Lao Động - Việc Làm

Mất ATLĐ tại các mỏ đá: Doanh nghiệp thờ ơ với tính mạng người lao động

Hà Tĩnh là địa phương có tiềm năng về khoảng sản vật liệu xây dựng. Nguồn nguyên liệu từ 100 mỏ đá (được cấp phép) có thể đáp ứng được nhu cầu cho các công trình lớn đang triển khai trên địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, vấn đề ATLĐ đang đứng trước nhiều thách thức khi các đơn vị khai thác lại tỏ ra thờ ơ với tính mạng người lao động. Chính việc mất an toàn đã dẫn đến những vụ tai nạn gây chết người thảm khốc.

Tình trạng an toàn cho người lao động báo động đến mức. Mới đây Sở LĐTBXH, Công thương, Tài nguyên và Môi trường đã ra quyết định tạm đình chỉ khai thác đối với các mỏ có nhiều vi phạm ATVSLĐ – PCCN đối với các đơn vị đầu tư khai thác như: HTX Hồng Minh, HTX Tân Hồng (thị xã Hồng Lĩnh), DNTN Cảnh Bằng… Ngoài ra, các ngành chức năng còn quyết định thu hồi giấy phép khai thác đá đối với Cty Sông Đà 27 vì chậm đầu tư khai thác. Đây được coi biện pháp cứng rắn đối với các tổ chức vi phạm khi trước đó đã nhiều lần nhắc nhỏ và xử phạt hành chính nhưng không hiệu quả của ngành chức năng.


Cùng đó, một số DN khác như: Cty CP Hoàng Anh Sơn, Hồng Thủy, Cty TNHH MTV Sơn Dương… cũng bị xử lý hành chính với số tiền từ 2 – 7 triệu đồng. Không biết sau lần xử phạt này các DN có kịp tỉnh ngộ để kịp thời khắc phục những thiếu sót hay không?


100 mỏ đá đã được cấp phép của ngành chức năng là điều kiện lý tưởng để tỉnh Hà Tĩnh có thể triển khai xây dựng các công trình trọng điểm; đồng thời tăng thu ngân sách và tạo thêm nhiều việc làm cho hàng vạn người lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó vẫn còn khá nhiều bất cập mà ngành chức năng ghé “thăm” “đụng” đâu cũng ra vi phạm. Chỉ có điều nhiều hay ít mà thôi! Những vi phạm của các DN chủ yếu là vấn đề ATLĐ mà nguyên nhân chủ yếu bắt đầu từ việc khai thác nhỏ lẻ, manh mún; sử dụng trang thiết bị máy móc lạc hậu; sử dụng người lao động chưa qua đào tạo.


Có mặt tại các cơ sở kinh doanh khai thác đá tại thị xã Hồng Lĩnh và các huyện Hương Sơn, Kỳ Anh điều chúng tôi nhận thấy có rất ít đơn vị tuân thủ theo quy trình khép kín từ khâu bóc đất phong hóa đến cắt gương tạo vỉa, khai thác không đúng thiết kế được thẩm định phê duyệt. Điều tệ hại nhất là để tận dụng tối đa lợi nhuận, các mỏ đá ở đây đều khai thác đá từ dưới chân ngược lên sai quy trình, tạo thành bức vách thẳng đứng vô cùng nguy hiểm và có thể làm núi đá đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Lao động ở đây chủ yếu làm theo thời vụ, thích thì làm, không thích thì nghỉ.

Doanh nghiệp thờ ơ với tính mạng người lao động

Hiểm nguy rình rập do quy trình khai thác thiếu khoa học

Mặc dù thời gian qua công tác tuyên truyền của các cơ quan quản lý nhà nước về ATVSLĐ-PCCN đã được chú trọng, thế nhưng các DN lại tỏ ra thờ ơ. Công ty CP Công nghiệp Việt Nam và Xí nghiệp khai thác đá và xây dựng Hồng Lam là số ít tuân thủ quy trình nghiêm ngặt này.


Đến nay đã có 38/55 đơn vị tổ chức huấn luyện an toàn cho người lao động tuy nhiên nhiều đơn vị chỉ mang tính chiếu lê, không có giáo án huấn luyện, không có bài kiểm tra sát hạch kết quả của các học viên. 100% DN đã mua sắm phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động như: quần áo, mũ, dây đai an toàn, tuy nhiên trong quá trình làm việc nhiều người không sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động.


Chưa hết, một trong những yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ là bình nén khí dùng cho khoan nổ mìn, nhưng các thiết bị này đều là thiết bị cũ của Trung Quốc, đồng hồ báo áp suất, van an toàn không hoạt động nên nếu có sự cố, hậu quả chết người là cầm chắc.

Doanh nghiệp thờ ơ với tính mạng người lao động

Phần lớn công nhân sản xuất theo thời vụ nên không có nhiều kiến thức về ATVSLĐ

Còn nữa, công tác quản lý sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, PCCN có vai trò đặc biệt quan trọng trong khai thác đá. Ý thức được điều này, nhiều DN đã chú trọng xây dựng hệ thống kho bảo quản VLNCN đảm bảo đúng quy định; các DN đều bố trí lực lượng bảo vệ kho 24/24 giờ, tuy nhiên có những DN chưa bố trí đủ lực lượng bảo vệ; chưa xây dựng nội quy an toàn; chỉ huy nổ mìn chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ ( kỹ sư chuyên ngành) theo quy định của Bộ Công thương như: Cty CP Lạc An, DNTN Cảnh Bằng. Bên cạnh đó, quyền lợi của người lao động chưa được chú trọng nên người lao động làm việc “được chăng hay chớ” thấy lợi thì làm bất chấp các quy định khắt khe về ATVSLĐ


Nguyên nhấn chính dẫn đến tình trạng trên chính là việc quản lý lỏng lẻo của các ngành Tài nguyên và Môi trường, Công thương, LĐTBXH và chính quyền địa phương. Chính quyền một số địa phương đã thực hiện không nghiêm pháp luật về quản lý khoáng sản, thậm chí còn tiếp tay cho việc khai thác khoáng sản trái phép. Các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến lợi ích lâu dài của người lao động, chấp hành Luật Lao động không nghiêm.


Theo điều tra, có không ít các mỏ đá đoàn kiểm tra tạm đình chỉ trong đợt vừa rồi đã bắt đầu ngang nhiên hoạt động trở lại khi chưa đủ điều kiện. Điều đó cho thấy, các biện pháp tức thời của các ngành chức năng chưa mang lại hiệu quả cao.


Thiết nghĩ, đã đến lúc cần phải có có biện pháp mạnh và sự vào cuộc thực sự của các ngành chức năng nhằm tạo ra một môi trường làm việc đảm bảo một cách tối đa ATVSLĐ-PCCN trong các mỏ đá.


Hoài Nam – Quang Linh

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP