Kỳ trước: Nhân nghĩa trấn biên Sở dĩ như vậy là bởi người dân nơi đây có tục đa thê, gặp Hải không quên nhắc lại lời đề nghị. Gắn bó sâu nặng đến mức nói là dân nghe, hướng dẫn cách làm giàu cải thiện cuộc sống thì dân học theo, chuyện bám bản của bộ đội biên phòng Việt Nam ở Thoọng Pẹ như trong cổ tích.
Đặt cược với… thầy mo
Với tập tục ăn sâu vào tiềm thức, khi gặp cảnh ốm đau, dân bản nơi đây thường tìm đến thầy mo để đuổi con ma rừng. Mãi tới năm 2005, một sự kiện hy hữu xảy ra. Con dâu thầy mo đột nhiên bị bệnh nằm liệt giường, cúng bái mấy tháng trời không khỏi. Võ Trọng Hải hồi đó còn là Đại uý, trưởng trạm biên phòng thuộc Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, nghe tin bèn lên đường cùng một quân y tên Sơn sang thăm hỏi. Sơn xin khám và phát hiện con dâu thầy mo bị bệnh thần kinh. Hải quyết định đặt cược với thầy mo: “Quân y Việt Nam không chữa được thì tôi chịu phạt trâu bò đủ cho cả bản mở tiệc mấy ngày”.
Đến nay, ngồi nhớ lại chuyện này, Trung tá Võ Trọng Hải vẫn chưa hết hồi hộp: “Mình lôi Sơn ra ngoài, thầm thì: “Có chắc cứu được không? Cậu mà khám sai là bao công sức anh em mấy năm đổ sông đổ biển hết đấy”. Khi thấy Sơn chắc chắn, mình mới quay vào dõng dạc cá cược với thầy mo trước sự chứng kiến của hàng chục người dân”. Quân y biên phòng tập trung châm cứu hết 1 tháng thì con dâu thầy mo có thể đứng dậy đi lại được. Uống thuốc bổ thêm 1 tháng rưỡi nữa, cô gái đã có thể đi nương.
“Thắng cược” thầy mo, Hải quyết định họp dân toàn bản, sau khi đề nghị Bộ chỉ huy phối hợp với Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh đưa tất cả y bác sỹ giỏi nhất của biên phòng tỉnh và bệnh viện sang Thoọng Pẹ. Trước mặt dân bản, thầy mo đứng dậy tuyên bố: ốm đau không phải do con ma, mà do không biết cách dùng thuốc. Năm 2007, một bệnh xá khang trang gồm 6 gian, tổng diện tích 340,4 m2, có đường bê tông ô tô chạy được dẫn từ quốc lộ lên trạm, do UBND tỉnh Hà Tĩnh và Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh đầu tư kinh phí (500 triệu đồng), đã được hoàn tất. Đến nay, trạm xá đã được đoàn công tác của Bộ Y tế và Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh thống nhất đầu tư nâng cấp như đã kể.
Năm 2008, Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng cùng với anh em trong trạm chữa khỏi bệnh cho ông Clông – thầy mo giỏi nhất bản – khi đó đã 70 tuổi. Dù là thầy mo nổi tiếng nhất bản, nhưng khi ốm, ông Clông cũng không cách nào đuổi con ma ra khỏi người mình. Vậy là trạm y tế quân dân y kết hợp Thoọng Pẹ có một bệnh nhân đặc biệt. Sau một thời gian điều trị, khỏi bệnh, đi tới đâu ông cũng bảo dân ốm đau thì tìm tới trạm xá của “thàn mỏ” (thầy thuốc) bộ đội Việt Nam, chứ không phải cúng con ma rừng nữa. Khi ông Clông nói vậy, các thầy mo khác trong bản cũng lần lượt… giải nghệ.
