Không khó để tiếp cận lao động Hà Tĩnh tại Singapore nhưng không dễ để người ngoài có thể trực tiếp được vào các cơ sở sản xuất, chứng kiến công việc của người lao động.
Đơn giản vì ở Singapore làm ra làm chơi ra chơi. Trong giờ làm việc, công nhân không được để bất cứ điều gì khác chi phối. Và đấy thực sự là một thách thức cho cá nhân tôi khi muốn tiếp cận đối tượng để ghi hình, chụp ảnh, phỏng vấn.
Khu công nghiệp Kangzu – một trong những khu công nghiệp sử dụng lao động nước ngoài. |
Phải mất rất nhiều thời gian đặt vấn đề thuyết phục, thì ông Chew Lam, một chủ xưởng sửa chữa ô tô ở Khu công nghiệp Kangzu, mới đồng ý để tôi được vào xưởng gặp gỡ người lao động. Cũng phải nói thêm rằng, anh Nguyễn Văn Khởi (người tôi cần gặp) quê ở xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, là một trong số lao động ngoài nước mà ông Chew dành nhiều ưu ái.
Đây đã là năm thứ hai Khởi làm việc tại Singapore. Với nghề sửa chữa ô tô, thu nhập của Khởi tính theo tiền Việt lên đến gần 30 triệu đồng 1 tháng. Trừ chi phí sinh hoạt, mỗi tháng cũng có thể tích lũy từ 15 đến 20 triệu đồng.
Khởi tâm sự: “Nếu chi phí sinh hoạt ở Singapore không đắt đỏ thì có lẽ phần dư của người lao động còn nhiều hơn tuy nhiên so với công việc ở Thái Lan và Malaysia mà trước đó anh từng trải qua thì đây vẫn là mức thu nhập cao hơn hẳn”.
Anh Nguyễn Văn Khởi – xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc làm việc tại Khu công nghiệp Kangzu. |
Khác với nhiều nước, điều kiện lao động ở Singapore đặt ra hết sức chặt chẽ. Người lao động muốn được chủ doanh nghiệp ký hợp đồng làm việc bắt buộc phải có đầy đủ giấy tờ. Hơn thế nữa họ phải có chứng chỉ tay nghề, biết giao tiếp tối thiểu bằng Tiếng Anh, Tiếng Trung hoặc Tiếng Malaysia, có sức khỏe và ý thức kỷ luật lao động cao.
Doanh nghiệp ở Singapore sẽ bị phạt rất nặng nếu thuê lao động không có đủ hồ sơ thủ tục và do vậy người lao động sẽ không thể tìm được cơ hội việc làm tại Singapore nếu không đáp ứng được các điều kiện mà nhà chức trách đưa ra. Điều này giải thích vì sao ở Singapore hầu như không có tình trạng lao động chui, lao động trái phép. Và rất nhiều lao động Việt Nam nói chung, lao động Hà Tĩnh nói riêng đã không qua được sự kiểm soát khắt khe của nhà chức trách sở tại.
Anh Nguyễn Văn Hào cũng là một lao động đến từ huyện Can Lộc cho biết: “Ngay trong quá trình làm hồ sơ xuất khẩu lao động sang Singapore, doanh nghiệp tuyển dụng từ phía bạn thường xuyên gọi điện về để phỏng vấn. Điều họ muốn biết là khả năng giao tiếp (ở mức tối thiểu) bằng ngoại ngữ, khả năng hiểu biết về ngành nghề đăng ký, tình trạng sức khỏe…Làm như vậy sẽ tránh được hiện tượng “mua” bằng, xin chứng chỉ để hợp thức hóa hồ sơ”.
Cũng theo anh Hào thì các chứng chỉ đào tạo nghề từ trường THPT hoặc các trường nghề ở Việt Nam đều có thể đáp ứng, tuy nhiên yêu cầu giao tiếp bằng một trong 3 thứ tiếng là Anh, Malaysia, Trung Quốc lại quá khó đối với các lao động. Do vậy sự thuận lợi lại thường đến với những người từng có thời gian đi lao động ở Malaysia, Thái Lan hoặc Trung Quốc trước đó.
Tác giả giao lưu với một số lao động Hà Tĩnh tại Singapore. |
Theo số liệu từ các Trung tâm môi giới thì hiện trên đảo quốc Singapore có khoảng 700 lao động người Hà Tĩnh. Nhiều nhất là lao động đến từ các huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Kỳ Anh…Công việc chủ yếu là làm cơ khí, làm mộc, làm xây dựng, làm đầu bếp, phục vụ nhà hàng, khách sạn…
Mặc dù chi phí sinh hoạt đắt đỏ vào loại bậc nhất châu Á nhưng đổi lại với mức thu nhập tương đối khá nên phần lớn đều dư dật. Một số người thậm chí đã tích lũy mua được căn hộ, thuê được nhà hàng và đang từng bước trở thành ông chủ.
Anh Nguyễn Văn Hiền – quê ở xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, hiện là Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Singapore cho biết thêm: “Ngoài ý thức kỷ luật lao động cao, thì môi trường sống an toàn đã mang lại sự yên tâm cho các thành viên trong cộng đồng”.
Cũng theo anh Hiền nếu như lao động tại Thái Lan phải sống chui, ở chui trong các khu trọ tồi tàn, ở Malaysia phải chen chúc trong các khu ký túc xá chật chội thì ở Singapore nhà chức trách yêu cầu lao động phải thuê căn hộ trong các khu chung cư để ở.
Những căn hộ với các tiện nghi tối thiểu như phòng ngủ, bếp ăn, quạt điện, điều hòa, TV… được xem là điều kiện sống mơ ước của những lao động Việt Nam. Giá thuê dù tương đối cao so với người lao động nhưng lại được tính vào bảng lương mà các ông chủ phải trả nên thu nhập cũng không bị ảnh hưởng nhiều.
Cuối tuần, những người lao động Hà Tĩnh giao lưu bóng đá. |
Gần một năm nay, anh em lao động Hà Tĩnh ở Singapore đã thành lập đội bóng đá để giao lưu với người lao động từ các tỉnh bạn. Chiều thứ bảy những người đồng hương lại có dịp gặp gỡ để cùng thư giãn sau một tuần làm việc liên tục trong một môi trường mà kỷ luật lao động đặt lên trên hết.
Cũng theo thông tin từ anh Hiền thì ở Singapore tuyệt nhiên chưa hề xảy ra hiện tượng xô xát va chạm giữa các lao động và nhóm lao động chứ đừng nói tới tình trạng đâm chém, cướp của, giết người như ở Ăng-gô-la, Thái Lan…
So với các quốc gia trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Lào…thì người Hà Tĩnh làm việc ở Singapore không nhiều nhưng đổi lại phần lớn đều là lao động hợp pháp, lao động có tay nghề, nguồn thu nhập ổn định, điều kiện sinh hoạt ăn ở khá tươm tất.
Những quy định khắt khe mà nhà chức trách sở tại đặt ra cộng thêm ý thức tuân thủ pháp luật rất cao từ các ông chủ sử dụng lao động chính là điều kiện để sàng lọc chất lượng của chính người lao động.
Trần Long