Ảnh minh họa |
Mà Nhạn nghĩ, toàn những chuyện chẳng đâu vào đâu, bà cũng có thể mắng cô gay gắt. Ví dụ như, buổi sáng vội đi làm, phòng riêng của 2 vợ chồng, cô chưa kịp dọn, thế là chiều về, vừa ló mặt vào cửa đã được bà hắt cho một tràng: “Chúng mày là người hay lợn mà ăn ở bẩn thỉu thế? Mai sau có con thì có mà cứt trẻ con lộn lên đầu nhé!”.
Buổi tối, thấy Nhạn đem máy tính lên giường làm việc, bà xa xả: “Thế này thì có mà chết! Cái giường là để ngủ. Vậy mà cái gì cô cũng cho lên giường được hả? Định ăn trên giường rồi ị luôn trên giường phải không?”.
Hôm trước, lúc Nhạn lau dọn bàn thờ, nhỡ tay làm vỡ cái ly đựng nước, bà liền chống nạnh chỉ thẳng vào mặt cô: “Ối giời ơi! Làm ăn hậu đậu, vụng về thế này có ngày các cụ vật cho chết!”. Những khi nghe mắng, Nhạn sợ cứng người, chả dám ho he cãi lại nửa lời, cứ đứng yên không nhúc nhích cho đến khi bà rời khỏi hiện trường mới lập cập “sửa sai”.
Khi Nhạn có bầu, mẹ chồng vui lắm. Cô tưởng mình sẽ đỡ bị ăn mắng. Ai ngờ, bà vẫn thường xuyên nổi cơn thịnh nộ. Ví dụ như, khi “thị sát” phòng của hai vợ chồng, bà la oai oải: “Bà bầu mà phòng ốc bí rì thế này thì lấy đâu không khí để thở? Rồi làm sao em bé phát triển tốt được? Cái thai bệnh tật rồi đẻ ra quặt quẹo, ốm đau suốt thì tha hồ mà chăm, mà nuôi nhé!”. Nghe những lời ác miệng như rủa xả, trù ẻo của mẹ chồng, Nhạn rùng mình, run như cầy sấy.
Trước giờ, ở với bố mẹ, Nhạn luôn được cưng chiều, chẳng bao giờ bị nói nặng nửa lời. Khi đi làm, thỉnh thoảng cũng bị sếp phê bình nhưng chỉ nhẹ nhàng, dễ tiếp thu chứ không “đằng đằng sát khí” như mẹ chồng. Vì thế, khi mới chân ướt chân ráo về làm dâu, phải thường xuyên nghe những lời mắng chửi khủng khiếp như thế, Nhạn sốc lắm! Nhiều khi cô cứ suy nghĩ và lo lắng, cả ngày chả làm được việc gì ra hồn. Thủ thỉ tâm sự với chồng, anh cười hề hề, gạt đi: “Tính mẹ anh thế! Mắng mỏ ào ào như bão nhưng không để bụng, em đừng để ý. Dần dần rồi sẽ quen thôi!”.
Một thời gian sau, Nhạn nhận ra chồng nói đúng. Mẹ chồng cô chỉ to miệng chứ không ác ý. Tuy thích mắng mỏ nhưng bà thực sự thương con dâu. Một buổi sáng, khi Nhạn dắt xe đi làm, bà vừa nhìn thấy đã thất thanh: “Ối giời ôi! Bầu bì mà ăn mặc phong phanh thế kia à? Liệu chừng rồi cảm cúm! Con nó sinh ra bị dị tật, nhẹ thì sứt môi hở hàm ếch, nặng thì tim bẩm sinh, suy thận… rồi khổ cả đời!”.
Trong khi Nhạn sợ đến cứng cả hàm, không dám thanh minh là bầu bì nên người lúc nào cũng thấy nóng thì bà đã chạy vào phòng, lấy áo khoác và khăn quàng ra đưa cho cô. Nhận các thứ từ tay mẹ chồng, Nhạn mỉm cười, nhỏ nhẹ: “Cám ơn mẹ!”. Bà quay đi: “Tôi chả cần cám ơn! Chỉ cần chị chú ý sức khỏe của mình cho tôi nhờ!”.
Một hôm, mẹ chồng đi đâu về, thấy Nhạn đang lúi húi nấu cơm trong bếp còn chồng cô nằm ở sofa chơi game trên điện thoại, bà chỉ thẳng mặt con trai, quát ầm ầm: “Học cái thói chồng chúa vợ tôi ở đâu đấy hả? Vợ mang bầu thì phải nấu ăn! Còn mày ngồi gác chân chơi game chờ cơm hả?”. Ăn xong, Nhạn khệ nệ bưng mâm bát đi rửa. Bà giằng lấy: “Không khiến! Chị để đấy cho tôi, lại đằng kia mà uống nước rồi nghỉ ngơi cho thằng bé trong bụng nó nhờ! Cái bụng ộ ệ như thế, làm vỡ hết bát đĩa thì có mà ăn bốc!”.
Dần dần, Nhạn quen với những lời mắng mỏ đao to búa lớn của mẹ chồng nên chẳng những không thấy khó chịu mà còn thấy vui vui. Cô nhận ra, mẹ chồng nóng tính như lửa và thẳng như ruột ngựa, nhưng lại là người “khẩu xà tâm Phật”. Những lời mắng chửi của bà đều xuất phát từ sự quan tâm đến con cháu, lo lắng cho mọi người trong gia đình. Từ đó, Nhạn thấy mẹ chồng không hề đáng sợ chút nào. Dần dà cô yêu quý và gần gũi với bà hơn. Cô thấy mình thật may mắn khi làm dâu của bà. Còn hơn gặp phải những bà mẹ chồng ăn nói nhỏ nhẹ, dễ nghe nhưng lòng dạ thì hẹp hòi, hiểm ác.
Tác giả: THẢO DUY
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam