Theo quy định tại Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17/2/2017 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Tổng cục Dạy nghề sẽ mang tên mới là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Việc chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về GDNN là một trong những nhiệm vụ chính củaTổng cục.
Theo PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo duc nghề nghiệp: Hiện trên toàn quốc có 1.989 cơ sở GDNN, gồm 409 trường cao đẳng, 583 trường trung cấp và 997 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, trả lời báo chí.
Trong năm 2017, các cơ sở trên sẽ thực hiện tuyển sinh 2,2 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp là 540 nghìn người; trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 1,66 triệu người (hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn theo chính sách của Quyết định 1956/QĐ-TTg 600 ngàn người; trong đó có hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 20.000 người khuyết tật).
Năm 2017, công tác tuyển sinh học nghề đối với học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông có nét mới so với các năm trước. Học sinh có thể chọn chỉ theo học chuyên môn mà không phải học thêm bổ túc văn hoá (trước đây học bổ túc văn hoá là điều kiện bắt buộc). Tất nhiên, việc đào tạo bổ túc văn hoá vẫn sẽ được thực hiện cho những học sinh có nguyện vọng học song song với việc học chuyên môn nghề nghiệp. Như vậy sau khi tốt nghiệp, học sinh sẽ được nhận bằng tốt nghiệp bổ túc văn hoá và bằng tốt nghiệp về ngành nghề được đào tạo. Nhờ đó các em sẽ có cơ hội, điều kiện được học liên thông lên trình độ cao hơn.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc tuyển sinh, đảm bảo tính linh hoạt và hợp lý đối với số lượng lao động cần thiết tại địa bàn đào tạo. Ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Dạy nghề Chính quy phát biểu tại buổi họp báo.
TRẦN LONG/Theo Nông nghiệp Việt Nam