Giáo dục

Nam sinh Hà Tĩnh nhận học bổng toàn phần tiến sĩ từ năm 3 đại học

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất miền Trung (Hà Tĩnh), sau khi tốt nghiệp Trường THPT Chuyên Đại học Vinh, Đinh Lê Công giành được suất học bổng toàn phần của ĐH Southampton, Vương quốc Anh. Thành tích mới nhất của chàng trai sinh năm 1995 này là một suất học bổng Tiến sĩ cũng của ngôi trường này khi mới đang học năm thứ 3 đại học.

Đinh Lê Công, sinh viên năm 3 ĐH Southampton, Vương quốc Anh. Ảnh: NVCC

Từng giành giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi Toán quốc gia năm 2013, sau đó là Huy chương Bạc Olympic Toán quốc tế tại Colombia, chuyên ngành mà Công chọn ở ĐH Southampton là Toán kinh tế.

Trong suốt 3 năm học tập ở trường, Công không chỉ đạt được những thành tích học thuật đáng nể như: giải thưởng cho sinh viên có thành tích cao nhất khoa Toán, 2 năm liên tiếp nằm trong danh sách khen thưởng của hiệu trưởng. Cậu còn tích cực tham gia các hoạt động, hội nhóm để tăng cường kết nối và học hỏi từ bạn bè.

Nhớ lại những ngày đầu tiên bước chân đến nước Anh, một khung cảnh gây ấn tượng với Công là những cánh đồi xanh ngút ngàn được người dân chăn nuôi cừu trên đó. “Quê mình Hà Tĩnh cũng có rất nhiều đồi núi, rừng xanh nhưng chưa thực sự tối ưu sử dụng được. Lúc đó mình mong muốn một ngày nào đó, quê hương mình cũng có thể phát triển được như vậy”.

Khi đến trường, điều đầu tiên khiến cậu thích thú là điều kiện học tập của Southampton. Ở đây, sinh viên được học trong những phòng học như rạp chiếu phim, sử dụng những thiết bị công nghệ hiện đại nhất trong giảng dạy. Mỗi tiết học đều được ghi hình lại để tiện cho học sinh vắng học hoặc muốn xem lại.

“Thư viện Harley của trường mình có khu học tập rất rộng, có gần như đủ các đầu sách mà mình muốn (nếu không có, bạn có thể yêu cầu để nhà trường mua). Với mình, điều hiện học tập ở đây là hoàn hảo” – Công chia sẻ.

Sau vài tuần, cậu đã làm quen với điều kiện học tập, môi trường và kết bạn với các sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới. Một cô bạn gái người Anh luôn quan tâm và tặng quà mỗi dịp lễ tết khiến Công rất vui và vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà.

Buồn nhất với cậu có lẽ là những dịp Tết Nguyên Đán. “Mình làm trong bạn tổ chức của hội sinh viên Việt Nam tại Southampton nên cứ mỗi dịp tết đến, mình luôn tổ chức các sự kiện để mọi người có thể giao lưu đoàn tụ. Nhưng đã 3 tết rồi mình chưa được về nhà, thực sự cái cảm giác được dọn dẹp nhà cửa, đi mua chậu quất cành đào hay xem lễ hội bơi truyền thống ở quê nhà khiến mình lúc nào cũng thấy nôn nao mỗi khi nhớ đến”.

Công cho rằng, điều kiện học tập ở Southampton rất lý tưởng. Ảnh: NVCC

Thời gian đầu khi lên lớp, Công đã rất ngạc nhiên khi thấy trong lúc thầy giảng bài, một số sinh viên đã cắt ngang bài giảng để hỏi một số vấn đề mà họ không hiểu. Và ngạc nhiên hơn nữa là các giáo sư lại vui vẻ hứng thú giải đáp những câu hỏi đó. “Mình nhận ra là ở đây, khoảng cách giữa giáo sư và học sinh rất gần và các giáo sư rất muốn sinh viên của mình có thể trao đổi các ý tưởng mới của mình với họ. Thế là từ tuần thứ 2, mình bắt đầu hòa nhập, phát biểu trong giờ, đưa ra những ý tưởng mới, đôi khi là phản biện lại ý tưởng của giáo sư”.

Công cho rằng, để có thể thích ứng với nền giáo dục hoàn toàn mới ở Southampton, cậu cần phải cảm ơn rất nhiều nền tảng giáo dục bài bản và có chiều sâu mà cậu nhận được từ khi học trung học cơ sở, trung học phổ thong ở quê nhà. Nó đã giúp Công có một nền tảng vững chắc mà sau đó cậu đã không phải gặp bất cứ khó khăn gì để bắt kịp với giáo dục của Southampton.

“Mình hiểu bài trên lớp, nắm bắt các ý tưởng mới. Sau mỗi giờ học, mình thường nán lại thêm 10 phút để chia sẻ với các giáo sư về một cách giải mới cho một bài toán hoặc là một ý tưởng mới nào đó. Đôi lúc mình cũng nán lại chỉ vì mình muốn nghe những câu hỏi của các học sinh khác và cách cáo giáo sư trả lời. Sự kiên nhẫn, tận tụy là mình có thể thấy trong mỗi giáo viên ở trường ĐH Southampton” – Công nói.

Công trong một hoạt động của câu lạc bộ kiểm toán. Ảnh: NVCC

Cậu cũng tham gia hội sinh viên Việt Nam ở Southampton. Ảnh: NVCC

Có những điều mà cậu cho rằng học sinh, sinh viên Việt nên học tập sinh viên Anh. Đó là việc họ tập trung nhiều vào các hoạt động ngoại khóa và kỹ năng mềm. “Có cậu bạn của mình tham gia tới 4 câu lạc bộ, chơi một loại kèn rất giỏi, đánh bóng bàn đạt đến trình độ bán chuyên nghiệp. Kỹ năng sử dụng máy tính của sinh viên Anh cũng rất bài bản. Mình thực sự rất thích thú khi làm việc nhóm với họ, bởi mình có thể học hỏi rất nhiều các kĩ năng này – những thứ mà vốn mình chưa được trau dồi một cách bài bản ở Việt Nam”.

Công cho rằng, sẽ rất hữu ích nếu như học sinh Việt Nam có nhiều thời gian hơn để dành cho các kỹ năng mềm, những sở thích văn thể mỹ bên ngoài kiến thức học thuật.

Chia sẻ về bí quyết học tiếng Anh để có thể học tập ở môi trường quốc tế, Công cho rằng vấn đề là thời gian dành cho nó và sự quyết tâm của người học. Ban đầu bản thân cậu cũng rất nản chí vì nghe không hiểu gì, nhưng rồi theo thời gian, “bạn chắc chắn sẽ biết một số thứ, đặc biệt là tiếng Anh” – Công nói.

“Lời khuyên của mình là chỉ cần bạn kiên trì và không bỏ cuộc thì nhất định bạn sẽ giao tiếp được bằng Tiếng Anh. Các hình thức học khác nhau chỉ giúp bạn có hứng thú hơn, từ đó bạn không bỏ cuộc”.

Nói về định hướng nghiên cứu của mình ở bậc Tiến sĩ, Công cho biết cậu muốn đi theo hướng ứng dụng của toán trong phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). “Thực sự em rất muốn đưa các kĩ năng toán học của mình áp dụng vào một cái gì đó rất thực tế trong đời sống. Trong tương lai, em cũng muốn được tìm hiểu thêm về ứng dụng của toán trong ngành kinh tế, tài chính”.

Tác giả: Nguyễn Thảo

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP