Tôi 22 tuổi ra trường và đi làm ở một công ty nhà nước rất ổn định được 5 năm thì nơi tôi làm việc bắt đầu tinh giảm nhân sự. Lúc đó sẵn chán nản trong công việc vì lương thấp nên tôi quyết định xin nghỉ việc. Tôi muốn làm một công việc nào đó có thu nhập tốt hơn để gửi tiền về cho bố mẹ trang trải cuộc sống ở quê.
Nghe bạn bè mách nước dạo gần đây các công ty chuyên môi giới việc làm vào làm giúp việc hay bảo mẫu cho các gia đình nhà giàu đều được trả lương rất cao. Đặc biệt ở lứa tuổi còn nhanh nhẹn, tháo vát như tôi thì chuyện lương tiền chục mỗi tháng không hề khó. Vậy nên qua một công ty môi giới việc làm, tôi bắt đầu nhận làm bảo mẫu cho một gia đình từ 6h sáng đến 9h sáng và 17h chiều đến 21h tối. Với những công việc đơn giản được đưa ra là nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa và chơi với một em nhỏ 6 tuổi, tôi thấy rất đơn giản nhưng lại được trả lương rất hậu hĩnh, 30 triệu/tháng. Mức lương hấp dẫn đã khiến tôi nhanh chóng bị thu hút và nộp phí môi giới là 10 triệu để bắt đầu công việc.
Tôi đóng 10 triệu để được làm bảo mẫu cho một cặp bố con. Ảnh minh họa |
Lần theo địa chỉ nhà được trung tâm đưa cho, tôi khá bất ngờ khi đây là một căn nhà khang trang, rộng rãi ở khu nhà giàu yên tĩnh. Chắc chắn gia chủ cũng là một người rất giàu nên mới đồng ý trả mức lương cao như vậy. Đón tiếp tôi là một nam chủ nhà khoảng chừng 35, 36 tuổi, đẹp trai và lịch thiệp. Sau khi hỏi han về một số thông tin cá nhân, anh tiễn tôi ra về và không quên nhắc lịch đúng 6h sáng mai đến làm việc tại nhà. Tôi vui vẻ đồng ý và thấy rằng quả thực "cơ hội làm giàu" của mình đã tới sao, sao chỉ làm mấy công việc đơn giản này mà lại được trả lương cao thế. Có chút lo sợ nhưng tôi nhanh chóng trấn an bản thân vì ông chủ có phần tốt tính, lịch sự nên chắc là người có tiền mới trả lương cao như thế.
Đúng 6h sáng ngày hôm sau, tôi có mặt nhà anh chủ để chuẩn bị bữa sáng. Theo anh chia sẻ, anh hiện làm bố đơn thân, con gái anh được 6 tuổi và còn đang say giấc. Công việc của tôi là chuẩn bị bữa sáng cho hai bố con mà nguyên liệu anh đã để sẵn. Anh dặn dò điều đặc biệt lưu ý:
- Em phải đặc biệt luôn tươi cười và dịu dàng với con gái của anh. Và lưu ý là dù con bé có nói gì thì em cũng ậm ừ và tươi cười thôi, hãy để con bé được thoải mái nói những gì nó muốn và việc của em là tiếp lời một cách nhẹ nhàng.... như một người mẹ vậy.
Sau khi cô bé bước từ trên nhà xuống, tôi bị ấn tượng bởi cô bé rất xinh xắn, ăn mặc đẹp và tết tóc gọn gàng. Câu đầu tiên mà bé chào khiến tôi dường như "chết sững".
- Oa, mẹ đi công tác về rồi. Mẹ đi lâu thế, con nhớ mẹ lắm. Hôm nay mẹ nấu gì cho con đó?
Vì con gái không chấp nhận được sự thật là mẹ đã qua đời nên bị ảnh hưởng tâm lý khá lớn. Ảnh minh họa |
Khá bất ngờ với những câu nói của con bé nhưng được sự nhắc nhở của ông chủ từ trước nên tôi cũng nhanh chóng phối hợp. Làm việc lâu dần tôi mới được ông chủ cho biết, hóa ra vợ anh mất cách đó vài tháng vì một vụ tai nạn khi đi đón con gái tan học. Đau lòng hơn là con bé đã chứng kiến toàn bộ vụ tai nạn của mẹ và bị sốc tâm lý nặng.
Bé vẫn không chịu được sự mất mát này, không tin rằng mẹ đã bỏ mình đi mãi mãi nên ông chủ chỉ đành nhất trí với bé rằng "mẹ đi công tác". Và anh thuê tôi về để đóng vai một người mẹ hiền lành, xinh đẹp và nhân hậu để con bé đỡ đau lòng. Những tưởng công việc chỉ dừng lại ở mức đơn giản và tiếc tiền môi giới đã đóng nên tôi cũng tạm chấp nhận được, nhưng không mọi thứ càng đi quá giới hạn khiến tôi đã có quyết định xin nghỉ việc dù anh đưa ra mức lương hậu hĩnh là 50 triệu/tháng.
Theo đó, thay vì những công việc đơn giản như nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, vui chơi với con gái anh... như một người mẹ thực thụ thì ông chủ ngày càng đưa ra những yêu cầu quá đáng dành cho tôi như đóng vai... một người vợ vậy. Ví dụ để chiều lòng con gái, anh bắt tôi phải tăng ca thêm làm việc ban ngày và cả làm việc về ban đêm, thậm chí là ở lại nhà anh, ngủ trên giường cùng với anh để con bé vui.
Tôi bị ép phải diễn cảnh thật mật để đứa trẻ vui. Ảnh minh họa |
Hay những lúc con bé kêu bố và mẹ cần có những hành động tình cảm hơn chứ, anh cũng nhanh chóng ôm lấy tôi một cách thân mật, không ngại hôn má hay thậm chí là bắt tôi mặc quần áo của người vợ quá cố của anh để cùng hai bố con anh diễn cảnh ra ngoài ăn uống như một gia đình hạnh phúc. Mọi việc đi quá giới hạn, tôi ngỏ ý xin nghỉ công việc này khiến anh khá bất ngờ bởi anh đã sẵn sàng chi trả cho tôi mức lương cao. Tuy nhiên tôi đã nói với anh:
- Em rất chia sẻ với anh về hoàn cảnh của gia đình anh. Em cũng rất thương con bé, thấu hiểu hoàn cảnh của con. Tuy nhiên một số công việc anh yêu cầu không phù hợp với khả năng của em nên em xin phép dừng lại tại đây. Bên cạnh đó em cũng xin gửi lời góp ý chân thành tới anh. Thay vì cố gắng tìm người "đóng thế" mẹ của con gái anh thì anh hãy tìm đến chuyên gia tâm lý để giúp bé dần dần trở về với thực tại, thoát khỏi cái bóng sợ hãi của mình và chấp nhận sự thật rằng mẹ đã ra đi mãi mãi. Điều đó mới thực sự tốt cho sự trưởng thành của con sau này vì anh cũng không thể giấu con mãi được, đứa bé sẽ ra sao nếu như nó biết được anh đang lừa dối nó?
Một người đàn ông tài giỏi nên chắc chắn anh sẽ hiểu được ngụ ý của tôi. Anh đồng ý để tôi ra đi và sẽ suy nghĩ kĩ về chuyện này.
Tâm sự từ độc giải [email protected]
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ nhỏ thường trải qua 5 giai đoạn tâm lý như chối bỏ sự thật, giận dữ, mặc cả, buồn rầu và cuối cùng là chấp nhận thực tế khi cha, mẹ đột ngột qua đời. Tùy vào mỗi độ tuổi mà trẻ sẽ có khả năng nhận tức về sự mất mát ở các cấp độ khác nhau.
Trẻ ở lứa tuổi mầm non chưa thể hiểu rõ bố mẹ mất là như thế nào nhưng các bé có thể cảm nhận được sự thiếu hụt, sự chia cắt. Nhiều đứa trẻ sẽ khóc, sợ hãi, thay đổi thói quen, bỏ ăn... thậm chí là thu mình, không giao tiếp với người khác. Trẻ ở lứa tuổi tiểu học có thể hiểu biết hơn nhưng trẻ sẽ không chịu chấp nhận sự thật đó mà luôn tìm cách né tránh hoặc tự lừa dối chính bản thân mình.
Tuy nhiên sự thật mãi là sự thật và không thể thay đổi được. Chính vì thế người lớn không nên e ngại chuyện nói ra sự thật cho trẻ biết khiến trẻ bị dồn nén cảm xúc khi bất ngờ biết được. Cách tốt nhất là dần dần nói cho trẻ sự thiếu hụt nếu bố mẹ qua đời và đồng hành cùng con trải qua tất cả các cung bậc cảm xúc.
Cách xoa dịu con tốt nhất là lắng nghe, thừa nhận cảm xúc và tôn trọng cảm xúc của trẻ. Hãy cho con thời gian tiếp nhận và đừng nóng lòng thúc ép con phải trở lại trạng thái bình thường.
Tác giả: PHAN NGUYỄN
Nguồn tin: phunuphapluat.nguoiduatin.vn