Pháp luật

Lộ diện 2 nghi phạm nói tiếng Việt giúp 152 khách Việt 'mất tích' tại Đài Loan

Một người đàn ông gốc Việt có thẻ thường trú hợp pháp tại Đài Loan vừa bị bắt giữ vì nghi ngờ dính líu tới việc 152 du khách Việt “mất tích”. Cảnh sát cũng điều tra một phụ nữ nói tiếng Việt trong clip ghi được.

Các du khách "mất tích" được cảnh sát Đài Loan tìm thấy
ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Theo hãng tin CNA (Đài Loan), một người đàn ông gốc Việt họ Trịnh (30 tuổi) đang sống tại khu vực Tân Bắc đã bị cảnh sát Đài Loan điều tra về việc lái xe chở các du khách Việt rời khỏi khách sạn, đồng thời người này cũng bị nghi vấn đã bao che, giấu các du khách Việt.

Ngày 28.12, người này bị bắt giam với lý do vi phạm Luật di dân và Luật xuất nhập cảnh Đài Loan. Cục Di dân Đài Loan đã xác nhận thông tin trên và cho biết đang thu thập những bằng chứng vi phạm pháp luật của người này.

Người đàn ông này đã khai nhận bước đầu với cảnh sát về việc sắp xếp giúp đỡ các thành viên của đoàn du khách Việt “bỏ trốn” và đổi lại, anh ta được trả tiền để làm việc này. Tuy nhiên, anh này phủ nhận mình là thành viên của một tổ chức vượt biên trái phép.

Điều tra một phụ nữ nói tiếng Việt

Ngoài ra, cảnh sát Đài Loan cũng đang ráo riết điều tra một người phụ nữ nói tiếng Việt trong clip do nữ phiên dịch ghi hình lại. Đoạn clip được quay ngay trước cổng khách sạn, nữ phiên dịch đang ra sức khuyên các thành viên trong đoàn khách không nên “bỏ đi”, đồng thời lớn tiếng chất vấn người phụ nữ lạ mặt kia khi bất ngờ đến đón các du khách Việt rời khách sạn.

Người phụ nữ lạ mặt này liên tục đề nghị cô phiên dịch không nên ghi hình, đồng thời thanh minh rằng mình chỉ đến đón hộ người lên Đài Bắc có việc.

Đến nay đã tìm thấy được 20 du khách Việt Nam "mất tích". Nếu tính luôn 3 du khách được xác định đã rời khỏi Đài Loan trước ngày 25.12 và 1 người vào nhà ga xe lửa ở Đài Loan thì số du khách Việt Nam bị “mất tích” hiện là 128 người.

Có người trong số 20 người được tìm thấy thừa nhận lý do “mất tích” là để tìm cách ở lại kiếm việc làm. Một số khác khai nguyên nhân tách đoàn là do thấy du khách khác... bỏ đi.

Một trong số 20 du khách Việt Nam

Một trong số 20 du khách Việt Nam "mất tích" được tìm thấy
ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Sau vụ 152 du khách Việt Nam "mất tích" vừa qua, chính quyền Đài Loan đang xem xét các biện pháp kiểm soát cứng rắn hơn, bao gồm kiểm tra vé khứ hồi và đặt phòng khách sạn. Cảnh sát Đài Loan sẽ sử dụng một hệ thống thông báo nhanh nhạy hơn, đề phòng khi sự cố xảy ra, để hỗ trợ Cục Di dân và cảnh sát can thiệp nhanh hơn.

Nghi vấn về sự tham gia của tổ chức bất hợp pháp

Cảnh sát Đài Loan không loại trừ việc các du khách Việt “biến mất” tập thể này là do một tổ chức môi giới việc làm bất hợp pháp giúp đỡ.

Chủ tịch Hiệp hội Dịch vụ Tuyển dụng thành phố Đào Viên - ông Hoàng Cảo Kiệt cho biết, lao động hoặc du khách Việt Nam bỏ trốn thường liên lạc từ trước với các cô dâu Việt hoặc người quen, bạn bè tại Đài Loan, nhờ họ giúp đỡ phiên dịch hoặc giới thiệu việc làm. Nhiều người cũng chấp nhận trả cho môi giới số phí không nhỏ để được giới thiệu việc làm.

Đài Loan là điểm đến được yêu chuộng của khách du lịch Việt Nam
T.T

“Chỉ được chứ không mất” là tâm lý chung

PV Thanh Niên trao đổi với một số lao động Việt tại Đài Loan thì được biết, do nhu cầu công việc lao động chân tay tại Đài Loan khá nhiều, dù vất vả nhưng thu nhập vẫn cao hơn so với trong nước nên những lao động bỏ trốn hoặc những người cư trú bất hợp pháp vẫn sống chui lủi để tiếp tục làm việc tại Đài Loan. Có người tiết kiệm được tiền để gởi về nhà trả nợ, nuôi gia đình. Có người chăm chỉ và may mắn còn tích lũy được một số vốn kha khá để sử dụng sau này.

Nếu không may bị cảnh sát bắt được, những lao động bất hợp pháp này chỉ bị phạt tiền và bị trục xuất về nước, chứ không bị xử lý hình sự. Vì vậy, “chỉ được chứ không mất” cũng là tâm lý chung của những người tìm cách “mất tích” tại Đài Loan.

Tuy nhiên, những người lao động bất hợp pháp cũng phải đối mặt với không ít rủi ro như không có bảo hiểm y tế, khi ốm đau khó có thể đến bệnh viện khám hoặc chữa trị. Tiền kiếm được không thể gửi ngân hàng, phải nhờ người quen cầm hộ hoặc gửi về nước hộ. Từ đó cũng sinh ra không ít tiêu cực như bị người quen lừa tiền mà người lao động bất hợp pháp không có cách nào đòi được hoặc không thể nhờ luật pháp bảo vệ được.

Hơn nữa, người lao động bất hợp pháp cũng dễ bị quỵt tiền công, bị ăn chặn, bị ép làm việc nặng không đúng theo thỏa thuận nếu gặp phải những kẻ môi giới chỉ chạy theo đồng tiền. Tệ hại hơn, những lao động nữ dễ bị lừa bán vào các nhà thổ do không biết tiếng.

Tác giả: Lucy Nguyễn

Nguồn tin: Báo Thanh niên

  Từ khóa: Đài Loan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP