Xung quanh vụ xe container “vây” cửa khẩu Mộc Bài để phản đối mức phí quá cao, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, vào ngày 19/8. Theo ông Quang, trước khi tổ chức việc thu phí đối với phương tiện ra vào cửa khẩu Mộc Bài và cửa khẩu Xa Mát, UBND tỉnh đã tổ chức đoàn công tác đi học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh phía Bắc đã áp dụng việc thu phí này là Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Một số doanh nghiệp phải tìm cách xoay sở để đóng phí qua cửa để giữ uy tín với khách hàng
Việc áp dụng mức phí 2,5 triệu đồng/lượt xe container 400 feet là thấp hơn mức phí 4,5 triệu đồng mà Bộ Tài chính yêu cầu và chỉ bằng nửa mức 5 triệu đồng/lượt ở tỉnh Lạng Sơn. Trong đề án, phía tỉnh Tây Ninh dự kiến sẽ thu phí đối với tất cả các cửa khẩu. Tuy nhiên, sau xem xét tình hình thực tế thì chỉ áp dụng đối với 2 cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát.
Trao đổi với PV Dân trí về việc mức phí thu quá cao mà lại không thông báo trước khiến doanh nghiệp ngỡ ngàng, không giải quyết được bài toán tài chính, ông Quang thừa nhận các cơ quan chức năng tỉnh chậm trễ, thiếu sót trong việc thông tin đến doanh nghiệp. Ngay cả việc tổ chức thu phí cũng rất cập rập, nhân sự và phương tiện chưa được chuẩn bị kỹ.
Tuy nhiên, việc này phía doanh nghiệp có thể đàm phán với doanh nghiệp Campuchia về mức phí mới. Tất nhiên, giai đoạn đầu doanh nghiệp có phần khó khăn nhưng sẽ ảnh hưởng không lớn, cần có thời gian để điều chỉnh.
Khi được hỏi nếu các doanh nghiệp Campuchia không quá cảnh hàng ở các cảng TPHCM mà vận chuyển thẳng về Campuchia thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam? Ông Quang nói các doanh nghiệp có quyền lựa chọn đường đi của hàng hóa.
Ông Huỳnh Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh trao đổi với báo chí
Trong khi đó, ông Phạm Văn Sơn, Trưởng Ban quản lý khu cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát giải thích, khi xây dựng đề án về mức thu, quản lý và sử dụng công trình kết cấu hạ tầng đối với phương tiện ra vào cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát, phía tỉnh đã xây dựng tiêu chí rất rõ ràng.
“Riêng đối với hàng quá cảnh áp dụng mức phí cao nhất. Nói một cách nôm na, cho người ta mượn đường thì họ cũng phải đóng góp tiền để sửa chữa đường sá. Còn mức phí đối với hàng nông sản thì có sự ưu đãi hơn để tạo điều kiện giao thương 2 bên, loại hàng xuất nhập khẩu cũng tương đối thấp. Tây Ninh là tỉnh đầu tiên ở phía Nam áp dụng việc thu phí này nên chúng tôi cũng hết sức cân nhắc, đưa ra phí thu khá thấp so với mặt bằng”, ông Sơn khẳng định.
Theo ông Sơn, sắp tới sẽ chấn chỉnh việc thu phí như tăng cường nhân sự, phương tiện, công tác hướng dẫn, lựa chọn vị trí thích hợp để làm đặt bàn làm việc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục một cách nhanh nhất. Các cơ quan chức năng cũng đang bàn thảo việc nộp phí bằng việc chuyển khoản cho thuận tiện. Tài xế qua cửa khẩu chỉ cần xuất trình chứng từ đã đóng tiền thì đỡ mất thời gian.
Trước thực tế còn rất nhiều doanh nghiệp cho xe neo đậu ở các bãi, chịu chi phí phát sinh rất cao nhưng vì không có tiền đóng phí, ông Sơn khẳng định phía Ban quản lý chỉ có thể hướng dẫn, giải thích về mức phí, thủ tục chứ không thể giúp doanh nghiệp được gì. “Xe muốn qua cửa khẩu thì phải đóng tiền chứ không còn cách nào khác. Doanh nghiệp phải thực hiện đúng quy định, còn nếu không chịu đóng thì có thể chọn đường khác mà đi”, ông Sơn nói.
Quốc Anh