Ngày Quang dẫn bạn gái về ra mắt, cả gia đình đều há hốc mồm kinh ngạc. Bởi trong khi Quang đẹp trai ngời ngời, phong độ sáng láng thì Thủy kém sắc đến không thể tả. Da của Thủy đen bóng. Đôi mắt một mí lúc nào cũng híp tịt khiến chỉ cần cô cười là sẽ… không thấy mặt trời đâu nữa.
Trước nhan sắc đáng lo ngại của Thủy, gia đình Quang không cần tìm hiểu nhiều, ngay lập tức phản đối với lý do: “Lấy nó về thì sau này đời cháu tôi sẽ xấu đến thế nào? Có là nhan sắc bố mẹ cộng lại chia đôi thì cũng chả đỡ được đâu, huống hồ chi nhỡ may lại giống mẹ toàn phần có mà nguy to!”. Nhưng Quang vẫn gạt ngang ý kiến của bố mẹ, khăng khăng phải cưới được cho Thủy chỉ với một lý do: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Rồi dần dần bố mẹ sẽ hiểu!”.
Trước sự quyết tâm của Quang, cả gia đình đành phải đồng ý trong sự… ngậm ngùi, kèm theo câu nói đầy mỉa mai: “Thôi chúng mày cưới nhau thì liệu mà ở riêng trên thành phố luôn đi! Chứ đừng có về đây chỉ tổ hàng xóm láng giềng lại nói ra nói vào. Nó xấu lại làm cả bố mẹ chồng nó cũng bị xấu mặt!”. Trước câu nói đó, Quang như mở cờ trong bụng, vì anh cũng chỉ mong mình được sống riêng cùng Thủy trong một tổ ấm nhỏ và bình yên mà thôi.
Nhưng đúng như Quang nói, dần dần Thủy đã thay đổi được định kiến của nhà chồng nhờ “gỗ” tốt của mình. Đám cưới xong xuôi, cô dành tiền mừng đám cưới đưa cho Quang hết, bảo: “Anh mang về biếu bố mẹ đi, chứ mình cũng chưa cần dùng đến khoản này. Em thấy cái sân gạch có vẻ xập xệ quá rồi, anh bàn bố mẹ tu sửa xem sao”. Quang về đưa tiền cho bố mẹ, không quên nhắc lại lời con dâu khiến cả hai ông bà vô cùng cảm kích.
Ảnh minh họa
Mỗi tháng, Thủy đều không quên mua quà biếu ông bà, hoặc có khi gửi về thêm vài ba triệu trích từ tiền lương của cả hai vợ chồng. Vì cô vốn đảm nhận vị trí trưởng phòng kế toán trong một công ty nước ngoài nên tiền tiêu cũng có phần xông xênh. Cô chẳng tiếc gì tiền cho bên nội dù vẫn đang ở nhà trả góp. Cô còn động viên bố mẹ chồng: “Tiền bọn con tiêu thì sau này vẫn có thể kiếm được, nhưng cơ hội được cho bố mẹ thì còn rất ít!” khiến hai ông bà càng xúc động.
Biết cô em chồng sắp lên Hà Nội học đại học, Thủy gợi ý Quang đón em về ở cùng cho vui. Đằng nào nhà cũng có hai phòng ngủ, nên để dành cho Ngọc một phòng. Rồi từ đấy, vợ chồng Thủy nuôi luôn Ngọc mà chẳng cần sự hỗ trợ, góp gạo nào từ bố mẹ chồng. Cô luôn là người về sớm, đi chợ, cơm nước cho cả nhà và nhỡ hôm nào bận quá thì đều nhỏ nhẹ nhờ Ngọc làm hộ khiến em chồng cũng thấy phục chị dâu.
Trong mọi vấn đề đối nhân xử thế, Thủy lúc nào cũng khéo léo mà vẫn đủ chân thành. Những dịp về quê giỗ chạp, cô đều lăn xả vào làm cỗ, món nào ra món nấy vừa ngon lại trình bày đẹp khiến các bác, các cô cứ tấm tắc khen. Quang lại là con trưởng nên Thủy cũng rất ra dáng dâu trưởng, lúc nào cũng xông xáo, việc gì cũng chẳng nề hà. Dần dần, Thủy chiếm được tình cảm của họ hàng nhà Quang, mọi người cứ nói thầm sau lưng: “Nó là gái thành phố mà sao việc gì cũng làm giỏi thế nhỉ?”, vô tình đến tai Quang khiến anh sướng rơn, cảm thấy rất tự hào về vợ.
Một năm sau đám cưới, khi mọi mối quan hệ đã dần trở nên êm đẹp và ổn thỏa, Thủy mới bàn với Quang đến chuyện sinh con. Cô thủ thỉ với chồng: “Ông bà nội bây giờ cũng không ghét em nữa, thì mình sinh con nhé! Có như thế thì con sinh ra mới nhận được trọn vẹn tình thương từ người nhà!”. Nghe Thủy nói, Quang thầm cảm phục. Anh thấy may mắn vô cùng khi lấy được một cô vợ biết điều như thế. Và 9 tháng 10 ngày sau, cậu con trai đầu lòng của hai người chào đời trong sự hân hoan của đại gia đình.
Bế đứa cháu đích tôn trên tay, mẹ chồng cười không ngớt. Bà sung sướng vô ngần, nói với con dâu: “Bố mẹ đã sai khi đánh giá con qua ngoại hình. Nhưng bây giờ mới hiểu được con người con. Bố mẹ xin lỗi và cảm ơn vì tất cả những gì con đã làm cho gia đình mình”.
Nghe thế, Thủy cười híp mắt, cầm tay mẹ chồng: “Con chỉ mong cả nhà cảm nhận được sự chân thành của con thôi, chứ không hề có suy nghĩ nào khác ạ!”. Mẹ chồng nhìn sang Quang nháy mắt: “Người may mắn nhất chính là con đấy!”.
Tác giả: Cát Tường
Nguồn tin: Báo Trí thức trẻ