Thế giới

Mỹ - Trung đình chiến, khoảng lặng trong mắt bão

Việc Mỹ và Trung Quốc nhất trí đình chiến thương mại sau cuộc gặp của lãnh đạo hai nước bên lề hồi nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật cuối tuần qua thực tế chỉ như "khoảng lặng trong mắt bão".

Đó là nhận định của các chuyên gia phân tích tại Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch (BoAML) trong đánh giá giữa năm của họ về các triển vọng kinh tế cho năm 2019 và xa hơn thế.

Báo cáo đánh giá triển vọng đó nhìn chung rất ảm đạm, bao gồm cả sự điều chỉnh giảm đối với dự báo tăng trưởng toàn cầu và nhận định rằng tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc "khó có khả năng kết thúc sớm".

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí "đình chiến" thương mại sau cuộc gặp song phương bên lề G20 ở Osaka cuối tháng 6. Ảnh: Axios

Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 1/7, Ethan Harris, Trưởng ban Kinh tế học toàn cầu của BoAML cho biết, các nhà kinh tế tại ngân hàng đầu tư này coi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tiếp tục là "câu chuyện lớn" của năm tới, giống như những gì đã xảy ra hồi năm ngoái.

Tạp chí Fortune dẫn lời Aditya Bhave, một chuyên gia kinh tế toàn cầu cấp cao tại BoAML mô tả việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí đình chiến là sự tái lặp của hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires hồi tháng 12/2018, khi hai bên thống nhất ngưng áp thêm các đòn trừng phạt bổ sung với bên kia nhưng không gỡ bỏ các hàng rào thuế quan đã triển khai hoặc đi đến một giải pháp dài hạn.

Dù hội nghị thượng đỉnh Osaka đã mang lại một số tiến bộ, đáng chú ý nhất là việc nới lỏng các cấm vận đối với tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei, một lần nữa cho phép doanh nghiệp này giao dịch với các nhà cung cấp Mỹ, nhưng các nhà kinh tế coi đây là một tình huống "không đau đớn, không thỏa thuận", trong đó không nước nào có động lực đạt một thỏa thuận thương mại khi các điều kiện kinh tế vẫn ổn định.

"Cả hai bên cần bị thúc bách vì các dấu hiệu cơn đau trong thị trường, trong nền kinh tế và cả mặt chính trị. Với sức mạnh của các thị trường và nền kinh tế cũng như lập trường thích nghi của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), chúng tôi không nghĩ hai bên hiện có đủ động lực", ông Bhave nhấn mạnh.

Tuy nhiên, các điều kiện kinh tế dường như đang suy yếu khắp toàn cầu. BoAML đã cắt giảm dự báo tăng trưởng hầu như khắp mọi nơi do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại và các yếu tố kinh tế, chính trị khác. Ngân hàng đầu tư này cũng điều chỉnh đánh giá triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ ở mức 2,4% cho năm 2019 và 1,6% cho năm 2020, viện dẫn các tác động giảm dần của những biện pháp kích thích tài chính từ chính quyền ông Trump.

Các nhà kinh tế cũng bày tỏ lo lắng rằng, cuộc chiến thương mại đang diễn ra sẽ dẫn đến "cái chết vì một ngàn nhát cắt", vốn không chỉ do việc áp thuế nhập khẩu diện rộng mà còn cả việc Bộ Thương mại Mỹ khuyến khích "bất kỳ công ty nào tin họ bị đối xử bất công bằng nên làm đơn khiếu nại [thương mại]".

Tháng 5 vừa qua đã chứng kiến sự bùng nổ các khiếu nại như vậy của các doanh nghiệp Mỹ, với 11 vụ việc khác nhau nhắm vào lượng hàng hóa nhập khẩu từ nhiều nước, bao gồm cả Trung Quốc, Đức, Mexico, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp, trị giá tổng cộng 4 tỉ USD. Theo ông Harris, các đề xuất đánh thuế trừng phạt đối với những mặt hàng nhập khẩu đó vào thị trường Mỹ thường lên tới hàng trăm %.

Trong khi đó, quan điểm ôn hòa hơn của FED về lãi suất nhiều khả năng sẽ chỉ đẩy tranh chấp thương mại đi xa hơn nữa và không còn thúc bách chính quyền Trump đạt thỏa thuận nhằm xoa dịu những lo ngại về nền kinh tế.

Cụ thể, theo giải thích của ông Harris, quan điểm của FED đang giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng nhưng đồng thời cũng giảm bớt áp lực với chính quyền ông Trump. Điều đó đồng nghĩa, chiến tranh thương mại sẽ tiếp tục leo thang vì Washington không cảm thấy bất cứ cơn đau nào của thị trường hay nền kinh tế trong bối cảnh ấy.

Tác giả: Tuấn Anh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP