Sau hai tuần mưa lũ lịch sử quét qua, nhiều làng quê Bình Định vẫn còn chịu cảnh cô lập do nhà dân, đường làng bị xóa sổ biến thành sông sâu.
Lũ lịch sử xóa sổ nhiều nhà dân, biến đường làng thành sông sâu ở thôn An Xuyên 3 (xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ). Ảnh: Minh Hoàng. |
Nhà biệt tăm sau lũ dữ
Dù cơn lũ lịch sử đã lùi xa nhưng vợ chồng bà Trần Thị Tứ (67 tuổi, ngụ thôn An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) vẫn còn chịu cảnh sống tạm bợ tá túc nhà bà con lối xóm.
Chỉ tay về phía cuồn cuộn nước xiết xuyên ngang làng chài trước mặt, bà Tứ bảo: “Giữa nhánh sông đục ngầu ấy từng là nhà của tôi”. Chưa nguôi ám ảnh, bà thuật lại chiều muộn 16/12, lũ dâng cao bất ngờ ập về tràn vào nhà dân. Vơ vội vài bộ quần áo, dân làng An Xuyên 3 cuống cuồng ôm con nhỏ rời nhà dắt gia súc sơ tán khẩn cấp đến vùng cao tránh lũ.
“Sống ở làng chài hàng chục năm qua, chưa bao giờ tôi chứng kiến lũ dội về khủng khiếp như vậy. Nước rút, bà con tránh lũ trở về ai cũng sốc nặng vì nhà cửa biến mất thành nhánh sông sâu. 11 ngôi nhà đổ nát, cây cối gãy ngã tạo cảnh tượng hoang tàn nơi xóm nhỏ chẳng khác nào trận sóng thần vừa quét qua”, bà Tứ kể.
Suốt hai tuần qua, hơn 45 hộ dân xóm Xuyên Cỏ, thôn An Xuyên 3 (xã Mỹ Chánh) vẫn còn bị chia cắt, cô lập. Đường làng độc đạo dẫn vào xóm bị lũ dữ tàn phá hơn 40 m, khoét sâu 6 m mở thành nhánh đưa nước từ sông La Tinh xuyên ngang làng chài. Hàng ngày người dân, học sinh nơi đây đi lại làm ăn, đến trường học tập đều phải “lụy đò” vượt sông chảy xiết, nguy hiểm.
Bà Trần Thị Tứ (67 tuổi, ngụ thôn An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh) thẫn thờ ngồi bên bến sông – nơi từng là ngôi nhà đã bị lũ lịch sử xóa sổ. Ảnh: Minh Hoàng. |
Trong khi chờ địa phương cấp đất tái định cư chuyển đến nơi ở mới, những ngày qua anh Nguyễn Thanh Tuấn (ngụ thôn An Xuyên 3) kêu gọi thanh niên làng chài bơm cát từ “nhánh sông mới” gia cố phần móng nhà còn lại.
“Lũ giật sập mất 2/3 ngôi nhà chìm hết xuống sông, ao đìa nuôi tôm bị nước xiết gây xói lở nặng. Do các con còn nhỏ, người thân lại ở xa nên tôi nhờ người bơm cát từ nhánh sông mới hình thành sau lũ giữ nền móng phần nhà còn lại để ở tạm qua ngày mưa gió”, anh Tuấn thổ lộ.
Người dân bơm cát từ sông La Tinh gia cố nền móng phòng tránh phần nhà còn lại tiếp tục đổ sập. Ảnh: Minh Hoàng. |
Nương nhờ nhà thờ sau lũ lịch sử
Lũ dữ càn qua khiến hàng trăm hộ dân Bình Định bỗng dưng mất nhà cửa phải ở lều bạt, tá túc nhà người thân, bà con lối xóm, thậm chí nương nhờ nhà thờ.
Đồng cảnh ngộ với bà Tứ, sau khi tránh lũ trở về, bà Nguyễn Thị Nở cùng con trai Nguyễn Văn Đạt (17 tuổi, ngụ xã Phước Hòa, huyện Tư Phước) sững sờ ngã quỵ vì sông “nuốt chửng” ngôi nhà.
Lũ gây lở hơn 50 m đê, tạo nhánh sông sâu chảy xiết qua thôn Hữu Thành (xã Phước Hòa) cuốn trôi, gây sập ba nhà dân. Hoàn cảnh côi cút lâm cảnh trắng tay, hai mẹ con bà Nở đành đến nhà thờ Bình Lâm xin ở nhờ qua ngày mưa gió.
Bà Võ Hồng Thắm, Phó chủ tịch UBND xã Phước Hòa, cho hay tuyến đê bị lở không chỉ gây sập ba nhà dân mà còn cuốn trôi gia súc, gây chia cắt hơn 1.000 hộ dân ở thôn Hữu Thành và Bình Lâm.
Hàng ngày người dân nơi đây đi chợ Gò Bồi phải đi đường vòng xa hơn 2 km.
Theo nhiều người dân vùng lũ ở Bình Định, giờ đây nhà cửa không, tiền bạc không, việc làm cũng không, họ không biết bao giờ mới có thể trở lại cuộc sống bình thường như xưa.
Hai mẹ con bà Nở đứng một góc nền ngôi nhà đã bị lũ dữ biến thành nhánh sông sâu. Ảnh: Minh Hoàng. |
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, trăn trở phải mất 5-10 năm mới khôi phục xong hậu quả các đợt lũ vừa qua.
Ông Dũng cho rằng bao nhiêu năm chắt chiu dành dụm, chỉ vài trận lũ là trôi sông, trôi bể hết. Tỉnh nghèo, điều kiện khó khăn, con đường tái thiết càng lắm gian nan.Trước mắt, tỉnh tập trung ưu tiên cho an sinh xã hội, sau đó khắc phục cơ sở hạ tầng giao thông, kênh mương thủy lợi để người dân kịp gieo trồng vụ Đông Xuân; sửa chữa trường lớp học đảm bảo điều kiện cho con em học tập….
Theo thống kê của tỉnh Bình Định, chưa đầy hai tháng, năm đợt lũ ập đến địa phương khiến 39 người chết, 10 người bị thương, thiệt hại tài sản lên đến 2.000 tỷ đồng.