Cần Giúp Đỡ

Mong ước đến trường của chúng cháu lẽ nào khó khăn đến thế?

“Khi còn sống, bố chúng nó làm lụng cật lực chỉ với ước mong nuôi con ăn học. Chẳng ai ngờ, hết rủi ro lại đến bệnh tật. Bố đột tử chưa lâu thì con trai đầu lâm trọng bệnh.

Mẹ chúng nó chạy vạy ngược xuôi mới gom được ít tiền cho những chuyến đi bệnh viện Hà Nội. 4 đứa đang ăn học năm học này đã đến giữa kỳ nhưng chưa đứa nào nộp được tiền trường.” – Bà nội Võ Thị Lân, năm nay đã 80 tuổi nhọc nhằn gạt nước mắt trên khuôn mặt nhăn nheo tuổi già kể…


Trời đã nhá nhem tối nhưng trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong con ngỏ ở xóm Thượng – xã Thạch Hạ (thành phố Hà Tĩnh), chỉ có bà cụ 80 tuổi đang ngồi ngóng các cháu về. Cơn mưa rả rích đầu đông khiến ngôi nhà nhỏ càng vắng vẻ, hiu quạnh. Con trai cả của bà, một thợ mộc giỏi có tiếng đang tuổi làm ăn bỗng dưng đột tử, mang theo những hợp đồng nhận thầu và những công trình dang dở, để lại món nợ không nhỏ cho vợ con.


Cháu đích tôn của bà – Lê Văn Thanh (sinh 1986) đang điều trị bệnh máu trắng ở Hà Nội. Con dâu (chị Nguyễn Thị Hoan) đang tất bật với phiên chợ chiều, gom đồng tiền cho con đi bệnh viện. 2 cháu gái lớn đang học đại học ở thành phố Hồ Chí Minh. Cháu nhỏ đi nhà bạn nhờ máy vi tính giải toán trên mạng chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi. Những ngày còn chút sức, khi đói kém quá, bà đã từng nén nỗi khổ nhục khăn gói đi ăn xin về nuôi cháu. Giờ thì tuổi già, sức kiệt, những buổi chiều hiu quạnh này bà chỉ có thể ngồi cầu mong một phép thần kỳ đến với đàn con cháu tội nghiệp.


Chúng tôi chờ một lúc thì em Lê Thị Trang – (lớp 11 trường THPT Lý Tự Trọng) và Lê Thị Hà (lớp 8 trường THCS Quang Trung – Thạch Hạ) về đến nhà để lo bữa tối. Một nồi cơm nhỏ, nồi mắm mặn mẹ mang về sau những phiên chợ cá ế ẩm, nắm rau khoai ngoài vườn- buổi tối đơn giản được chuẩn bị, dọn lên bà cháu ăn trước. Bà đi nghỉ là cháu ngồi vào bàn học. Góc học tập đơn sơ này là nơi 2 người chị đã miệt mài ôn luyện để bước chân vào các giảng đường đại học. “ Các chị của cháu không ít lần phải nghỉ học giữa chừng để đi làm thuê kiếm tiền rồi lại quay lại tiếp tục học. Giờ vào đại học cũng vừa học vừa làm. Từ khi anh ốm nặng, số tiền mẹ gửi hỗ trợ thêm ít dần. Các chị khổ lắm nhưng vẫn quyết tâm gắng thêm ít năm nữa để cầm tấm bằng ra trường tìm việc.”- em Lê Thị Trang kể. 4 chị em Trang đều nổi tiếng về thành tích học tập ở xã Thạch Hạ này. Nghèo đến nỗi bữa ăn còn chưa đủ nhưng đứa nào cũng đạt học sinh giỏi, tiên tiến suốt từ cấp 1 đến cấp 3 rồi lần lượt vào đại học. Em út Lê Thị Hà năm ngoái đạt giải nhất giải Toán trên mạng toàn thành phố.

Mong ước đến trường của chúng cháu lẽ nào khó khăn đến thế?

Trong góc nhà tranh ọp ẹp, bên bàn thờ bố là góc học tập của cả mấy chị em


8 giờ tối, chị Nguyễn Thị Hoan lọc cọc chiếc xe đạp cũ từ chợ trung tâm thành phố về. Nước mắt rơi xen lẫn giọt mồ hôi tảo tần, chị Hoan kể: “Từ một gia đình nổi tiếng biết làm ăn, sau khi chồng tôi mất, tất cả những vật có giá trị trong nhà đều đội nón ra đi để giải quyết hậu quả của những công trình dở dang. Chưa kịp lấy lại tinh thần thì con trai đầu ốm ngày càng nặng dần, vài tháng lại phải đi Hà Nội. Vợ nó cũng chỉ làm ruộng, lại vướng víu con nhỏ nên mọi gánh nặng đều dồn lại một nơi. Số tiền chạy chợ của tôi mỗi tháng vài triệu đồng không đủ tiền thuốc cho con trai. Nhiều lần định cho các em nó nghỉ học nhưng xóm làng thương các cháu chăm ngoan, học giỏi lại cho vay mượn. Số tiền vay ngân hàng và người thân hơn trăm triệu không biết đến bao giờ trả nổi”.


“Chị em cháu không sợ đói ăn, thiếu mặc nhưng sợ phải nghỉ học giữa chừng lắm. Em Hà học giỏi và ham học, nếu không có cách nào khác để vượt ra khỏi giai đoạn khó khăn này thì có lẽ cháu phải nghỉ, đi làm thuê cho em học. Nhưng chỉ 2 năm học nữa là cháu tốt nghiệp cấp 3 rồi. Lẽ nào mong ước đến trường của chúng cháu khó khăn đến thế?” – em Trang bật khóc khi tiễn chân chúng tôi.


Mọi sự giúp đỡ cho gia đình nghèo hiếu học này của bạn đọc, xin gửi tới địa chỉ: Chị Nguyễn Thị Hoan – xóm Thượng – xã Thạch Hạ – Thành phố Hà Tĩnh.


MT

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP