Tin Hà Tĩnh

Kỳ VII: Cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh vào cuộc

Sau khi Báo Thanh tra đăng tải loạt bài phản ánh về thực trạng ô nhiễm cùng hàng loạt hệ lụy xuất phát từ sự bất cập của dự án ngọt hóa và hệ thống kênh trục sông Nghèn, cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh đang bắt đầu vào cuộc.

Cơ quan chức năng đồng loạt vào cuộc

Ngày 21/10/2019 Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Hà Tĩnh đã có Văn bản số 880/CSĐT - PC01, gửi Sở NN&PTNT Hà Tĩnh với nội dung: Thời gian qua, Báo Thanh tra đăng tải nhiều bài viết về dự án cống Đò Điểm và hệ thống kênh trục sông Nghèn. Trong đó nêu nội dung dự án được đầu tư ngân sách lớn 1.277 tỷ đồng nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế lớn và ngược lại còn tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến đời sống của hàng ngàn người dân địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng về môi trường.

Để nắm bắt tình hình liên quan đến dự án, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh cung cấp các thông tin về dự án nói trên (kèm theo tài liệu liên quan) gồm: Thông tin pháp lý chung (quyết định đầu tư, tổng mức đầu tư, chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án, thời gian khởi công, thời gian hoàn thành, thời gian phê duyệt quyết toán); thông tin và hợp đồng kinh tế kèm theo giữa chủ đầu tư hoặc đại diện chủ đầu tư với các đơn vị tư vấn khảo sát, thi công, giám sát; các gói thầu trong dự án, các đợt giải ngân cho dự án (tính đến thời điểm hiện nay).

Sáng 31/10, trao đổi với PV và cộng tác viên Báo Thanh tra, Thiếu tá Nguyễn Hữu Chí, Phó Thủ trưởng CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh xác nhận thông tin, đồng thời cho biết: Vụ việc đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh điều tra nên hiện chưa thể cung cấp được gì nhiều cho cơ quan báo chí.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh gửi văn bản đề nghị Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cung cấp tài liệu hồ sơ phục vụ công tác điều tra. Ảnh: Trần Thọ

Liên quan đến nội dung trên, chiều 31/10, trả lời câu hỏi của PV Báo Thanh tra về “Dự án ngọt hóa và hệ thống kênh trục sông Nghèn”, Đại tá Võ Trọng Hải, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh nói: “Công an tỉnh đang trong quá trình điều tra, củng cố hồ sơ toàn bộ sự vụ. Nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”.

Cùng ngày, nguồn tin riêng của PV Báo Thanh tra cho biết, trong các ngày 21/10 đến 31/10, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đã giao ông Nguyễn Bá Đức, Phó Giám đốc Sở, kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cùng các phòng ban liên quan cung cấp toàn bộ hồ sơ vụ việc theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh.

Tại một diễn biến có liên quan, ngày 1/11, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có Công văn hỏa tốc số 412/GM - UBND, gửi Sở NN&;PTNT Hà Tĩnh, các cơ quan chức năng, triệu tập cuộc họp lúc 14 giờ ngày 4/11 dưới sự chủ trì của ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh gồm cá nhân đơn vị liên quan như Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PT Nông thôn, nhà thầu thi công và các đơn vị, cá nhân liên quan nghe báo cáo về dự án kênh trục sông Nghèn.

Công văn hỏa tốc triệu tập cuộc họp của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: X.T


“Phản ánh của Báo Thanh tra là khách quan”!

Đó là khẳng định của đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh trong buổi làm việc với nhóm PV Báo Thanh tra.

Ngày 11/10, Báo Thanh tra đăng tải kỳ VI của loạt bài “Cuộc đánh đổi nghiệt ngã của con người và thiên nhiên: Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí”.

