PGS.TS Trần Quang Bính, Trưởng khoa bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết gần như ngày nào cũng tiếp nhận người bị rắn lục đuôi đỏ cắn.

Ngày 24.11, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên xác nhận, đã tiếp nhận, điều trị cho 141 bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn, nhiều nhất là trong tháng 11, với 41 ca. Tại Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng có gần 40 người bị loại rắn độc này cắn.

Trao đổi với phóng viên, GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học cho hay, tại Việt Nam có khoảng 151 loài rắn, riêng rắn lục đuôi đỏ có khoảng 700 loại khác nhau.

“So với các loài rắn khác, quá trình mang thai của rắn lục đuôi đỏ rất nhanh, chỉ dài khoảng 2 tháng, sau đó sinh con. Số lượng mỗi lứa đẻ của loại rắn này cũng rất cao, từ 4 đến 16, 17 con. Rắn con dài 20 cm, mới ra đời nhưng phát triển rất khỏe, có đặc điểm giống hệt rắn trưởng thành. Vì vậy, sẽ không mất nhiều thời gian để dân số của rắn lục đuôi đỏ được nhân lên nhiều lần”, tiến sĩ Huỳnh nói.

Rắn lục đuôi đỏ sinh sản rất nhanh.

Loài rắn này có nhiều, ngoài lý do về đặc tính sinh sản, theo tiến sĩ Huỳnh còn vì nó không có giá trị kinh tế cao.

“Tôi chưa thấy trên thị trường mua bán loại rắn này. Có thể vì người ta thấy nó không có giá trị cao về kinh tế, không ngâm rượu hay làm thuốc được nên nó cũng không bị săn bắt nhiều như các loại rắn khác. Đấy cũng có thể là một nguyên nhân loài này xuất hiện nhiều hơn”, Chủ tịch Hội Động vật học lý giải.

Bác bỏ yếu tố tâm linh, tiến sĩ Huỳnh cho hay, trên thực tế vẫn còn nhiều loại rắn khác xuất hiện tuy nhiên rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều hơn và đang chiếm được vị thế phát triển trong tự nhiên hơn.

“Rắn là loài biến nhiệt. Lạnh sẽ đi trú ẩn, nóng sẽ sinh sôi phát triển. Xét theo khía cạnh khoa học, việc rắn lục đuôi đỏ xuất hiện bất thường như thế này là dấu hiệu cảnh báo của tình trạng biến đổi khí hậu đáng lo ngại đang diễn tiến ngày một rõ ràng. Nhiệt độ nền của các tỉnh đang có xu hướng ấm lên trong mùa đông vì biến đổi khí hậu”, tiến sĩ Huỳnh nói thêm.

Theo ông, nguyên nhân đáng lưu ý khác là do rắn thường sống ở những khu vực rừng núi, hoặc nơi có nhiều cây cối rậm rạp nhưng hiện nay rừng đã bị con người tàn phá nghiêm trọng, cây cối ở các khu vực thì bị dọn dẹp để xây đường, xây nhà.

Nguồn thức ăn của rắn lục đuôi đỏ ngày càng khan hiếm.

Đáng lưu ý, sự cân bằng tự nhiên của động vật cũng bị đảo lộn do con người. Những loài như cầy, cáo, nhím, lửng mật ong, chim ưng… vốn là kẻ thù tự nhiên của rắn, ăn thịt rắn độc lại đang chết dưới sự săn bắt của con người để làm mồi nhậu.

Ngoài ra, nguồn thức ăn dành cho loài rắn cũng ngày càng cạn kiệt, chuột, ếch, nhái, côn trùng… giảm mạnh do mất môi trường sống, kéo theo đời sống nghèo nàn của rắn. Nguồn thức ăn tự nhiên cạn kiệt, nhu cầu ăn uống của rắn thì tăng cao, đó cũng là lý do rắn tìm đến các khu dân cư.

Cho rằng việc “càng giết rắn càng về” là không có cơ sở khoa học, tiến sĩ Huỳnh phân tích thêm: “Tôi có nghe dư luận về việc bà con kháo nhau sau khi đập chết rắn không vứt xác ra bờ bụi quanh nhà hay bỏ ra bên lề đường, hay rủ nhau ngồi xem. Vì rắn khi giẫy chết, rắn cái sẽ tiết ra chất hấp dẫn thu hút các con rắn chung quanh, từ đồng ruộng, trong rừng tìm đến và càng làm tăng mật độ rắn quanh nhà và trong vườn. Tôi cho rằng việc này là phản khoa học”.

Nên tiêu hủy xác rắn sạch sẽ tránh ô nhiễm môi trường. Ảnh: Phạm Hòa.

Vẫn theo chuyên gia này, ở góc độ bảo tồn tự nhiên việc truy đuổi, tìm giết rắn là không nên bởi rắn là loài vừa có lợi, vừa có hại. Thức ăn của rắn là các loài có hại như chuột, côn trùng… giúp cân bằng sinh thái.

“Chúng ta nên đào hố chôn xác rắn cho sạch sẽ vì rắn là loài ăn chuột, nếu chúng ta vứt xác rắn bừa bãi cũng là nguy cơ lây dịch hạch từ chuột”, tiến sĩ Huỳnh nhấn mạnh.