Nhân ái

Mẹ chết vì điện giật, bố ra đi vì tai nạn giao thông, ba con sống cảnh bơ vơ đói khát

Trong lúc ngồi dệt chiếu, người mẹ thương yêu nhất của các em bị điện giật chết. Gần 2 năm sau đó, đúng vào đêm giao thừa, người bố cũng bỏ các em lại để đi theo mẹ khi trên đường đi bán bóng bay từ Hà Nội trở về với các con.

Tôi đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy 3 đứa nhỏ Hạnh, Hồng và Sơn mặt mũi nhem nhuốc từ ngoài đồng trở về nhà.

Dù đứa lớn mới chỉ 13, đứa thứ 2 mới 8 tuổi và đứa thứ 3 lên 7 nhưng chúng đã biết ra đồng cùng ông bà gặt lúa, hết mùa gặt thì ở nhà phụ ông bà dệt chiếu để kiếm tiền đi học.

Ba đứa trẻ đã phải mồ côi cả bố và mẹ khi tuổi còn quá nhỏ.

Ba đứa trẻ tội nghiệp đã sớm mồ côi cả bố và mẹ. Có lẽ chỉ có Hồng, cô chị cả là phần nào hiểu được nỗi đau khi không có cả bố và mẹ trên cõi đời. Còn với Hạnh và Sơn, chúng vẫn còn ngơ ngác khi ai đó nhắc về bố mẹ.

Năm 2016, khi đó Hồng mới chỉ 11 tuổi, hai em đang 6 tuổi và 4 tuổi thì mẹ qua đời. Mẹ bất ngờ ra đi bỏ lại bố con em trong lúc ngồi dệt chiếu bằng máy. Chiếc máy dệt bị hở điện khiến mẹ Hồng bị điện giật dính chặt người vào máy.

Hồng kể, đói nghèo, khổ cực, bố lăn lộn làm thuê đủ nghề cố gắng nuôi ba chị em Hồng có miếng ăn và được đến trường. Lúc thì đi phụ hồ thuê cho người ta, khi thì đi gặt lúa thuê… Dù vất vả nhưng bố vẫn luôn nhắc các em phải cố gắng học để thoát cảnh cơ cực như bố.

Ông Thê chỉ nơi người mẹ của em ngồi dệt chiếu bị điện giật chết.

Ấy vậy mà bố cũng chẳng ở thêm với các em được bao lâu, đó là vào Tết năm 2018, bố gửi các em ở nhà với ông bà nội rồi một mình chạy xe máy ra ngoài Hà Nội bán bóng bay với ý định có thêm thu nhập cho các con có một cái Tết tươm tất. Nhưng rồi Tết đó, người cha khốn khổ ấy cũng đã đi mãi không về.

Hồng kể trong nước mắt: “Bố dặn em ở nhà trông hai em, bố ra Hà Nội bán bóng bay, xong giao thừa là bố về. Bố còn hứa sáng ngày mùng 1 Tết là bố có mặt ở nhà với các con. Thế rồi, đêm đó, sau giao thừa bố cũng chạy xe máy về, trên đường bố đã tự gây tai nạn rồi mất. Bố được người ta đưa về nhà đúng ngày mùng 1 Tết như đúng lời bố hứa… nhưng bố nằm đó, đôi mắt nhắm nghiền và không bao giờ trò chuyện với chúng em nữa…”.

Tang mẹ chưa hết lại tiếp tục mang vành khăn trắng trên đầu, chỗ dựa duy nhất của ba đứa trẻ tội nghiệp là ông bà nội đã ngoài 80 tuổi. Ba đứa trẻ không sợ đói, không sợ khát, chúng chỉ sợ không được đến trường đi học như bạn bè cùng trang lứa.

Chỗ dựa duy nhất của các em là ông bà nội đã già yếu.

Liên tục chịu cảnh mẹ mất, bố cũng rời xa, cậu bé Sơn vẫn không hiểu vì sao bố mẹ đi mãi chẳng thấy về. Mỗi lần nhìn tấm di ảnh của bố mẹ, em lại hỏi bà “bố mẹ con đi đâu rồi bà?”. Không trả lời được câu hỏi của cháu, bà nội bưng mặt khóc như thể mọi nỗi đau lại ùa về để cào cấu trái tim già nua bất lực của bà.

Từ ngày bố mẹ các em mất, ngôi nhà rỗng hoác, lạnh lẽo và hoang tàn với 2 tấm di ảnh trên bàn thờ. Ba đứa trẻ với gương mặt ngây thơ và cái nhìn đầy tội nghiệp. Không 1 tiếng cười, không cả một niềm vui dù nhỏ nhất, chúng lầm lũi như chính cái bi kịch gia đình mình…

Cậu em út dù mới 7 tuổi cũng đã biết giúp ông bà nấu cơm.

Căn nhà cấp 4 ẩm thấp, dột nát đã thê thảm lại càng trở nên thê thảm hơn. Những ngày trời mưa to, ông bà dùng hết chậu to đến chậu nhỏ hứng dột, ba đứa trẻ thì cứ nép hết xó này đến xó kia chỉ để tránh mưa.

Nơi góc học tập của chúng cũng chỉ là một cái hòm nhỏ đựng quần áo dùng để làm bàn học. Dù đến cái ăn còn phải chạy từng bữa nhưng chúng nhất định không bỏ học.

Có lẽ hiểu được gia cảnh nên các em rất ngoan và chăm chỉ, nghe lời ông bà. Ba đứa nhỏ, đứa nào cũng học khá, cô chị cả Hồng thì năm nào cũng được giấy khen.

Người chị cả dù mới 13 tuổi nhưng cũng như người mẹ chăm sóc các em của mình.

Nguồn sống của cả 5 ông bà cháu là những đồng tiền trợ cấp ít ỏi của nhà nước và những buổi ghim chiếu thuê của hai bà cháu cùng với vài sào ruộng cấy để lấy gạo ăn.

Ông Nguyễn Ngọc Thê, ông nội của các em ngồi bên cạnh không cầm được nước mắt. Từ trong sâu hoắm đôi mắt của ông, chảy ra những giọt nước đụng ngầu. Trái tim người cha ấy có lẽ cũng đang rướm máu và bất lực, đau đớn vì mất con, đau đớn vì để các cháu phải khổ.

Nguồn sống của 5 ông bà cháu là những đồng trợ cấp ít ỏi của nhà nước và những buổi ghim chiếu thuê cho người ta.

“Tôi già chừng này rồi, sao ông trời không bắt tôi đi thay vợ chồng nó. Chúng đi để lại mấy đứa nhỏ tội nghiệp này rồi không biết nay mai, hai ông bà tôi cũng đi theo các cụ thì chúng sẽ sống ra sao đây…”- ông Thê bưng mặt khóc rưng rức như một đứa trẻ khiến lòng tôi cũng đau nhói.

Tôi không dám hỏi thêm gì ông, cũng chẳng dám hỏi thêm những đứa trẻ về bố mẹ chúng, bởi tôi sợ rồi những nỗi đau kia lại trỗi dậy nhức nhối. Tôi cũng không thể nào quên được, ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên của chúng nhưng chứa đựng điều gì đó như là cầu cứu và câu nói đầy tội nghiệp của cô chị cả “chúng cháu không sợ đói, không sợ khát, chỉ sợ phải bỏ học…”.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 3074: Ông Nguyễn Ngọc Thê, thôn Châu Thanh, xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa

Tác giả: Nguyễn Thùy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP