Cú đảo chiều của xe nhập
Cuối năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định 116/2017NĐ-CP quy định các điều kiện kinh doanh đối với ô tô, có hiệu lực từ đầu năm 2018. Những quy định mới tại Nghị định này khiến cho ô tô nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam chịu tác động mạnh trong cả năm 2018.
Nửa đầu năm 2018 ô tô nhập khẩu gần như không thể về nước do vướng quy định phải có Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA) được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền từ nước xuất khẩu xe. Các DN nhập khẩu ô tô khi đó đã kêu trời, bởi thông thường, các quốc gia chỉ cấp giấy này cho ô tô lưu hành trong nước sở tại.
Một trong những mẫu xe đầu năm 2018 khan hiếm khiến nhiều người mua mất thêm cả trăm triệu đồng |
Nghị định 116 gần như đã làm ngừng toàn bộ việc kinh doanh xe nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm. Hàng loạt đơn hàng đã bị hủy, ảnh hưởng tới hàng ngàn việc làm, cả lao động trực tiếp cũng như các đại lý. Khách hàng buộc phải chờ đợi lâu hơn để có xe do thiếu nguồn cung. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm 2018, ô tô nhập khẩu chỉ có 12.380 chiếc, giảm 75,7% so với cùng thời gian năm 2017.Không có VTA, xe nhập không thể về nước. Thống kê từ Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy, hiệu quả kinh doanh của các DN nhập khẩu ô tô ở Việt Nam giảm 31% trong 6 tháng đầu năm 2018.
Trong khi đó, những năm trước, xe nhập khẩu có doanh số bán khoảng 10.000 chiếc mỗi tháng. Với số lượng nhập về hạn chế, vì vậy, cung không đáp ứng đủ cầu. Nhiều mẫu xe nhập khẩu hết sạch, có doanh số bán bằng 0. Có DN có tới 6 mẫu nhập khẩu trong tình trạng này. Hàng loạt mẫu xe không hẹn ngày trở lại, khách dài cổ chờ.
Tuy nhiên, sau một thời gian tìm cách lo Giấy chứng nhận kiểu loại, cuối cùng cũng có kết quả. Thái Lan là quốc gia đầu tiên chấp nhận cấp VTA cho xe xuất khẩu, tiếp đó là Indonesia,...
Theo số liệu của Bộ GTVT, đến giữa tháng 6/2018, đã có 200 bộ hồ sơ nhập khẩu cho 103 kiểu loại ô tô được cấp Giấy chứng nhận và con số này tăng mạnh vào những tháng nửa cuối năm.
Trong tháng 7 và tháng 8, nhiều mẫu xe sang nhập khẩu từ châu Âu, Mỹ,... cũng lo xong giấy VTA và xe nhập không còn bị cản trở gì nữa.
Vì thế, nửa cuối năm “gió đổi chiều”, ô tô nhập bắt đầu tràn về. Xe hưởng thuế 0% chiếm số lượng lớn. Tháng 7/2018 số lượng xe nhập khẩu đạt 5.700 chiếc, đến tháng 8 con số này tăng lên 9.000 chiếc và từ tháng 9-12, số lượng xe nhập về mỗi tháng đều trên 10.000 chiếc, tương đương trước đây, trong đó xe con chủ yếu nhập từ Thái Lan và Indonesia.
Cuối năm, xe nhập khẩu về nhiều do các DN ô tô lo được Giấy chứng nhận kiểu loại |
Tuy nhiên, tính chung cả năm, lượng xe nhập khẩu vẫn giảm so với trước. Số liệu của VAMA cho thấy, tính đến hết tháng 11/2018, doanh số bán hàng của xe nhập khẩu giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái; ước tính cả năm giảm khoảng 10% so với 2017.
