Dù đã nhường đất cho dự án, nhiều người dân quay lại sinh sống khi dự án nằm im 10 năm nay |
Hàng loạt lo ngại
Từ đầu năm 2018 đến nay, liên quan đến việc xin dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh có hàng loạt thông báo, báo cáo, kết luận kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban kinh tế Quốc hội, Bộ KH&ĐT. Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, từ trước đến nay trên địa bàn Hà Tĩnh chưa bao giờ có một dự án nhận được cái “lắc đầu” từ lãnh đạo cho tới người dân như dự án mỏ sắt Thạch Khê.
Tại nhiều cuộc trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng luôn gay gắt về công nghệ, kỹ thuật khai thác của mỏ sắt Thạch Khê hiện tại. Theo ông Thắng, đặc thù mỏ sắt Thạch Khê nằm ở vị trí sát biển (mỏ cách khoảng 1,5 km), cách thành phố Hà Tĩnh gần 6km, bờ mỏ chủ yếu là cát biển, điều kiện địa chất thủy văn phức tạp, rủi ro cao khi khai thác mỏ xuống sâu nên đòi hỏi yêu cầu rất cao về giải pháp kỹ thuật và trình độ công nghệ.
“Trong khi đó dự án thực hiện bằng công nghệ khai thác mỏ lộ thiên. Đây là công nghệ khai thác lộ thiên truyền thống có tác động lớn đến môi trường và còn có quá nhiều quan ngại không chỉ ở tỉnh Hà Tĩnh mà còn là ý kiến của các chuyên gia đầu ngành”, ông Thắng nói.
Tại báo cáo mới nhất ngày 18/12 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về dự án mỏ sắt Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh phân tích và đưa ra nhiều lo ngại của dự án, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến những nguy cơ hiện hữu trước mắt ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống và sinh mạng của người dân 6 xã liên quan như nguy cơ tụt nước ngầm, xâm ngập mặn và sa mạc hóa.
Việc đánh giá về vấn đề tụt nước ngầm trong báo cáo đánh giá tác động môi trường rất sơ sài, không đề cập đến mức độ, phạm vi ảnh hưởng do tụt nước ngầm của các giai đoạn khai thác. Báo cáo chưa nêu được cơ sở khoa học lý giải phạm vi ảnh hưởng với bán kính là 3,5km, chưa đánh giá được mức độ thiệt hại do tụt nước ngầm gây ra đối với sản xuất, cây cối, hoa màu và sinh hoạt của người dân”, báo cáo nêu.
Ngoài ra nhiều lo ngại khác như việc đổ thải trên đất liền, cát bay, cát chảy và sạt lở bãi thải, tác động ảnh hưởng của việc xây dựng bãi thải ngoài biển, vấn đề đổ nước thải mỏ ra biển gây ô nhiễm môi trường và tác động của biến đổi khí hậu. “Trong trường hợp triển khai dự án, khi kết thúc khai thác, moong mỏ được cải tạo thành hồ chứa nước có diện tích lớn, độ sâu lớn (-500m) với dung tích chứa lên tới hàng trăm triệu m3 nước sẽ tạo áp lực lên bờ và đáy mỏ, nguy cơ xảy ra động đất kích thích là rất cao”, trích báo cáo ngày 18/12 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện dự án để lại nhiều hệ lụy, khó khăn về kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh cho các xã Thạch Khê, Thạch Hải, Thạch Đỉnh... Nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang, nguồn nước ngầm bị tụt trên diện rộng gây sa mạc hóa, nhiều gia đình rơi vào cảnh “sống dở chết dở” đi không được mà ở cũng chẳng xong...
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, dự án mỏ sắt Thạch Khê có quy mô lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, tính chất đặc biệt phức tạp về vị trí địa lý, địa chất thủy văn, cấu tạo quặng, công nghệ và xử lý môi trường, nhu cầu vốn đầu tư rất lớn…đòi hỏi phải hết sức thận trọng, không thể “phiêu lưu” khởi động lại dự án trong khi còn có quá nhiều rủi ro tiềm ẩn.
“Trên cơ sở đánh giá nghiêm túc và cân nhắc nhiều mặt cả về lợi ích trước mắt và lâu dài, xét thấy lợi ích lâu dài là cơ bản, xuyên suốt, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét cho dừng (kết thúc) dự án, đồng thời chỉ đạo giải quyết tồn đọng, hoàn trả nguyên trạng, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân”, báo cáo nêu.
Bù đắp thiệt thòi cho người dân
Theo số liệu báo cáo của Cty Cổ phần Sắt Thạch Khê, đến nay giá trị đầu tư vào dự án là gần 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, phần vốn đã đầu tư vào dự án này không hoàn toàn là mất trắng vì trong số vốn đầu tư đó một phần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bồi thường GPMB, đào tạo nghề, nộp ngân sách. Những khoản đầu tư này người dân trong vùng bị ảnh hưởng của dự án và nhà nước được hưởng lợi, có thể xem đây như là khoản bù đắp của doanh nghiệp và nhà nước cho người dân địa phương đã chịu nhiều thiệt thòi do việc dừng dự án gần 10 năm qua. Ngoài ra, phần vốn đầu tư mua sắm máy móc thiết bị doanh nghiệp vẫn có thể sử dụng cho các dự án khác hoặc thanh lý thu hồi một phần vốn đã đầu tư, giảm bớt thiệt hại.
Tác giả: MINH THÙY - PHAN HOÀI
Nguồn tin: Báo Tiền phong