Giáo dục - Đào tạo

Lớp ghép của học sinh dân tộc Chứt

Câu chuyện về những học sinh dân tộc Chứt ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Hương Khê (Hà Tĩnh) không chỉ gợi mở một hướng đi, một cách làm sáng tạo trong giáo dục mà còn gợi lên niềm cảm phục về những tấm lòng cao cả, tràn đầy tính nhân văn của những thầy cô nơi đây.

Chủ nhiệm lớp ghép


Tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Hương Khê, hình thức lớp ghép xuất hiện khi UBND huyện Hương Khê giao thêm nhiệm vụ cho nhà trường tiếp nhận học sinh đồng bào dân tộc Chứt từ bản Rào Tre và học sinh đồng bào các dân tộc khác như Cọi, Mường, Lào, Mán, Mông, Sách, Tày trên địa bàn huyện.


Cô Phạm Thị Thành, giáo viên của trường trao đổi với chúng tôi: Lúc cô Nguyễn Thị Vân – Hiệu trưởng gọi lên nhận lớp, tiếp xúc với các em, tôi đã thấy ngao ngán. Một lớp học lôi thôi, phức tạp. Em thì to đùng, em thì nhỏ xíu. Đen nhẻm. Lại chạy nhí nhố trong lớp. Cô nói tiếng Kinh, học sinh nói tiếng dân tộc… Thế là công việc đầu tiên phải học tiếng dân tộc. Cô Thành đã học tiếng dân tộc từ học sinh. Học lúc ra chơi, học sau khi tan học, cô xuống phòng ở giúp các em dọn dẹp để việc học tiếng đến một cách tự nhiên. Bắt đầu là những từ, những câu giao tiếp đơn giản. Ngày nào cũng cố gắng học được vài câu. “Siêng nhặt chặt bị”, chín năm vốn tiếng dân tộc Chứt của cô Thành giờ đây cũng đủ để lắng nghe và thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của học trò.


Cái khó của lớp ghép là đối tượng khác nhau, lứa tuổi khác nhau, sinh ra tâm lý nhận thức khác nhau. Vì vậy phải có cách tổ chức đặc thù. Theo kinh nghiệm của cô Thành, thứ nhất là dùng học sinh lớp trên bày vẽ cho học sinh lớp dưới bằng cách kèm cặp. Cô Thành đã phải phân công cụ thể trong lớp em nào kèm cặp em nào. Thứ hai là trong lớp tìm được người đứng đầu. Điều này, đối với học sinh dân tộc Chứt rất quan trọng. Người đứng đầu có vai trò như già làng, trưởng bản. Có những điều cô khuyên bảo không nghe, nhưng người đứng đầu lớp nói lại răm rắp… Do nắm được đặc điểm tâm lý này, mà cô Thành đã bồi dưỡng được những học sinh đứng đầu nhóm, đầu lớp. Tiếp đến cô tư vấn, huấn luyện, chuyển tải kế hoạch của mình, gợi ý cách làm để “nhóm trưởng” triển khai đến từng học sinh trong lớp.


Cô Thành cũng cho biết, cô từng được phân công làm chủ nhiệm lớp 4. Lớp có 18 học sinh trong đó có 10 học sinh dân tộc Chứt, 3 học sinh dân tộc Lào, 3 học sinh dân tộc Sách, 1 học sinh dân tộc Tày, 1 học sinh dân tộc Cọi. “Phức tạp của lớp là sự đa sắc tộc nên cần phải phát huy được tinh thần đoàn kết, giá trị tinh hoa văn hóa của từng dân tộc”. Và cái khó nhất là giúp các em tìm hiểu bạn bè ở dân tộc khác, biết phong tục tập quán của nhau để chia sẻ. Vì vậy cô Thành đã tổ chức nhiều cuộc giao lưu để các em tự giới thiệu về dân tộc mình. Từ đó thông cảm yêu mến hòa nhập, thân thiện với nhau hơn.


Bằng sự tận tâm và kinh nghiệm của mình, cô Thành đã thành công trong việc giúp đỡ học sinh dân tộc Chứt và các học sinh dân tộc khác trong lớp ghép của mình hòa nhập và tiến bộ nhanh chóng. Có học sinh của cô đã “giật” giải trong kỳ thi học sinh giỏi của huyện nên cũng khích lệ hơn tinh thần học tập của những học sinh khác.


Phát huy bản sắc dân tộc


Học sinh dân tộc Chứt lạc hạu, lối sống hoang dã còn lưu lại nhiều trong sinh hoạt. Nếu ở bản Rào Tre các em sống trong không gian hoang dã núi rừng thì về trường phổ thông dân tộc nội trú các em sống trong không gian văn hóa, giao tiếp văn hóa. Ở bản Rào Tre, các em giao tiếp với bố, mẹ. Ở trường, hàng loạt quan hệ mới nảy sinh: Quan hệ với thầy cô giáo, công nhân viên nhà trường, bạn bè cùng và khác lớp…

Giờ tự học của học sinh dân tộc Chứt

Các em học sinh dân tộc Chứt buổi đầu đến trường thích chạy nhảy, leo trèo, bốc đất, ném đá, đánh lộn nhau. Thỉnh thoảng, các em leo lên hái trái bàng ăn, hoặc nhai giấy, bút chì như nhai kẹo. Vào lớp học thì chạy nhảy, không ngồi yên một chỗ. Trong giờ học nói chuyện bằng tiếng dân tộc. Về khu nội trú thì không ngủ trưa, đùa nghịch, rượt đuổi nhau. Đến nhà ăn, ngồi dưới đất, ăn bốc bằng tay.


Làm thế nào để giúp các em hòa nhập? Cô Thành đã bàn với cô Vân – Hiệu trưởng, cô Hoa kế toán chuyển đổi một số thức ăn mà học sinh dân tộc Chứt thích ăn như ngô nướng, khoai nướng, hoa quả tươi… Tuần nào các em cũng được ăn những thức ăn hợp khẩu vị. Từ đó, dần dần việc ăn trái bàng, nhai bút chì, nhai giấy mất dần. Còn sinh hoạt tập thể, cô Thành đã phối hợp với giáo viên, công nhân viên trực hàng ngày, hướng dẫn các em vệ sinh, lau chùi nhà cửa, dọn phòng ngăn nắp.


Cùng đó, nhà trường ngoài việc xây dựng phòng truyền thống, sưu tập những dụng cụ lao động (nỏ, dao, rựa, gủi, ống nước…), nhạc cụ (đàn môi, sáo, khèn…), trang phục (váy, áo vòng, chỉ màu, khăn) của đồng bào dân tộc, còn chủ trương cho giáo viên chủ nhiệm khuyến khích học sinh giữ gìn bản sắc dân tộc mình. Ở lớp học sinh dân tộc Chứt mặc trang phục dân tộc mình. Vào các ngày lễ như lễ lấp lỗ, lễ lấy mật ong, lễ cúng đầu nguồn, đầu rừng hàng năm, trường tổ chức cho học sinh về bản và giáo viên chủ nhiệm cũng tham gia với bà con dân tộc Chứt những ngày lễ quan trọng này. Chưa hết, hàng năm vào dịp Tết nhà trường tổ chức đốt lửa trại tại trường. Học sinh đồng bào dân tộc được nhảy múa, hát ca trình bày những tiết mục đặc sắc của mình…


Duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng học tập


“Chủ nhiệm lớp học sinh đồng bào dân tộc Chứt cái gì cũng khó. Khó nhất là duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng đào tạo” – Cô Thành trao đổi.

Mặc dù đã nỗ lực trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, loại bỏ những tập tục cổ hủ song vẫn còn rất nhiều tập tục lạc hậu khác của học sinh dân tộc Chứt đòi hỏi giáo viên phải kiên trì và có cách thuyết phục riêng.

Học sinh dân tộc Chứt sống hoang dã, đầy cá tính. Thích thì ở lại học, không thích là bỏ về bản. Mỗi học sinh dân tộc Chứt bỏ học có những lý do khác nhau. Có học sinh nói: Học cái chữ nó ê cả trốc. Về đi rú, lấy cái củ mài và măng ná thích hơn. Em Hồ S lại nói: Không được ăn cái trấy, cái tăng chua chát nên thèm. Phải ăn trái bàng thì bị cấm leo trèo. Nên về bản rồi lên núi Cà Đay tự do hơn. Trong khi đó, đối với những em học sinh mới vào lớp một lại nhớ cha mẹ, nhớ nhà nên suốt ngày khóc đòi về, không chịu vào lớp, chạy ra sân ngóng về phía núi làm cho giáo viên vô cùng khó khăn trong công tác quản lý. Trai gái dân tộc Chứt yêu nhau sớm và thường tảo hôn. Đến trường được ba tháng, có em bỏ học thường xuyên. Có hôm, khu nội trú xôn xao vì bỗng dưng hai học sinh nữ bỏ khỏi phòng nội trú. Ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm lo sợ đi tìm cả đêm.


Các cô giáo tại trường cũng cho biết, phải rất công phu trong công tác vận động, thuyết phục thì các em bỏ học mới trở lại lớp. Không chỉ làm công tác tư tưởng với học sinh mà giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu đã nhiều lần phải đến tận bản Rào Tre để vận động phụ huynh cho con trở lại trường. Trong những lần đi như vậy, trường phải đưa xe đến tận nơi đón các em, các cô phải vượt gần 50 km, qua dốc, qua khe, đường đất đỏ ba dan. Mùa nắng, gió Lào thổi bụi bay mù trời. Mùa mưa, đường nhão nhoét. Chỉ cần vô ý là rơi xuống vực. Ấy vậy mà bất chấp mưa hay nắng, cứ học sinh bỏ học về bản là giáo viên chủ nhiệm phải tức khắc đến bản vận động.


Cô Nguyễn Thị Thanh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cứ làm nề nếp, nhất là nề nếp tự học của học sinh rồi chất lượng sẽ lên”. Phải chăng vì thế, đến nay qua khảo sát chất lượng của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh thì chất lượng giáo dục đối với những học sinh dân tộc Chứt tại trường đạt kết quả tương đối tốt. Và để có được kết quả đáng mừng này, không thể không nhắc tới và trân trọng sự tận tâm, hết mình với giáo dục, với con người của những cô giáo Trường PTDT Nội trú Hương Khê.


Lê Văn

GDTĐ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP