Lượng mưa đo được đến 7giờ sáng ngày hôm nay ở Đồng Tâm 637 mm, mực nước cao 14,45 m trên báo động 2; ở Mai Hóa 276 mm, mực nước cao trên 7 m, trên báo động 3 là 1,05 m; ở Phan Xá 549 mm, mực nước cao 1,95 m, xấp xỉ báo động 2… Mưa to đã gây ngập lụt một số vùng thấp nằm dọc hai bờ sông Gianh, sông Kiến Giang, sông Đại Giang ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa. Hiện nay, mực nước ở các sông Gianh, Kiến Giang đang tiếp tục lên. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Quảng Bình đã phân công cán bộ về từng vùng thấp lụt trong tỉnh để giúp dân triển khai các phương án phòng chống lụt bão. Trước mắt, Quảng Bình triển khai nhanh việc giúp dân thu hoạch lúa vụ mùa; thu hoạch tôm, cá ở các diện tích nuôi trồng thủy sản; bảo vệ an toàn các công trình xây dựng cơ bản, kho hàng và có phương án sơ tán người ở các vùng thấp lên vùng cao an toàn.Các lực lượng cứu nạn, cứu hộ trong tỉnh đã chuẩn bị người và phương tiện để sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ khi cần thiết. • Rạng sáng 25.9 đến trưa nay trên địa bàn Nghệ An có mưa trên diện rộng. Theo nhận định của nhiều người, đây là đợt mưa lớn nhất từ đầu năm 2009 đến nay xảy ra trên địa bàn. Mưa to đang làm cho giao thông trên nhiều tuyến đường trong tỉnh bị đình trệ. Sáng 25/9, hàng loạt cơ quan, đơn vị phải làm muộn vì mưa to cán bộ, nhân viên không thể đến cơ quan đúng giờ. Ngay tại Tp Vinh, hiện các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Mai Hắc Đế … là những tuyến đường chính nơi đứng chân của nhiều trụ sở cơ quan đang ngập chìm trong “biển” nước, có nơi ngập sâu 0,5 m, người và xe rất khó đi lại. Hiện chưa có số liệu thống kê nhưng mưa to cũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều diện tích lúa hè thu, lúa mùa và các loại cây trồng khác trên địa bàn, trong đó có những trà lúa đang chuẩn bị gặt chắc chắn sẽ không thu hoạch được vì cây đổ, gãy, ngập chìm, ngâm sâu trong nước. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung bộ, tại Nghệ An mưa còn kéo dài trong nhiều ngày nữa. Với lượng mưa như hiện nay, tại các huyện miền núi nguy cơ lũ quét là điều rất dễ xảy ra. Các địa phương đang triển khai phương án phòng chống lũ quét, sạt lở đất đá. • Đến nay, gần 80 nhà dân ở các huyện Đức Thọ, Hương Khê, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) bị tốc mái do lốc xoáy đã được các cấp chính quyền địa phương và nhân dân sửa chữa và tu bổ lại. Nhân dân các địa phương vùng trũng, vùng thường xuyên bị ngập lụt ra đồng khai thông nước, đắp và sửa chữa lại nhiều đoạn đường sạt lở. Ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đức Lạng cho biết: Chính quyền xã đã huy động lực lượng dân quân, cựu chiến binh, hội phụ nữ, đoàn thanh niên mang vật liệu đến sửa chữa 14 ngôi nhà dân ở thôn Tân Đồng bị tốc mái do lốc. Nhiều nhà dân bị hư hại nặng như: Nhà của bà Nguyễn Thị Liệu, Nguyễn Thị Bình, vườn cây ăn quả của ông Võ Tài Năng, Trần Văn Tứ bị đổ, gãy đã được khắc phục. UBND xã Đức Lạng đã trích 2,5 triệu đồng hỗ trợ các gia đình và sửa chữa lại hệ thống điện ở xóm Tân Đồng. Huyện Hương Khê đã huy động lực lượng đến lợp lại 39 ngôi nhà bị tốc mái ở thôn Trường Sơn, Yên Sơn, Trung Sơn và Bình Sơn (Lộc Yên). Xã Lộc Yên huy động người dựng và nối lại hàng chục cột điện và hàng trăm mét dây điện cao thế bị đổ, gãy, đứt. Nhân dân các xã Kỳ Thượng, Kỳ Trung, Kỳ Tây (Kỳ Anh) nhanh chóng ra đồng khai thông nước vùng trũng, tránh bị ngập lụt cục bộ và sửa chữa hàng trăm mét đường bị sạt lở do mưa gây ra.
TTXVN