Phóng sự - Ký sự

Lang thang sợi khói đốt thuyền Thạch Kim

Thuở nhỏ tôi không được gắn bó nhiều với biển. Sinh ra và lớn lên ở quê ngoại, hè, tết tôi mới có dịp về bên nội hít thở hơi nước biển mặn mòi. Cái làng chài nhỏ nhưng đông đúc ấy là xã Thạch Kim của huyện Lộc Hà, mới tách ra từ huyện Thạch Hà cũ. Dân "đi bạn" (đánh cá) của toàn xứ Hà Tĩnh thì vẫn quen gọi quê tôi một cách nôm na là Cửa Sót – nghe buồn buồn, côi cút.





Hồi 5 tuổi, được bố dắt ra bến đón thuyền “bạn” đi lộng trở về, thằng bé con móng tõe bùn non vùng chiêm trũng quê ngoại là tôi đã ngạc nhiên tròn mắt, không hiểu vì sao những con thuyền quê nội to thế, cồng kềnh thế mà vẫn nổi dập dềnh trên mặt nước.


Có lẽ đó cũng là câu hỏi nghiêm túc đầu tiên trong cuộc đời tôi. Giải thích cho trẻ con là điều không dễ, bố tôi chỉ đáp nôm na: “Thuyền phải nổi để còn ra khơi con ạ!”. Dù chẳng theo một logic nào cả, câu của bố vẫn khiến tôi hết sức yên tâm, tin như chân lý, đủ để đốt lên trong lòng cơn khát trẻ thơ về những chân trời xa lạ.


Nắng vừa le lói, trên những thuyền câu đen trũi mới trở về sau một đêm đi lộng, thế nào đám con nít chúng tôi cũng sẽ lục lọi được mấy con tôm bạc, vài ba chú cua chú ghẹ đã nướng chín hoặc được “thả nước sôi” nằm sẵn trong khoang bếp của thuyền. Thích nhất là những chú mực ống nướng đỏ au và căng phồng. Cắn một miếng, nhồm nhoàm nhai và đưa tay áo quệt ngang, vệt mực đen vắt đến tận mang tai, chúng tôi ngó nhau cười nắc nẻ. Vị ngọt còn lan trên đầu lưỡi đến tận bây giờ, ngon hơn bất cứ loại mỹ vị nào trong nhà hàng đặc sản mà tôi từng nếm trên đời.


Thật ra, những con thuyền – quê tôi gọi là nôốc – chỉ bé tin hin như vắt mũi, oằn lưng cõng một cánh buồm nâu vá víu. Thuyền xứ Cửa Sót xưa không quét sơn. Ngày biển động, nó được kéo lên bãi nằm ghếch mũi, những cánh buồm, chiếc thúng câu được xếp gọn ghẽ trên mui. Sau khi cánh đàn ông cạo sạch lớp hà, hến bám trên lưng nôốc, và dặm vá lại mạn thuyền, những người đàn bà xứ biển lại lên núi, ra bãi vơ tấp – lá thông, lá phi lao khô – chất dưới đáy thuyền và đốt. Khói bay nghi ngút dọc triền cát trải dài. Sợ con thuyền bị đốt đau, tuổi thơ tôi đã toan chực trào nước mắt. Bố tôi bảo, phải đốt thế để mảnh hà, mảnh hến còn lại cũng sẽ chết nốt, không ăn ruỗng đáy thuyền. Lớp gỗ bên ngoài cháy lém đém thành một lớp than, đáy thuyền sẽ nhẹ và không thấm nước, thuyền mới nổi và ra khơi được. Tôi nghe, không chắc là hiểu hết, chỉ vừa đủ để mơ màng theo sợi khói “hui nôốc” giong cánh buồm và con thuyền đen như nhọ của tâm hồn mình ra khơi, xa và xa hơn nữa…


Bến nôốc là một vũng nước không sâu lắm, nằm khuất sau núi Nam Giới – thuở xa xưa là ranh giới tự nhiên của hai quốc gia Đại Việt – Chiêm Thành. Từ bến vào làng có một con lạch nhỏ chảy qua giữa một vùng cửa biển bồi lắng rộng mênh mông mỗi bề hơn vài cây số, chạy sát vào dưới chân rú Bờng thuộc xã Thạch Bằng, nay cũng cùng huyện Lộc Hà.


Trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, sử thần Ngô Sĩ Liên gọi rú Bờng là núi Bằng Lĩnh. Sách “Lĩnh Nam chích quái” cũng gọi đúng bằng tên ấy. Sách đã ghi thì không sai. Mà nếu có sai, chắc chắn ông Trần Trọng Kim, một nhà sử học lừng danh thế kỷ XX sinh ra ở làng Thạch Kim quê tôi hẳn đã đính chính rồi. Tôi vẫn tin là thế, sự thật phải là như thế. Đó là nơi đức Lộc Tục từ phương Bắc xuống giết con gà trắng thành tinh, đuổi thần Xương Cuồng dũng mãnh, trừ hại cho dân, tự lập làm vua xưng hiệu Kinh Dương Vương trở thành thủy tổ của tộc người Bách Việt.


Bến thuyền Cửa Sót ngày biển động.


Nhà của nội tôi nằm ngay bên mép bãi. Buổi sáng, nước cạn rặc, trơ con ngao con ngán. Chiều xuống triều lên, sóng vỗ óc ách vào sát taluy sân nhà kè đá cao những gần ba thước. Len theo triền cát mỏng chạy bên mép nước, những người đàn bà Thạch Kim gánh cá thuê, chạy chợ vẫn sấp ngửa đi về, liêu xiêu trong cuộc mưu sinh vất vả và bất tận.


Nhà bà Chắt Chu nằm ngay bên cạnh nhà nội tôi, chung nhau một hàng rào cắm sơ sài còi cọc. Khi tôi lớn, bà Chắt Chu đã già lắm. Tóc bà bạc trắng, lưng còng, mắt mũi lem hem, váy Đồng Lầm nhuộm bằng bùn non bạc thếch. Suốt ngày, bà Chắt Chu ngồi bó gối, phe phẩy quạt mo đuổi ruồi bên cái quán nước trống hoác dựng ngay bên taluy mép nước. Gọi hàng gọi quán cho oai, nhưng chỉ có một cái mẹt bày ra vài ba bao thuốc lẻ, ấm chè xanh không hẳn đã tươi, vài thanh kẹo cu đơ, kẹo vừng, kẹo bột. Buổi sáng sang trọng và phong phú hơn, trên mẹt còn bày dĩa bánh rán mà nói thật ra thì là cơm nguội ngào đường rán sơ sài trong chiếc chảo tráng qua một lớp dầu lạc mỏng đến mức không mỏng hơn được nữa.


Thấy anh em tôi từ “trên huyện” về thăm quê, thế nào bà Chắt Chu cũng xuýt xoa, có khi khóc nữa, rồi gọi lại dúi làm quà cho mỗi đứa một viên kẹo bột tẩm gừng cay. Bà cho, đứa nào cũng mừng rỡ đút ngay vào túi. Không nỡ ăn, chúng tôi chỉ lén lén chờ bà Chắt quay đi lại thả viên kẹo vào chỗ cũ – cái lọ con sứt mép, mất nắp đậy bày sẵn trên mẹt. Gọi buôn bán cho có cái nghề, hàng chỉ bày ra dọn vào như quán tính, chứ nào có mấy ai mua. Lời lãi mỗi ngày của bà cùng lắm cũng chỉ ngang giá mấy viên kẹo bột mà bà cứ nằng nặc giúi cho, thành thử chúng tôi không nỡ.


Năm 1975, khi tấm lưng của bà Chắt Chu đã bắt đầu còng xuống thì o Nhị – Lê Thị Nhị – con gái bà mới trở về. Lúc đó, o đã 29 tuổi. Phụ nữ làng chài thường lấy chồng rất sớm, cái tuổi của o khi đó, làng đã toan gọi… gái già. O cứ ở vậy, gánh cá, gánh tấp đốt thuyền thuê, rồi làm nghề dệt thảm len ngoài Hợp tác xã Hải Đằng nuôi mẹ mà không chịu lấy chồng. Ai hỏi thì o cười, nửa thật nửa đùa, rằng “Nỏ có ai chịu lấy”.