Lại nữa, bà Con Khăm ở bản Na Pê gần đó bị ốm lâu ngày, mất rất nhiều tiền mà bệnh không khỏi. Bệnh viện huyện Khamkeuth trả về cho gia đình để chờ làm ma. Còn nước còn tát, các con bà đưa sang trạm quân y Thoọng Pẹ nhờ “thàn mỏ” Việt Nam. Sau 3 ngày uống thuốc, bà Con Khăm đã cắt được cơn sốt. Sau một thời gian dài điều trị, đến nay, bà đã lên nương lên rẫy bình thường. “Con ngựa sắt” Honda Win của trạm quân y đã rong ruổi từ bản Thoọng Pẹ sang bản Na Pê, bản Na Hương, Na Hạt, Na Liêng, Noọng Ó… suốt 5 năm nay, để lại bao nghĩa tình về hình ảnh những “thàn mỏ” bộ đội Việt Nam trong tâm trí những người dân huyện Khamkeuth, tỉnh Borikhamxay, nước bạn Lào.
Bộ đội biên phòng Việt Nam khám bệnh cho trẻ em ở bản Thoọng Pẹ. Ảnh: Thế Mạnh.“Khiên thép” lòng dân
Giờ đây, những y sỹ Hùng, y sỹ Phương vẫn miệt mài gắn bó với trạm xá quân dân y Thoọng Pẹ. Trung tá Võ Trọng Hải đã về xuôi, nhưng chưa bao giờ nguôi nhớ vùng đất một thời anh gắn bó. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, có dịp chứng kiến lực lượng biên phòng Hà Tĩnh sang thăm Thoọng Pẹ, càng thấy người dân nơi đây từ già làng, trưởng bản tới những đứa trẻ yêu quý bộ đội Việt Nam đến nhường nào. Ngóng chờ từ sáng sớm, cúi đầu chào theo nghi lễ của người Lào khi tiếp khách quý, họ thân mật gọi tên: thào (anh) Hải, thào Hùng, thào Phương, các thào bộ đội biên phòng Việt Nam. Dù chưa phải là dài, nhưng công sức bao năm qua đã được đền đáp bằng ân tình người dân nơi đây dành cho nỗ lực không mệt mỏi của bộ đội Việt Nam.
Trung tá Võ Trọng Hải từ lâu đã được dân bản Thoọng Pẹ nhận là “người con của bản”, một danh dự mà người Mông gần như tuyệt đối không bao giờ dành cho người ngoại tộc, trừ những ai có công cứu cả tộc dân mình. Các thào Hùng, thào Phương, thào Sơn… nay cũng lần lượt trở thành “người con của bản”. Theo lời một cán bộ công an huyện Khamkeuth, trước đây từng có những cán bộ của huyện Khamkeuth xuống xây dựng và củng cố cơ sở chính quyền địa phương ở Thoọng Pẹ phải thốt lên rằng: Vào được nhà người Mông ở Thoọng Pẹ khó hơn vào rừng, khuyên được người Mông ở Thoọng Pẹ bỏ trồng cây thuốc phiện khó hơn xuống vực sâu, nói được người Mông ở Thoọng Pẹ khi ốm đau đừng cúng con ma rừng mà phải đi bệnh viện khó hơn trèo lên đỉnh núi. Khó thế mà bộ đội biên phòng Việt Nam làm được. Nên giờ người Mông ở Thoọng Pẹ đi đâu, làm gì thì khéo chỉ có Giàng biết và… bộ đội biên phòng Việt Nam biết.
Kiên trì qua bao tháng ngày khó khăn bám bản, bộ đội biên phòng Việt Nam giờ đã gắn bó với người dân nơi đây như con cháu trong một nhà. Cũng từ đó, “cái bụng” dân bản Thoọng Pẹ đã yên ấm, cái tay biết làm điều hay lẽ phải, cái chân biết lên nương xuống ruộng, bỏ cây thuốc phiện để trồng lúa trồng gừng… Lòng dân yên cũng chính là tấm khiên thép vững chãi bảo vệ một vùng biên giới Việt-Lào trùng trùng điệp điệp.
Kỳ tới: Săn “thú độc” trên cung đường nóng
Trường Minh
Dân Việt