Ngay sau khi Báo đăng, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đã cử lãnh đạo đại diện có liên quan, gồm: Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở; Nguyễn Bá Đức - Phó Giám đốc Sở, kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Lê Anh Ngọc - Chánh Văn phòng; Đặng Phi Hùng, -Trưởng Phòng Quản lý xây dựng công trình làm việc với đại diện Báo Thanh tra.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh (bên trái) làm việc với đại diện Báo Thanh tra. Ảnh: Nguyên Dũng

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết: Sau khi nhóm PV đăng ký các thủ tục pháp lý như đặt lịch làm việc, gửi kèm các câu hỏi phỏng vấn thì Sở đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan trực thuộc tổng hợp hồ sơ, văn bản, số liệu… để trả lời Báo Thanh tra. Nhưng vì các đơn vị cấp dưới chưa hoàn thành công tác thống kê, tập hợp nội dung theo yêu cầu nên Sở NN&PTNT Hà Tĩnh chậm sắp xếp được lịch làm việc, phải để nhóm PV chờ đợi quá lâu trong thời gian hơn 2 tháng, 12 lần lên trực tiếp tại trụ sở đăng ký làm việc nhưng Sở không bố trí được. “Đây là một sai sót cần phải khắc phục. Chúng tôi lấy đó làm bài học, sau này sẽ sắp xếp lịch làm việc với Báo Thanh tra nói riêng, các cơ quan thông tấn báo chí nói chung theo đúng thời gian quy định của pháp luật”, ông Việt nói.

Cũng theo ông Việt, có đọc và theo dõi loạt bài của Báo Thanh tra về dự án ngọt hóa và hệ thống kênh trục sông Nghèn. Những thông tin mà Báo Thanh tra phản ánh đều khách quan, đúng thực trạng, bản chất vụ việc. Báo đã giúp lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh nắm được cụ thể hơn các hạn chế, bất cập của dự án cùng những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của người dân sống hai bên sông Nghèn. Từ đó, Sở NN&PTNN sẽ có hướng tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp hữu hiện nhằm hạn chế thực trạng ô nhiễm, đảm bảo ổn định đời sống, môi trường, an sinh của hàng ngàn người dân nằm trong vùng ảnh hưởng.

Cần đánh giá đúng lợi ích của dự án để giải cứu ô nhiễm cho nhân dân

Đề cập đến những biện pháp cụ thể trong thời gian tới để “giải cứu” sự ô nhiễm nghiêm trọng của sông Nghèn, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết, dự án cống Đò Điểm và kênh trục sông Nghèn là một dự án lớn được Nhà nước đầu tư gần 1 ngàn tỷ đổng, nhằm mục đích ngăn mặn, giữ ngọt, tạo nguồn nước tưới cho 12.183 ha đất canh tác trên địa bàn 5 huyện/thị phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh.

"Phải thừa nhận là dự án có nhiều bất cập, hạn chế và ô nhiễm diễn ra trong nhiều năm qua, nhưng hiện tại dự án đang vận hành, đang mang lại lợi ích nên cần phải đưa ra các giải pháp phù hợp… Sở sẽ chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh (đơn vị quản lý, vận hành cống Đò Điểm - PV) vận hành, đóng mở cống một cách khoa học nhằm hạn chế tối thiểu tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân 2 bên sông”, ông Việt khẳng định.

Trả lời các câu hỏi của PV Báo Thanh tra về quy trình vận hành cống Đò Điểm trên sông Nghèn, ông Nguyễn Hữu Phúc, quyền Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh nói: Để đảm bảo cho hơn 200 trạm bơm lớn nhỏ dọc sông Nghèn hoạt động bình thường, tưới tiêu cho hơn 12.000 ha lúa ven sông thì trong mùa hạn (từ tháng 12 năm trước đến hết tháng 8 năm sau) phải đóng cống, giữ mực nước bình ổn từ +0,30 m đến 0,50m (so với mực nước biển).

