Kỳ Anh

Mong manh những chuyến đò qua sông Rào Trổ – Kỳ Anh

Nhìn người lái đò ở xã Kỳ Thượng (Kỳ Anh – Hà Tĩnh) khẳng khiu cùng với con đò mong manh, chòng chành theo sóng nước, lòng tôi không khỏi ái ngại. Thấy vẻ chần chừ của tôi, người lái đò thúc giục: “Lên đi chú, có chi mô mà sợ”. Đò đã rời bến rồi, tôi vẫn còn hoang mang hỏi nhỏ: “Được không cô?”.

Chòng chành chuyến đò ngang

Mong manh những chuyến đò ngang

Đến xã Kỳ Thượng vào một chiều tháng Chạp se lạnh. Là một xã miền núi của huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), cách trung tâm thị trấn hơn 30km, đời sống của người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn, giao thông cách trở.

Các thôn Phúc Thành, Tân Tiến, Bắc Tiến với hơn 300 hộ dân bị ngăn cách với trung tâm xã bởi con sông  Rào Trổ. Muốn qua bên kia sông, chỉ còn cách lội qua, hoặc phải gửi mình trên những con đò mong manh qua lại đôi bờ.

Cô Nguyễn Thị Đào (SN 1973, thôn Phúc Thành – Kỳ Thượng) đã 3 năm hành nghề lái đò chở khách qua sông. Bến đò chỉ gồm 2 con đò rộng hơn 1m, dài 4m.

Cô kể, ngoài cô ra còn có 3 người khác nữa cũng lái đò ngang, nhưng chỉ khi đông khách họ mới ra làm. Khách qua sông là người dân trong vùng và rất đông các em học sinh sang bên kia bờ tìm con chữ.

Quan sát một lượt trên đò, nhưng tuyệt nhiên không có bất kỳ một dụng cụ bảo hộ nào cả. Người lái đò củng cố thêm cho nỗi sợ sông nước của phóng viên bằng “lời khai” hồn nhiên: “Chú yên tâm, nước sông chỉ tầm 3m thôi. Tui đi như ri nhưng cũng không có chứng chỉ, giấy phép hoạt động chi mô”.


Không muốn lụy đò thì chỉ còn cách chạy xe qua con đập

Cô Đào cho hay, mỗi ngày cô chở khoảng 30 chiếc xe máy qua lại, ngoài ra là một lượng lớn học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Thường ngày làm đến 7 – 8 giờ mới nghỉ, buổi tối thì lấy đèn pin soi đường qua sông.

Rất nhiều người qua sông khi được hỏi, cũng mang một tâm lý sợ hãi. Một em gái còn mang đồng phục trung học cơ sở rụt rè: “Khi qua sông em cũng sợ lắm, nhất là những ngày mưa lớn, nước dâng. Nhưng nếu như không đi đò thì em không thể tới

Sang bên kia bờ bình an vô sự, mới thấy nhiều người dân không “lụy đò” mà chạy xe băng qua một cái đập vắt giữa sông, nước ngập bánh xe tầm 30cm, con đập cũng không lấy gì làm bằng phẳng. Người dân đi qua cho biết, cái ngầm (đập- tiếng địa phương) này là ngầm Nhà Cộ, mới được đắp cao lên gần một tháng nay để tạm thời phục vụ đi lại trong dịp Tết, chứ trước đây cũng sâu lắm.

Chính quyền xử lý chủ đò vẫn tái phạm

Ông Lê Văn Thọ – Phó CT UBND xã Kỳ Phương cho biết: “Thực trạng những người lái đò qua sông nhưng không có chứng chỉ và giấy phép, chính quyền đã đình chỉ hoạt động rất nhiều lần. Mới đây, CA huyện Kỳ Anh cũng có quyết định xử phạt và đình chỉ hoạt động bến đò, đồng thời có Công văn yêu cầu chính quyền xã kiểm tra và ngăn chặn hoạt động này. Tuy nhiên, các chủ đò vẫn có hành vi tái phạm”.

Theo ông Thọ, bến đò hoạt động trái phép, theo luật là phải xử lý. Tuy nhiên, nhu cầu đi lại của người dân, nhất là các em học sinh rất lớn, nếu không có những chuyến đò như vậy thì rất đông các em học sinh sẽ phải nghỉ học do không thể đến trường.


Ông Lê Văn Thọ: “Về lý thì xử kiên quyết, nhưng tình thì tội dân”.

“Nghe tin chính quyền xã đình chỉ hoạt động của bến đò, rất nhiều người dân đã phản ánh, xin cho bến đò hoạt động lại để chở con em đi học, phục vụ nhu cầu đi lại của dân chúng. Tuy nhiên, như thế sẽ rất nguy hiểm”, ông Thọ nói.

Ông Thọ cũng cho biết thêm, mới đây, phía UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định đầu tư xấp xỉ 15 tỉ đồng để xây cầu qua sông Rào Trổ, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 8 năm 2014.

Tuy nhiên, cho đến khi cây cầu đi vào hoạt động, người dân vẫn phải gửi thân mình trên những chuyến đò ngang lênh đênh trên con nước.

Hoàng Hữu Thung

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP