Nắng nóng đến sớm, rét đậm đến muộn Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, ngay từ giữa tháng 9/2012, không khí lạnh đã hoạt động và ảnh hưởng đến các tỉnh miền bắc nước ta. Cụ thể: Từ đêm 13 và 14/9 một đợt gió mùa đông bắc cường độ mạnh đã ảnh hưởng đến Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ; ở vùng núi trung du Bắc Bộ và các tỉnh ven biển Trung Trung Bộ có mưa vừa đến mưa to và dông, vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác.
Tuy không khí lạnh tràn về sớm nhưng đợt rét đậm đầu tiên được dự báo sẽ về muộn (dự báo khoảng cuối tháng 12/2012). Sau đợt không khí lạnh tăng cường khiến nền nhiệt giảm mạnh vào các ngày 13 và 14/9, toàn miền Bắc lại có nắng trở lại, có nơi nắng nóng cục bộ. Theo thông tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2012, nắng nóng xuất hiện sớm. Ngay từ tháng 3 đến nay trên phạm vi toàn quốc đã xảy ra 16 đợt nắng nóng, các đợt nắng nóng tập trung nhiều ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ với mức độ khá gay gắt, nhiệt độ cao nhất trong những đợt nắng nóng này phổ biến từ 36-39 độ C, một số nơi lên tới trên 39 – 40 độ C và đạt giá trị lịch sử trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ. Hai đợt nắng nóng gay gắt vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ là đợt từ ngày 24, 25/4 và đợt từ ngày 28/4 đến 4/5/2012. Còn khoảng 1-2 cơn bão Mùa bão năm 2012 xuất hiện trên Biển Đông sớm hơn so với trung bình nhiều năm.Giữa tháng 2 đã xuất hiện áp thấp nhiệt đới đầu tiên; cuối tháng 3 đầu tháng 4/2012 đã xuất hiện bão số 1 trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Đến cuối tháng 9/2012, trên khu vực khu vực Biển Đông đã xuất hiện 6 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới. Bão số 1 (PAKHAR) ngày 1/4/2012 đổ bộ vào Bình Thuận – Bà Rịa Vũng Tàu gây ra một đợt mưa vừa, mưa to ở các tỉnh Bình Định đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ (đây là cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta sớm kể từ tháng 3/1982). Bão số 3 (DOKSURI) cuối tháng 6/2012 và cơn bão số 4 (VICENTE) cuối tháng 7/2012 sau khi đi vào khu vực phía nam Trung Quốc suy yếu thành vùng áp thấp đã gây ra các đợt mưa vừa, mưa to ở Bắc Bộ. Đến giữa tháng 8/2012 cơn bão số 5 (KAI-TAK) đã đi vào khu vực Quảng Ninh và đã gây có gió giật mạnh cấp 6, cấp 7 kèm theo mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to ở Bắc Bộ. Từ nay đến hết năm 2012, bão và áp thấp nhiệt đới vẫn còn có khả năng xuất hiện và hoạt động trên khu vực Biển Đông và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam khoảng từ 1 – 2 cơn, ảnh hưởng chủ yếu tới khu vực Trung Bộ và Nam Bộ. C.Quyên
VietNamNet.vn