Học sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2018 tại TP.HCM chiều 28-1 - ẢNH: QUANG ĐỊNH |
Học sinh này nói mình không có thời gian thể dục, giải trí, mong được bác sĩ chỉ cách giảm bớt căng thẳng.
TS.BS Trần Thị Minh Hạnh (tổng thư ký Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM) chia sẻ: "Não chúng ta chỉ tập trung trong khoảng thời gian nhất định, học liên tục cũng không hiệu quả. Bạn nên học trong 45-60 phút, nghỉ 10 phút rồi học tiếp.
Một số bạn chọn uống cà phê hay trà trong quá trình ôn thi, học bài khuya. Đúng là khi uống vào hết buồn ngủ nhưng học không vô, sáng mai mở mắt ra quên hết chữ. Sau 4h chiều, nói không với trà, cà phê, hãy tập hít thở, vận động để ngủ ngon, học tốt.
Vì vậy, khi quá buồn ngủ, em nên đi ngủ, 5h sáng mai dậy học sẽ hiệu quả hơn. Ở tuổi đang lớn, thanh thiếu niên cần ngủ 6-8 tiếng/đêm, đủ lâu và đủ sâu, nếu ngủ chập chờn, lo âu cũng không đủ minh mẫn để tư duy, sáng tạo".
TS Đinh Phương Duy (chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM) thì khuyên: "Không chỉ nghỉ ngơi sinh lý mà còn phải nghỉ ngơi tâm lý, nghỉ ngắn hạn và dài hạn.
Sau một tháng ôn luyện nên dành ra một buổi đi dã ngoại hay một ngày đi chơi để não dọn dẹp bộ nhớ - như máy vi tính vậy, có dung lượng trống để nạp thông tin mới vào. Nhưng nghỉ mà chơi game, tụ tập gây tranh cãi bạn bè thì đầu óc không thư thả hơn, càng khó tập trung học sau đó...".
Tác giả: TƯỜNG HÂN ghi
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