Mất cả nghìn tỷ đồng
Nhiều khách hàng trên cả nước đặt mua những mẫu xe ăn khách như Honda CR-V, Toyota Fortuner,... từ tháng 3, nhưng tới tháng 7/2018 vẫn chưa nhận được xe. Đại lý chỉ hẹn khi nào có xe sẽ bàn giao, nhiều khách ký hợp đồng, đợi nửa năm không nhận được thông báo gì. Một số khách cho biết họ đặt mua xe Honda CR-V từ tháng 7/2018, nhưng đến nay vẫn không thấy đại lý giao xe, cứ khất lần tháng này qua tháng khác.
Mặc dù xe nhập khẩu từ ASEAN về Việt Nam được hưởng thuế 0% nhưng nhiều mẫu xe đã không giảm giá tương ứng. Các tính toán cho thấy với thuế về 0% thì giá xe nhập khẩu giảm khoảng 20-23%, nhưng trên thực tế nhiều mẫu xe chỉ giảm từ 10-15%, thậm chí có mẫu không giảm giá, hoặc giảm xong lại tăng giá.
Mẫu CR-V của Honda Việt Nam tăng giá 3 lần từ 1/1/2018 đến 1/1/2019 với mức tăng 25 triệu đồng mỗi xe. Mẫu HR-V thuộc phân khúc SUV hạng B nhập khẩu về nước có giá bán cao ngất ngưởng, từ 786-871 triệu đồng. Giá xe Toyota Forttuner không giảm so với thời điểm 2017, khi còn chịu thuế nhập khẩu 30%...
Khan hiếm, mẫu CR-V của Honda Việt Nam còn tăng giá 3 lần |
Ngoài lý do xe nhập khẩu phải chịu thêm chi phí kiểm định, lưu kho bãi,... khi chấp hành các quy định mới và tỷ giá thay đổi, các DN cho biết họ bán ra theo giá thị trường. Tức là, chiếc xe nhập về có giá 700 triệu đồng, nhưng thị trường chấp nhận ở mức 1 tỷ đồng thì sẽ bán giá 1 tỷ, chứ không phải cứ thuế giảm là giá xe giảm sâu.
Không những thế, đây còn là cơ hội để các đại lý làm giá. Do thiếu xe, khách hàng phải chờ đợi quá lâu, các đại lý đã lợi dụng tình hình này ép khách trả thêm từ 50 đến gần 300 triệu đồng để mua bộ phụ kiện nếu muốn lấy xe sớm, nhiều người ví như “bán bia kèm lạc”. Nhiều đại lý đã thu lợi lớn hàng trăm triệu đồng mỗi xe bán ra.
Nhân viên một đại lý ô tô tại Hà Nội thừa nhận, với những mẫu xe ăn khách, các đại lý sẽ găm hàng, đẩy giá lên. Ngay cả khi xe nhập đã về đến kho, theo hợp đồng phải giao cho khách, nhưng chưa chắc khách đã được nhận. Đại lý viện đủ lý do để trì hoãn, kéo dài thời gian, bắt khách phải chờ. Còn ai chi thêm tiền sẽ có xe ngay.
Theo ước tính năm 2018 người tiêu dùng phải chi thêm hơn 1.000 tỷ đồng cho 5-6 mẫu xe ăn khách, để được nhận xe sớm. Số tiền này hoàn toàn chui vào túi của các ông chủ đại lý bán lẻ ô tô.
Hiện nguồn cung xe nhập khẩu rất dồi dào. Sau Tết nguyên đán Kỷ Hợi, xe về nhiều giá sẽ giảm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu cung vẫn không đáp ứng đủ cầu thì giá khó giảm.
Hơn nữa, nhập khẩu ô tô thời gian tới sẽ còn bị kiểm soát chặt chẽ. Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định 116. Không những thế, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng, tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam, Quy chuẩn Việt Nam đối với ô tô nguyên chiếc nhập khẩu. Giống như hàng rào kỹ thuật, sẽ tạo ra rào cản nhất định đối với các loại xe nhập ngoại trong tương lai.
Tác giả: Trần Thủy
Nguồn tin: Báo VietNamNet