Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam với Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Địa ốc Alibaba) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng vừa gia hạn tạm giữ với Nguyễn Thái Luyện (anh trai của Lĩnh, Chủ tịch Địa ốc Alibaba).
Hai anh em Luyện và Lĩnh được xác định đã dùng chiêu trò lừa đảo huy động vốn các dự án “đất ma”. Theo kết quả điều tra ban đầu, 6.700 khách hàng đã bị lừa với tổng số tiền 2.500 tỷ đồng.
Chủ tịch Địa ốc Alibaba - Nguyễn Thái Luyện. |
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Luật Kinh doanh BĐS đã quy định rõ, chỉ khi nào dự án làm xong móng, xong hạ tầng và được sự chấp thuận đủ điều kiện bán hàng của Sở Xây dựng, chủ đầu tư mới được bán hàng, huy động vốn”.
Cũng theo luật sư Cường, tại Điều 55, Điều 56 Luật Kinh doanh BĐS thì chủ đầu tư chỉ được mở bán khi: đã có giấy phép đủ điều kiện được bán do Sở Xây dựng cấp, trường hợp là đất nền thì phải có giấy tờ nghiệm thu việc hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là chung cư, tòa nhà hỗn hợp thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng và có bảo lãnh của ngân hàng.
Luật sư Cường cho biết thêm: Ở trường hợp của Địa ốc Alibaba có dấu hiệu rõ ràng của sự lừa đảo, khi lãi suất huy động vốn lên tới 38%/năm (thông thường lãi suất ngân hàng là 8%/năm). Hiện nay cơ quan điều tra đã khởi tố một số đối tượng đứng đầu công ty này về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục thu thập các tài liệu chứng cứ, củng cố hồ sơ để xử lý với các đối tượng tiếp theo, đồng thời xem xét trách nhiệm pháp lý của những người liên quan theo quy định pháp luật.
Bị can Nguyễn Thái Lĩnh. |
Nói về bản án mà những người đứng đầu Địa ốc Alibaba có thể nhận, luật sư Cường cho biết: “Với số tiền lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng của nhiều người, các đối tượng lừa đảo sẽ phải đối mặt với mức hình phạt theo khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân. Những đối tượng chủ mưu, cầm đầu thực hành tích cực và những đối tượng hưởng lợi lớn sẽ chịu mức án có thể sẽ là tù chung thân”.
Nhận định về khả năng người bị hại thu hồi vốn, luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch TAT Law Firm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Theo điều 123 và khoản 1 điều 125 Bộ Luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu. Đối với trường hợp này, hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng mua bán giữa Công ty Alibaba và người dân sẽ bị vô hiệu nếu vi phạm điều cấm. Khi đó, hậu quả pháp lý là các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Công ty Alibaba phải trả cho khách hàng số tiền đã nhận theo hợp đồng. Nếu công ty không đủ tiền bồi thường, lãnh đạo và những nhân viên công ty có hành vi gian dối, lừa đảo phải chịu trách nhiệm bồi thường”.
Luật sư Tú cho biết thêm: Về thời điểm giải quyết tiền bồi thường, nếu xem xét hồ sơ mà các bị hại là khách hàng đã đóng tiền vào Công ty Alibaba đầy đủ hợp lệ thì trong giai đoạn điều tra, CQĐT có thể xem xét trả một phần số tiền cho bị hại. Tuy nhiên, đa phần trong các vụ án này, khách hàng chỉ có thể chờ bản án có hiệu lực của tòa án mới có thể thực hiện quyền yêu cầu cơ quan thi hành án chi trả số tiền mà bản án tuyên cho từng bị hại theo quy định pháp luật.
“Bát nước đã đổ đi không thể lấy lại được đầy. Nhưng lấy lại được bao nhiêu cho người dân thì tốt bất nhiêu” - Luật sư Trương Anh Tú cho biết./.
Tác giả: Trọng Phú
Nguồn tin: Báo VOV