Năm 1967, đang là một vận động viên bóng chuyền, o Nhị xung phong nhập ngũ, vào thanh niên xung phong lấp hố bom, bạt núi mở đường, làm cọc tiêu dẫn xe qua ngầm, vượt hố trong những đêm trời tối không đèn. Đi qua chiến tranh, sức khỏe và nhan sắc của o gửi hết ở chiến trường. Dệt thảm khá nhanh tay, lành nghề, nhưng tấm thảm đời o thì cứ rối nùi chẳng biết đâu mà gỡ.


Năm 1982, o thôi dệt thảm cho hợp tác xã, về nghỉ, hưởng chế độ ít ỏi của một thương binh 4/4. Bà Chắt Chu đã già yếu, o thay mẹ ra trông quán nước, bày thêm vài lon bia, chai rượu gạo, lốc nước ngọt bán cho cánh đàn ông đi “bạn” mỗi sáng về. Năm 2002, bà Chắt Chu quy tiên ở tuổi 92. Căn nhà tranh xiêu vẹo run bần bật bên mép biển mỗi lúc trời trở gió nồm, từ đó chỉ còn lại mỗi mình o với phận không chồng côi cút. Cơ hồ đời như chiếc bóng, cuộc sống đã quên mất o rồi.


Đùng một cái, cả xã Thạch Kim sôi sục. Chẳng hiểu từ đâu báo chí bỗng phát hiện ra, o Lê Thị Nhị chính là nguyên mẫu của cô thanh niên xung phong trong bài thơ “Gửi em cô Thanh niên xung phong” của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Thì đây, “Em là cô gái Thạch Kim/ Sao lại đùa bảo anh là Thạch Nhọn/ Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón…./Cái miệng em ngoa cho bạn em cười giòn/ Giọng Hà Tĩnh buồn cười đáo để”…


Cả chục tờ báo cử người đến tìm o hỏi chuyện. Cuộc đời o bỗng dưng như trẻ lại, hạnh ngộ năm xưa tưởng đào sâu chôn chặt cho riêng mình bỗng dưng lại ùa về, đầy ắp. Vào thanh niên xung phong, o Lê Thị Nhị được đưa về đơn vị C4 – P55, đóng tại Đức Thọ (Hà Tĩnh), sau đó chuyển về gần ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc.


Một tối năm 1968, đường đang tắc, xe chưa qua được, có một anh bộ đội cao ráo, đẹp trai, mũi cao như Tây nhảy từ trên xe xuống hỏi chuyện làm quen với các o thanh niên xung phong đang vừa san lấp mặt đường vừa hát. Đám nữ thanh niên xung phong vừa khúc khích cười, vừa đùn đẩy, vừa đấm lưng nhau thùm thụp. “Các em quê ở đâu?”. Bị bạn bè đẩy ra, o trả lời đại: “Em quê ở Thạch… Nhọn!”. Anh bộ đội thắc mắc: “Thạch Nhọn là đâu, tên lạ quá?”. Các cô thanh niên lại đấm lưng nhau cười. O Nhị cũng cười: “Bên cạnh Thạch Bằng thì phải là Thạch Nhọn chứ răng nữa. Là Thạch Kim đó, Kim nào mà không Nhọn?”.


Bốn tháng sau, bài thơ “Gửi em, cô thanh niên xung phong” xuất hiện trên báo làm lay động tâm hồn cả một thế hệ thanh niên trong thời đại “cả nước cho tiền tuyến”. Chưa kịp vui vì vô tình gặp gỡ và trở thành nguồn cảm hứng cho một nhà thơ, o Nhị đã gặp rắc rối. Chỉ huy đơn vị đã tìm và lần được chính o, đem ra kiểm điểm “cái tội nói… dối, dám lừa bộ đội”. Cái thời nó vậy, o không buồn, nhưng từ đó về sau chẳng bao giờ còn đem chuyện gặp nhà thơ ra kể nữa…


Rất nhiều người đã gọi điện, viết thư về động viên, chia sẻ cùng o. Tấm lòng cảm thông của bạn đọc yêu thơ đã giúp o đổi được mái nhà tranh xiêu xó thành một ngôi nhà, nhỏ thôi, nhưng tường xây, mái lợp ngói đàng hoàng. Nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng đôi lần gọi điện về, ngỏ ý mời cô gái Thạch… Nhọn ra thăm Hà Nội. O Nhị bảo mừng lắm, run lắm nhưng cứ hẹn lần lữa mà không đi được.


Mãi đến ngày 18/11/2007, o mới thực hiện được lời hẹn. Lần gặp duy nhất diễn ra tại Viện Quân y 108 Hà Nội. Chỉ mỗi mình o nhận biết được cuộc hội ngộ và khóc như mưa gió. Nhà thơ Phạm Tiến Duật đang trong cơn vật vã vì ung thư phổi. Chỉ hơn hai tuần sau, ngày 4/12/2007, nhà thơ ra đi. Biết tin, o Nhị không khóc nổi.


O đã lui cui dọn dẹp căn nhà, dành một góc lập bàn thờ cho người thiên cổ. Nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Khói hương đành riêng thắp trong lòng. O ngại tiếng thị phi. Báo chí cũng lại tìm ra một cô thanh niên xung phong khác, tên là Phạm Thị Nhị, cũng quê Thạch Kim, cũng đóng quân vùng ngã ba Đồng Lộc năm 1968 nhưng ở đơn vị khác. Cả hai o Nhị đều có những kỷ niệm hội ngộ như nhau để có thể nghĩ nàng thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật trong bài thơ nổi tiếng là chính họ. Là biết vậy thôi, chứ cả hai người đàn bà xứ bể đều lặng lẽ niềm riêng, không hề có ai lên tiếng tranh giành. Có lẽ tại anh lính – nhà thơ quá đa tình. Có lẽ thời thanh niên son trẻ ai cũng từng nông nổi. Có lẽ cũng cần một chút hạnh ngộ mơ hồ cho chiến tranh đỡ khốc liệt. Và với riêng o Nhị, lưu giữ nó, dù có là ảo tưởng, tuổi già cũng bớt đi một phần quạnh quẽ.


Tôi về thăm, o lôi một két bia Halida từ gầm giường ra, cẩn thận phủi bụi, lau sạch kêu tôi uống. Tôi ngăn lại, không cho o bật nắp. O cười: “Bây sợ tốn tiền của o à?”. Tôi và anh bạn nhà báo đi cùng cũng cười, không đáp. Lũ trai trẻ vùng Cửa Sót tha hồ đi phung phí gió của muôn phương, nhưng cứ về quê là lại quen lề cũ, chắt chiu từng cơn gió lay động tàu dừa!


Núi Nam Giới bên Đông, núi Bằng Lĩnh bên Tây, lọt thỏm một Thạch Kim của tôi ở giữa. Cả 4.000 năm lịch sử sừng sững soi xuống con lạch của vùng Cửa Sót cũng không đủ để xua đi cái hiu hắt mơ hồ của đời người.


Xưa núi Nam Giới nằm sát bên làng. Giờ bên Đông biển tiến đã nuốt mất nửa xã Thạch Kim, đẩy cái cột mốc biên cương tự nhiên ấy xa ra vài cây số. Bù lại, bãi bồi cửa biển trước nhà o bị con người lấn dần, nhà cửa xây thêm san sát. Trời động, o không đi bán, cứ bó gối ngồi trông lao qua những nóc nhà ngó ra phía bể. Cuộc sống đang đi lên. Những con nôốc Thạch Kim giờ đã được sơn phết màu sặc sỡ. Không còn cảnh vơ tấp đốt thuyền. Không còn sợi khói ngày xưa bay vu vơ nữa. Không biết o tựa cửa trông vời để tìm kiếm điều gì, chờ đợi điều gì.


Những người đàn bà xứ biển luôn mang trong mình một thiên chức là chờ đợi. Tôi biết, o Nhị sẽ còn ngồi vậy rất lâu và chờ đợi, mà cũng không chắc là mình đang chờ đợi điều gì!



N.H.L


CAND

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP