Nguyễn Ngô Anh Tuấn (sinh năm 2006), học sinh lớp 11 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam vừa nhận kết quả kỳ thi SAT với số điểm 1.540/1.600, trong đó điểm Toán là 770, điểm Đọc - Viết là 770.
Với thành tích này, Tuấn lọt Top 1% điểm thi SAT cao nhất thế giới. Đáng nói, đây mới chỉ là lần thứ hai em tham dự kỳ thi này. Trong lần thi đầu tiên vào tháng 8/2022, Tuấn đạt 1.480 điểm (Toán: 790 điểm, Đọc - Viết: 690 điểm).
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Tuấn tâm sự khi nhận kết quả, em rất vui, bất ngờ, tuy nhiên vẫn có một chút nuối tiếc do điểm Toán thấp hơn kỳ vọng: "Em đã làm chưa cẩn thận trong một số câu nên bỏ lỡ điểm một cách đáng tiếc", Tuấn nói.
Nam sinh cho biết đang có dự định nộp hồ sơ du học Mỹ và chọn theo đuổi ngành Công nghệ thông tin.
Em Nguyễn Ngô Anh Tuấn, học sinh lớp 11 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Ảnh: NVCC). |
Chia sẻ về bí quyết đạt điểm cao trong kỳ thi SAT, Anh Tuấn cho rằng đầu tiên cần cố gắng giành điểm Toán cao nhất có thể bởi những kiến thức Toán trong kỳ thi SAT thực tế không quá khó, có thể giúp cải thiện điểm rất nhiều.
Với phần Viết sẽ có nhiều câu hỏi ngữ pháp khó. Tuy nhiên, do chỉ có một số dạng đề cố định nên nếu làm đề thường xuyên, bạn sẽ luyện được phản xạ để nhanh chóng nghĩ được hướng làm, cách viết.
Theo Tuấn, phần Đọc là phần khó nhất. Bước vào kỳ thi, thí sinh phải làm 5 bài đọc trong tổng thời gian khá ngắn là 60 phút, đòi hỏi mỗi bài cần làm xong rất nhanh.
Bí quyết của Tuấn là tập luyện thói quen đọc nhanh, phán đoán nhanh ý của bài, bởi không phải từ nào bản thân cũng có thể hiểu. Đặc biệt, nếu đọc một đoạn đầu nhưng vẫn chưa hiểu, bạn không nên buông và chuyển ngay sang bài khác.
"Bởi thời gian thi ngắn, nếu đã mất mấy phút đọc đoạn đầu mà không đọc tiếp sẽ rất phí", Tuấn chia sẻ. Em cũng cho rằng để làm tốt phần Đọc, cần học thật nhiều về từ vựng để có vốn từ vững chắc.
Thời gian ôn thi SAT, Tuấn luyện khả năng đọc bằng cách thường xuyên đọc báo nước ngoài. Em cũng luyện phản xạ qua các đề thi SAT từ nhiều năm trước, qua các bài mà giáo viên giao.
Không chỉ đạt thành tích xuất sắc trong kỳ thi SAT, vừa qua, Tuấn cũng đã thi đạt mức điểm IELTS 8.0 (điểm Đọc: 9; Nghe: 9; Nói: 6.5 và Viết 6.5). Điểm số này cải thiện đáng kể so với lần thi gần nhất của em vào năm lớp 8 (6.5 IELTS).
Tuấn tâm sự sau kỳ thi IELTS trước, em nhận thấy một số điểm yếu của bản thân trong phần Nói và Viết. Bởi vậy, em tập trung ôn tập nhiều hơn cho các phần này.
Ngoài việc tham gia một số lớp học thêm, nam sinh chủ yếu tự luyện đề ở nhà. Em cũng thích lên Youtube xem các video tiếng Anh về vũ trụ, tự nhiên, hướng dẫn các định luật Toán… để vừa tăng thêm hiểu biết, vừa rèn luyện khả năng ngoại ngữ.
Ngay từ nhỏ, Anh Tuấn đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong học tập. Năm lớp 9, em đạt giải Nhì học sinh giỏi cấp Quận, giải Nhì học sinh giỏi thành phố môn Vật lý.
Lớp 10, Tuấn tham dự cuộc thi AI-JAM 2021 (một cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế được tổ chức thường niên tại thung lũng Silicon, Mỹ) và giành giải Vàng.
Kết thúc cấp học THCS, Tuấn thi đỗ 3 trường chuyên là THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, THPT chuyên Sư phạm và THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam trước khi lựa chọn theo học lớp chuyên Vật lý của trường chuyên Hà Nội - Amsterdam. Năm lớp 10, điểm trung bình chung học tập của Tuấn đạt 9.4.
Nam sinh chia sẻ, thực tế, em không dành quá nhiều thời gian cho việc học mà vẫn cố gắng cân bằng với nhiều hoạt động khác.
Mỗi buổi học trên lớp, Tuấn cố gắng học vững, nắm chắc các kiến thức thầy cô hướng dẫn. Về nhà, em chỉ hoàn thành bài tập và đọc thêm sách trong khoảng 1-2 tiếng. Em không thức quá khuya, giai đoạn ôn thi căng thẳng cũng chỉ thức muộn nhất tới 1h sáng.
Hàng tuần, Tuấn sắp xếp để tham gia lớp học guitar và mỗi ngày đều tập luyện nhạc cụ khi rảnh rỗi. "Em muốn phát triển khả năng chơi nhạc cụ và hơn hết, em thấy khi chơi đàn, bản thân có thể thư giãn, rèn luyện trí nhớ và phản xạ tay", Tuấn cho hay.
Tuấn trong một lần biểu diễn guitar (Ảnh: NVCC). |
Theo chị Thu Hằng, mẹ của Tuấn, cậu bé có tính cách khá nội tâm, ít nói. Từ nhỏ, Anh Tuấn đã học đều các môn và rất chăm chỉ, có ý thức làm bài tập thầy cô giao.
Tuy nhiên, Tuấn không học ngày học đêm mà chỉ học vừa đủ, thậm chí tương đối nhàn. Chị Hằng cho rằng, có lẽ ưu điểm của Tuấn ngoài tư duy và sự tập trung còn có trí nhớ rất tốt, đặc biệt trong việc ghi nhớ các từ tiếng Anh.
Nói về ước mơ theo đuổi ngành Công nghệ thông tin của con trai, chị Hằng tâm sự, ngày Tuấn học cấp hai, vợ chồng chị thử cho con tham gia một lớp học về Công nghệ thông tin để con có thêm hiểu biết, bởi nghĩ rằng lĩnh vực này rất cần thiết trong xã hội hiện nay.
Dần dần, Tuấn nhận ra niềm yêu thích với máy móc, công nghệ và có định hướng lựa chọn ngành học này.
Việc Tuấn đạt thành tích cao trong kỳ thi SAT và IELTS đã giúp em có nhiều cơ hội hơn để thực hiện dự định du học Mỹ ngành Công nghệ thông tin.
Được biết, thời gian tới, ngoài việc tập trung học trên lớp, Anh Tuấn sẽ cố gắng tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ… để có thêm tiêu chí ứng tuyển vào ngôi trường em mơ ước.
Kỳ thi SAT (viết tắt của từ Scholastic Assessment Test hay Scholastic Aptitude Test) là thước đo phổ biến để các đại học tại Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới phân loại, xét tuyển và xét học bổng cho học sinh. SAT kiểm tra kỹ năng đọc hiểu, ngôn ngữ và tính toán cần thiết cho việc học tập ở đại học. SAT cũng đánh giá khả năng tư duy, phân tích và giải quyết vấn đề - các kỹ năng mà học sinh đã được học tại trung học và cần thiết cho những bậc học cao hơn. Nhiều trường cao đẳng và đại học sẽ xem xét kết quả bài thi này của sinh viên bên cạnh các tiêu chí khác, như điểm số, các hoạt động ngoại khóa, thư giới thiệu hay bài luận để xác định việc trúng tuyển. |
Tác giả: Nguyễn Liên
Nguồn tin: Báo Dân Trí