Kinh tế

Lụa Việt bị ảnh hưởng như thế nào sau vụ Khaisilk?

Sau khi vụ việc bán hàng Việt nhưng nguồn gốc Trung Quốc của Khaisilk được phanh phui, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận định: Vụ việc Khaisilk gây 'tổn hại giá trị thương hiệu Việt'.

Chia sẻ với báo giới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hành vi của Khaisilk có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nền tảng đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều này đã làm tổn hại đến lòng tin, lợi ích của người tiêu dùng, tổn hại trực tiếp đến giá trị thương hiệu Việt. Nhưng quan trọng hơn nó làm tổn thương đến tình cảm, lòng tự tôn dân tộc của người Việt, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Lụa Việt sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau bê bối nhập nhèm nguồn gốc của Khaisilk. Ảnh Dân Việt

Còn theo nghệ nhân Đỗ Quang Hùng - Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Nội), việc làm của Khaisilk đã làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín thương hiệu lụa Việt. Sự gian dối đã khiến cho doanh nghiệp này tự chôn vùi thương hiệu của chính mình.

Theo nghệ nhân này, dù doanh nhân Hoàng Khải có công lớn trong việc đưa thương hiệu lụa Vạn Phúc ra phố Hàng Gai và góp một phần không nhỏ vào việc đưa khu phố này trở thành trung tâm lụa của Hà Nội. Nhưng việc không minh bạch trong nguồn gốc sản phẩm, ngoài việc tự chôn vùi thành quả và thương hiệu của bản thân, còn ảnh hưởng rất lớn đến thị trường dệt lụa của Việt Nam.

Ông Hùng cho biết, hiện nay, nghề sản xuất và kinh doanh lụa ở Việt Nam không còn phát triển rầm rộ như giai đoạn năm 1995-2000, thời điểm đó rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm đến thị trường lụa tơ tằm Việt Nam. Nhưng phần lớn doanh nghiệp không quay trở lại với lý do lụa không phải 100% là tơ tằm mà là nửa tằm nửa tơ bóng, loại sản phẩm này giá thành rất rẻ, chỉ 1 USD/thước (mét) vải. Trong khi đó, nếu đúng tơ thật thì hơn một triệu đồng/m, kể cả lụa của Trung Quốc với nguồn gốc tơ của Brazil bán cũng rất đắt.

"Nhưng hàng Trung Quốc còn có một sản phẩm rất rẻ, đó là lanh được xe bằng sợi vỏ cây, hiện lanh bán tại Vạn Phúc chỉ khoảng 30.000đ/m, chất liệu này màu sắc rất đẹp, mặc rất mát, không nhăn và rất bền. Lợi dụng việc khách hàng không phân biệt được tơ tằm và lanh, một số người đã bán lanh với giá tơ tằm rất đắt và thu lợi nhuận cao", ông Hùng cho hay.

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay trên thị trường lụa Việt Nam sự nhập nhèm nguồn gốc xảy ra khá phổ biến. Tại làng lụa Vạn Phúc, các sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc được bán trà trộn vào những sản phẩm được gắn mác lụa Hà Đông.

Theo các tiểu thương kinh doanh nơi đây cho biết, việc bán các sản phẩm làm từ lụa nhập từ Trung Quốc ở làng lụa Vạn Phúc đã có từ rất lâu nhằm đáp ứng nhu cầu của khác hàng, đồng thời để đa dạng mặt hàng kinh doanh.

Theo quan sát, có nhiều sản phẩm được làm từ lụa bày bán ở làng lụa Vạn Phúc tuy nhiên nếu không được tư vấn kỹ khách hàng dễ dàng nhầm lẫn bởi các sản phẩm nhập khẩu này.

Theo nhận định của nghệ nhân Đỗ Quang Hùng, việc trà trộn các sản phẩm lụa từ Trung Quốc sau đó gắn mác Việt sau vụ việc của Khaisilk đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của thương hiệu Việt và nó sẽ ảnh hưởng đến “cái nhìn” của bạn bè quốc tế vào những sản phẩm, thương hiệu có xuất xứ từ Việt Nam. Đây là sự việc rất đáng buồn cho một thương hiệu sau bao nhiêu năm gây dựng, giữ gìn.

Tác giả: Bảo Anh

Nguồn tin: VietQ.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP