Khi Thái Anh Văn nhậm chức tổng thống Đài Loan, chính quyền của bà đã đưa ra chính sách Tân hướng nam với mong muốn tăng cường hợp tác trao đổi giữa Đài Loan và 18 nước (gồm 10 nước ASEAN, 6 nước Nam Á, Australia và New Zealand), nhằm cải thiện tình trạng quá phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc.
Một phần thuộc chính sách Tân hướng nam chính là chương trình visa Quan Hồng, đặt ra nhằm thúc đẩy lượng khách du lịch đến Đài Loan từ 18 nước, trong đó có Việt Nam. Theo chương trình này, công dân Việt Nam, Ấn Độ, Myanmar, Indonesia, Lào và Campuchia tham gia tour tại các công ty du lịch được chỉ định theo đoàn trên 5 người sẽ được miễn nộp Chứng minh tài chính và Chứng minh việc làm khi xin visa du lịch Đài Loan, theo Roc-taiwan.
Tới tháng 5/2017, tổng số lao động nước ngoài hợp pháp tại Đài Loan là 647.915, riêng Ấn Độ 252.406, Việt Nam 193.436, Philippines 142.406, và Thái Lan 59.666. Nghĩa là hai quốc gia chuyên cung cấp lao động nước ngoài cho Đài Loan lại là các nước được đơn giản hóa thủ tục xin visa du lịch. Lợi dụng điều này, các tổ chức có thể dễ dàng đưa lượng lớn lao động nhập cảnh trái phép dưới lớp vỏ bọc là khách du lịch.
Đoàn khách Việt Nam sang Đài Loan sau khi nhận phòng khách sạn trong một tiếng đã vội vàng rời đi. Ảnh: CNA. |
Một người khi tới trung tâm môi giới xuất khẩu lao động sẽ phải trải qua nhiều thủ tục, đòi hỏi sự nỗ lực trong quá trình đào tạo nghề và ngôn ngữ, đồng thời cả chút may mắn khi tham gia phỏng vấn với nhà tuyển dụng Đài Loan. Cá nhân người lao động, việc núp bóng xin visa du lịch tới Đài Loan là phương án tương đối thu hút vì tiết kiệm được thời gian làm thủ tục và công sức ôn luyện, kể cả bị bắt cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị phạt tiền và trục xuất.
Trước mắt, để quản lý việc này, Bộ luật Xuất nhập cảnh và người nhập cư của Đài Loan quy định người nào ở lại quá hạn thị thực sẽ bị phạt 2.000-10.000 tân đài tệ, theo khoản 4, điều 85.
Công ty Đài Loan còn bị nghiêm cấm sử dụng lao động nhập cảnh trái phép, theo Luật Dịch vụ việc làm, nếu bị phát hiện sẽ bị phạt 15.000-75.000 tân đài tệ. Ngoài ra, họ còn phải liên đới chịu trách nhiệm chi trả phí sinh hoạt và trục xuất lao động trái phép với người môi giới, theo điều 60 của bộ luật.
Điều 45 nghiêm cấm hành vi môi giới lao động cho người nước ngoài trái phép. Người nào vi phạm sẽ bị phạt 10.000-50.000 tân đài tệ, nếu tái phạm trong vòng 5 năm sẽ bị phạt tối đa 60.000 tân đài tệ đi kèm hình phạt tù tối đa một năm, theo điều 64 Bộ luật Xuất nhập cảnh.
Tác giả: Quốc Đạt
Nguồn tin: Báo VnExpress