Trong nước

“Mỗi ngày nhập tới 2 triệu USD thuốc bảo vệ thực vật, có đúng không?”

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) đánh giá dự án Luật Trồng trọt chưa đề cập đến các vấn đề an toàn thực phẩm, điển hình như việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ hiện nay. “Tôi nghe là mỗi ngày chúng ta nhập tới 2 triệu USD thuốc bảo vệ thực vật, cái này đúng không?”- bà trăn trở.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Trồng trọt chiều 23/5, đại biểu Hoàng Thị Thuý Lan - Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đề nghị quy định rõ những cơ quan, tổ chức nào được cung cấp giống cây một cách chính thức, tránh tình trạng cây trồng ra mang lại giá trị không cao.

“Bỏ bao công sức trồng cây, canh tác 3-4 năm không sử dụng được quả, phải chặt đi trồng lại thì người dân đau xót lắm. Bây giờ có thực trạng loạn các loại giống, không biết tin giống nào. Có cánh đồng lúa lép, nhưng cánh đồng bên cạnh thì lúa chắc, hỏi thì mới biết lấy ở 2 cơ sở khác nhau. Năng suất không có rất khổ bà con nông dân”- bà Lan phân tích.

Đối với quy định về việc hậu kiểm các loại giống cây trồng, Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc cho rằng dự luật cần nói rõ giống nào thì hậu kiểm, “chứ không để bà con trồng 3-4 năm rồi mới hậu kiểm thì bà con rất thiệt thòi”.

Đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam).

Đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) thẳng thắn cho rằng dự thảo luật chưa phản ánh được đầy đủ mục đích đặt ra về phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường, tạo thành nền sản xuất hàng hoá, đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người nông dân.

“Dự thảo luật mới tiếp cận ở góc độ sản xuất theo hướng trồng trọt truyền thống có sự chuyển hoá theo hướng sản xuất hàng hoá, nhưng chưa đầy đủ, chưa đảm bảo những vấn đề của nông nghiệp cần hướng tới. Trách nhiệm quản lý nhà nước thì mới đề cập vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND địa phương, trong khi để cho nông nghiệp phát triển toàn diện liên quan rất nhiều ngành, cần quy định rõ trách nhiệm liên quan về thị trường và sản phẩm chủ lực”- bà Tâm nêu quan điểm.

Chung quan điểm, tại tổ TPHCM, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đánh giá dự án Luật Trồng trọt chưa đề cập đến các vấn đề an toàn thực phẩm, điển hình như việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ hiện nay.

“Tôi nghe là mỗi ngày chúng ta nhập tới 2 triệu USD thuốc bảo vệ thực vật, cái này đúng không? Nên có một số quy định trong luật để quản lý chặt, đồng bộ không chỉ với phân bón mà cả thuốc bảo vệ thực vật. Chúng ta có kiểm tra, kiểm soát không hay người dân muốn dùng bao nhiêu thì dùng, cứ có nhu cầu là nhập về”- bà Lan nói.

Với kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế, vị đại biểu TPHCM khẳng định sản phẩm này về lâu dài rất có hại đến môi trường, nhiều loại thế giới hạn chế, không sử dụng mà Việt Nam vẫn dùng, làm hại nguồn nước, môi trường.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM).

“Hiện nay nhiều doanh nghiệp đang đi tìm đất để làm sản phẩm hữu cơ, không hại đến đất, không đụng đến hóa chất. Nhưng tìm được miếng đất đủ sạch, không bị dư lượng hóa chất là cả một vấn đề. Các doanh nghiệp đi tìm khắp đất nước, lung tung cả lên mà khó tìm được khu đất sạch nào đủ rộng. Phải để 3 năm không sử dụng để đất thải loại hết hóa chất, sau đó đo đạc lại các thông số về môi trường mới dám sử dụng”- bà Lan nêu thực trạng.

Bên cạnh đó, theo bà Phong Lan, dự án luật phải làm sao giúp người nông dân thoát khỏi khủng hoảng thừa. “Nông dân thấy được giá thì xông vào trồng, mùa sau lại đi giải cứu. Luật không giải quyết được hết nhưng phải đặt ra chứ không để người dân tự phát, dẫn đến hậu quả khủng hoảng thừa”- bà nói.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) nhận định, trách nhiệm của những tổ chức cá nhân có liên quan trong việc định hướng trồng cây gì theo khu vực nào rất mờ nhạt. Điều này dễ dẫn tới việc các tỉnh sẽ tự làm và xảy ra chuyện tương tự như cây thanh long được trồng hết từ vùng nọ sang vùng kia, không tiêu thụ hết.

“Hiện nay người dân hoàn toàn thụ động trước tình trạng phân bón kém chất lượng được quảng cáo trên thị trường. Một số loại cây trồng thuộc về giống truyền thống thuần chủng cần bảo tồn, lưu giữ thì phải đưa vào luật để quy định vùng trồng để bảo tồn”- bà Thuý nêu quan điểm.

Đánh giá dự án Luật Trồng trọt nặng về giống cây trồng, còn chuyện cây giống đó mọc lên, trưởng thành từ 1 vài tháng đến 5-10 năm không thấy nói gì, vấn đề canh tác rất sơ sài, đại biểu Nguyễn Minh Đức (TPHCM) ví von: “Quy hoạch như bắn đạn ghém là không được. Đừng sa đà nhiều về khảo nghiệm, đóng gói… mà nên tập trung vào vấn đề canh tác”.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP