển cấm (vì quá nhỏ), nên tài xế Phạm Văn Sơn đã điều khiển chiếc xe có tải trọng 34,3 tấn đi vào cầu Bến Thủy I (cầu này cấm xe tải >10 tấn – PV) nối Nghệ An – Hà Tĩnh. Tại đây, nhân viên bán vé đã yêu cầu lái xe mua phí gấp đôi thực tế, nếu không sẽ báo Thanh tra Giao thông xử phạt. Cực chẳng đã, anh Sơn đành cắn răng bỏ ra 360 ngàn đồng để mua… sự yên ổn.

Biển hay bẫy?

Biển chỉ dẫn tối màu, nằm tương đối khuất tầm nhìn, tài xế khó phát hiện.
Biển cấm xe trên 10 tấn đi qua cầu, có hình chữ nhật, kích thước 40cm x 60cm, nền màu vàng, chữ màu đỏ nhạt, rất khó quan sát.

Theo đó, vào hồi 22h 30 phút ngày 26.8.2016, anh Phạm Văn Sơn điều khiển chiếc xe tải mang biển số 82C-030.45, chở tăm tre đi theo hướng từ thị xã Hồng Lĩnh ra thành phố Vinh. Do trời tối, biển chỉ dẫn bên đường quá nhỏ, đặt ở vị trí không thuận tầm nhìn, màu chữ và màu nền gần giống nhau, không tương phản, nên thay vì cho xe rẽ lên đường tránh thành phố thì anh Sơn lại cho xe chạy thẳng qua cầu Bến Thủy I.

Đến trạm thu phí, xe của anh Sơn bị ách lại. Nhân viên bán vé buộc lái xe phải mua phí gấp đôi thực tế, nếu không sẽ báo Thanh tra Giao thông xử phạt. Cực chẳng đã, anh Sơn đành cắn răng bỏ ra 360 ngàn đồng để mua… sự yên ổn.

Trao đổi với PV, anh Phạm Văn Sơn tỏ vẽ không hài lòng: “Họ yêu cầu phải mua hai vé, trong đó 01 vé quá tải qua cầu Bến Thủy và 01 vé qua Trạm thu phí, tổng cộng là 360 ngàn. Nếu không mua họ sẽ báo cho Thanh tra giao thông phạt từ 800 ngàn đến 1,2 triệu đồng”.

“Trước đây tôi thường đi qua cầu này. Từ khi có đường tránh thành phố Vinh, tôi không qua lại đây nên không biết. Hơn nữa, thời điểm đó do trời tối nên tôi không thấy biển chỉ dẫn bên đường”, anh Sơn nói thêm.

PV hỏi rằng khi lưu thông đến gần cầu, anh có nhìn thấy biển chỉ dẫn và biển cấm hay không? Thì được anh Sơn cho biết: “Thời điểm đó cũng đã muộn, xe qua lại khá đông. Vì có nhiều xe đi ngược chiều nên tôi không thể sử dụng đèn pha nên không quan sát được xung quanh. Nếu nhìn thấy biển báo thì tôi chẳng dại gì đi vào để bị phạt”.

 Hai tấm vé có tổng số tiền là 360 ngàn mà anh Sơn phải bỏ ra để mua… sự yên ổn.

Để xác minh nguồn thông tin trên, PV cho xe chạy chầm chậm để lần tìm biển báo. Cũng phải mất khá lâu chúng tôi mới tìm ra cái biển cấm xe tải trên 10 tấn. Tấm biển hình chữ nhật có kích thước 40cm x 60cm, nền màu vàng, chữ màu đỏ nhạt. Phải cho xe chạy thật chậm, khoảng cách thật gần thì may ra mới đọc được. Quả thật, đối với cánh tài xế, nếu qua đây lần đầu thì không thể phát hiện ra, và việc vi phạm là điều không thể tránh khỏi.

Phạt cho nhớ!

Phản ánh về việc biển báo quá nhỏ, màu sắc không hài hòa, gây khó khăn cho việc quan sát của người điều khiển phương tiện qua lại, một cán bộ phụ trách ca trực chia sẻ: “Hiện nay hầu hết các phương tiện có tải trọng lớn đều đã biết đi theo đường tránh qua cầu Bến Thủy II. Số lượng xe trên 10 tấn đi qua cầu này không nhiều. Tuy nhiên chúng tôi xin tiếp thu và có hướng khắc phục”.

Trao đổi về cách xử lý những xe trên 10 tấn qua cầu Bến Thủy I, vị cán bộ này cho biết: “Thường thì chúng tôi yêu cầu tài xế quay đầu, di chuyển sang cầu Bến Thủy II mua vé nhưng có những trường hợp họ không chịu. Vì thế phải yêu cầu lái xe mua thêm vé để cho họ nhớ và lần sau không vi phạm nữa. Vì yêu cầu quay lại nhưng lái xe không chịu nên chúng tôi không thể làm khác được”.

Trạm thu phí cầu Bến Thủy I, nơi có những “chiêu thức” kỳ lạ để móc túi khách hàng.

Một thực tế cho thấy, không gian trên cầu thì hẹp, xe tải thì dài, việc quay đầu là bất khả kháng. Nếu có quay đầu được thì cũng mất nhiều thời gian, gây cản trở, ách tắc giao thông cho người qua lại. Việc yêu cầu tài xế quay đầu xe ngay trên đường dẫn lên cầu nhằm động cơ gì? Có phải để nhắc nhở tài xế ghi nhớ, lần sau không được vi phạm hay dồn vào thế bí. Phải chăng vì không thể quay đầu nên tài xế buộc phải chấp nhận mọi điều kiện mà nhân viên trạm thu phí đưa ra.

Thay vì nhắc nhở người tham gia giao thông để họ rút kinh nghiệm, lần sau họ nhớ, không tái phạm, thì nhân viên trạm thu phí cầu Bến Thủy I lại lợi dụng việc tài xế mắc lỗi để gây khó dễ và “xử ép”. Nếu không “tuân lệnh” thì họ sẽ gọi Thanh tra giao thông đến “trảm”. Thôi thì đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, vì “tránh voi chẳng xấu mặt nào”.

Đem vấn đề này trao đổi với Trạm trưởng, ông Võ Nghệ Sỹ lớn giọng: “Anh lưu ý thế này, tôi nói nhanh cho anh thế này. Đáng ra, bọn tôi gọi Thanh tra giao thông đến để xử phạt, đó là lái xe tự nguyện, chúng tôi không bắt gì cả. Thế thôi anh nha”, ông Sỹ cúp máy.

Dư luận đang rất hoài nghi về những hành xử kiểu “chặt chém” tại Trạm thu phí cầu Bến Thủy. Câu hỏi đặt ra là liệu những “bội thu” đó có đưa vào ngân sách hay không? Có được quản lý chặt chẽ hay không, hay lại “bốc hơi” theo một nhóm lợi ích nào đó!

Đặng Sơn – Trần Hoàn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP