Khi không đủ ngân sách hoặc một vài lý do nào khác người Việt thường nghĩ ngay đến mua một chiếc xe ô tô đã qua sử dụng. Nhưng mua xe ô tô cũ cũng đầy rủi ro nếu bạn là tay mơ.
Nhiều khách hàng vẫn là tay mơ trong việc chọn mua xe ô tô cũ. |
Với những chiếc xe có quá trình bảo dưỡng, bảo trì tại các điểm bảo dưỡng của hãng xe thì người dùng có thể yên tâm, chỉ cần mang xe vào hãng và yêu cầu kiểm tra là có thể biết được toàn bộ quá trình sử dụng cũng như hỏng hóc.
Nhưng với những chiếc xe ô tô cũ không vào hãng bảo dưỡng thì sao? Làm thế nào để chọn mua xe cũ khi trên thị trường, loại ô tô cũ không vào hãng bảo dưỡng đang xuất hiện khá nhiều và được bày bán tràn lan? Những chiếc xe với "đặc sản" thủy kích, tai nạn nếu không tinh tường bạn sẽ "bay" mất cả trăm triệu đồng. Dưới đây là một vài lưu ý khi tìm, chọn mua xe ô tô cũ dịp cuối năm.
Một vài công đoạn không quá quan trọng có thể bỏ qua
Dù là hình thức mua bán nào đi nữa, thì tâm lý chung của hầu hết người bán là tìm cách làm cho chiếc xe của mình trông bóng bẩy, sạch sẽ, để hấp dẫn người mua. Chính vì vậy, những người mua xe cũng cần phải biết làm gì và không bị nước sơn bề ngoài hào nhoáng làm lóa mắt.
Ảnh minh họa. |
Tiếp đó, số km hiển thị trên đồng hồ tốc độ cũng sẽ chẳng có ý nghĩa trong rất nhiều trường hợp. Thực tế là việc đảo số trên đồng hồ để hòng “lòe” những khách hàng “gà mờ” vẫn thường xuyên diễn ra đối với những người bán muốn tung hỏa mù, khiến người mua không còn nhận biết rõ ràng về tình trạng sử dụng thực của xe. Điều này thường hay xảy ra đối với những chiếc xe đã được sử dụng quá nhiều, thậm chí bị khai thác tối đa nhưng hình thức thì còn tốt, như xe kinh doanh vận tải, xe cũ nhập khẩu, xe cho thuê của các công ty…
Không bỏ sót bất cứ một yếu tố nào dưới đây
Thân vỏ, cánh cửa
Toàn bộ vỏ xe có thể được tân trang bắt mắt, nhưng có những vị trí mà cả những người thợ lành nghề trong lĩnh vực này cũng không để ý hoặc không thể khắc phục. Đó là mặt bên trong của móc tay nắm cửa cạnh ghế lái (chứ không phải ở các vị trí khác). Một chiếc xe sử dụng nhiều thì chi tiết này sẽ mòn nhiều, thậm chí là mòn nhiều nhất trong số tất cả các chi tiết ngoại thất xe.
Ảnh minh họa. |
Cánh cử là phần hay sử dụng nhất của xe nên cần kiểm tra kỹ. Hãy đóng vào, mở ra nhiều lần xem cánh cửa có khó đóng vào không, khi đóng có vào sát không, có bị hở hay vênh không. Nếu xe đã bị va chạm và làm lại cánh cửa thì sẽ không khít như nguyên bản.
Bạn hãy dùng lực vừa phải đẩy cửa xe vào, nếu đóng vào ngay thì là nguyên bản còn nếu phải đóng mạnh mới vào thì nên xem lại cẩn thận. Kiểm tra keo chỉ hàn cánh cửa, nếu keo chỉ còn nguyên, không đứt khúc, độ dày đều, bấm móng tay vào thấy mềm nhẹ và đàn hồi là cửa xe nguyên bản, chưa phải gò hàn lại.
Nội thất
Bước vào bên trong một chiếc xe đã qua sử dụng, người mua trước tiên cần quan sát tổng thể để có sự đối chiếu sự xuống cấp hay bạc màu khác nhau ở các vị trí khác nhau. Bề mặt trên của táp-lô là khu vực dễ bị bạc màu nhanh nhất do gần kính lái nhất, hứng nhiều bụi bặm, thường xuyên bị nắng nóng, trong khi lại ít được chăm chút trong quá trình vệ sinh nội thất xe. Trên một chiếc xe còn tốt, các phần ốp táp-lô hay tap-pi cửa, trần xe, bệ trung tâm phải chắc chắn.
Ảnh minh họa. |
Bên cạnh đó, sự xuống cấp của ghế lái và vô-lăng là hai phần luôn luôn song hành với tần suất sử dụng xe. Với một chiếc xe đã bị sử dụng nhiều, nệm mút của ghế lái sẽ bị nhũn hơn, thậm chí là bị bẹp chứ không căng với các ghế còn lại.
Nếu là ghế bọc da, thì phần đỡ đùi dưới và hay bên lưng ghế (nơi thường xuyên tiếp xúc với cánh tay người lái) sẽ bị bong mặt hoặc rạn nứt khi sử dụng nhiều. Tùy theo chất lượng nội thất mà sự xuống cấp diễn ra nhanh hay chậm. Với những xe đã được bọc lại nội thất, thì nệm mút bị nhão là dấu hiệu còn lại để có thể nhận biết. Vô-lăng nhẵn bóng ở những vị trí tay cầm, hay lớp bọc da bong tróc cũng là biểu hiện dễ nhận thấy.
Khung gầm
Ảnh minh họa. |
Phần này rất quan trọng ảnh hưởng tới khả năng vận hành của xe ô tô cũ khi mua về. Cúi xuống và xem xét cẩn thận phần sắt si có dấu hiệu uốn nắn lại và sơn lại không? Nếu có dấu hiệu uốn nắn lại thì không nên mua vì xe đã bị tai nạn nghiêm trọng, khả năng vận hành của xe bị ảnh hưởng rất nhiều.
Đừng bỏ qua việc lái thử
Khi đi mua xe ô tô cũ nhất thiết phải đi thử xe, nếu người bán không cho lái thử thì tốt nhất không nên mua. Trước tiên, người mua đề nổ xem máy có rung giật không, nếu rung giật thì chắc chắn cao su chân đế máy có vấn đề, cần phải kiểm tra lại phần chân đế máy.
Kiểm tra các thiết bị trong xe như đèn, còi, xi-nhan xem có hoạt động bình thường không, đồng thời, kiểm tra máy lạnh xem có lạnh sâu không? Nếu không lạnh hoặc lạnh ít thì rất có khả năng dàn lạnh có vấn đề, hoặc tắc hoặc rò rỉ.
Chạy thử kiểm tra xe là một khâu vô cùng quan trọng. |
Tiếp đến kiểm tra vô lăng, cần số. Xoa nhẹ vô lăng xem có mòn nhiều không, thông thường xe mới vô lăng khi xoa nhẹ có cảm giác gợn tay như có một lớp gai. Cảm nhận gai mòn nhiều hay ít mà đánh giá chủ cũ đã sử dụng xe như thế nào. Kiểm tra cần số cũng tương tự như vậy.
Sau đó nên lái thử, quãng đường lái thử càng xa càng tốt để cảm nhận được chiếc xe. Tránh lái thử ở những cung đường bằng phẳng mà càng ghồ gề càng cảm nhận được hệ thống khung gầm cũng như giảm sóc của xe có hoạt động tốt không.
Ngoài những công đoạn trên hãy trở thành một người có khả năng ngã giá tốt bằng việc cố gắng hạ giá bằng các lỗi mà bạn phát hiện ở chiếc xe. Hỏi về giá mà người bán muốn, sau đó hạ giá bán theo ý của bạn. Có thể người bán sẽ chấp nhận cái giá bạn đưa ra hoặc đưa ra mức giá khác gần mức bạn muốn. Bên cạnh đó khi làm các thủ tục thanh toán và giấy tờ theo thứ tự. Hãy nhớ giữ bản gốc của giấy đăng ký, chuyển nhượng, lịch sử bảo hành… Khi thanh toán hoặc đặt cọc, hãy giữ hóa đơn, biên nhận với đầy đủ chữ kí của người bán. |
Chúc bạn chọn được một chiếc xe hơi như ý!
Tác giả: HOÀNG SƠN
Nguồn tin: Báo Người đưa tin