Cũng theo ông Phúc, "vào mùa mưa tùy diễn biến mưa lũ, chúng tôi sẽ thực hiện việc đóng mở cống để thoát nước, chống lụt". “Khi mực nước ở mức +0,7 m đến +0,9 m so với mực nước biển thì một số xã dọc sông Nghèn như Tùng Lộc, Vượng Lộc… đã bị ngập nên cần phải xả cống để chống ngập”.

Tuy nhiên, theo ông Phúc thì đó là “quy trình vận hành cứng”. “Sắp tới đơn vị sẽ họp bàn với các cơ quan chức năng chuyên môn, đưa ra các giải pháp để trình cơ quan cấp trên nhằm vận hành cống Đò Điểm một cách khoa học, hợp lý nhất, vừa chống hạn, tiêu lũ và tránh được nạn ô nhiễm cho sông Nghèn”, ông Phúc nói.

Bãi rác thải nằm lộ thiên của Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt (Công Ty TNHH Thương mại & Xử lý Môi trường Can Lộc Hà Tĩnh làm chủ đầu tư), đang gây ô nhiễm nặng. Chỉ một trận mưa toàn bộ rác thải, chất bẩn sẽ bị chảy thẳng xuống sông Nghèn. Ảnh: Nguyên Dũng

Ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh (thuộc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh) cho biết, sông Nghèn có tầm quan trọng đặc biệt nhưng hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng về môi trường. Do vậy việc quy hoạch, xây dựng cống Đò Điểm và các công trình thủy lợi khác trên sông Nghèn cần phải được xem xét một cách tổng thể, nghiêm túc, rà soát, đánh giá đầy đủ tiềm năng cũng như ảnh hưởng, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, đời sống người dân, khả năng điều tiết nguồn nước; hạn chế thấp nhất các yếu tố tác động tiêu cực đến môi trường.

Không thể phủ nhận những lợi ích từ việc ngọt hóa của dự án cống Đò Điểm và kênh trục sông Nghèn đã từng mang lại. Tuy nhiên, những bất cập, hạn chế trong công tác tính toán, đánh giá tác động môi trường bởi tư duy thiếu tầm tại dự án đã dẫn đến hậu quả lợi ít hại nhiều. Sông Nghèn hiện đang bị chính dự án này “bức tử” bởi ao tù nước đọng, hệ sinh thái bị hủy diệt, nguồn lợi thủy sản - giá trị cao hơn rất nhiều so với cây lúa đã tan biến.

Ông Ngô Đức Hợi, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: Cần phải đánh giá kết quả và những tồn tại bất cập trong việc sử dụng, quy trình vận hành cống Đò Điểm cùng các công trình khác trên sông Nghèn, ví dụ, cống Trung Lương, cống Đức Xá, cống Đông Huề, cống Hói Trẻn, cống Cầu Già, cống Cầu Trù….Từ đó điều tiết nước phục vụ cho các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, chăn nuôi, sinh hoạt của người dân một cách hiệu quả nhất, tránh thất thoát, lãng phí nguồn nước và gây ô nhiễm môi trường.

Một khúc sông Nghèn (đoạn qua thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) bị bèo tây quấn chặt, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Nguyên Dũng

Trao đổi với PV Báo Thanh tra xung quanh chủ đề “giải cứu” con sông Nghèn, một lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh (xin giấu tên - PV), thẳng thắn nhìn nhận: “Sứ mệnh” ngăn mặn, giữ ngọt, cung cấp nước tưới cho hơn 12.000 đất nông nghiệp trên địa bàn 5 huyện/thị phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh (chủ yếu là cây lúa) của cống Đò Điểm trên sông Nghèn đến nay đã cơ bản hoàn thành. Bây giờ vấn đề an ninh lương thực không còn cần và cấp thiết như trước. Hơn nữa hiện nay, Hà Tĩnh đã có công trình hồ thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang với dung tích chứa 775 triệu m3 nước - là hồ lớn thứ 3 cả nước, có thể cung cấp nước cho sản xuất công nghiệp và tưới tiêu cho hàng chục ngàn ha đất nông nghiệp của nhiều huyện, thị xã phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh. Nếu như được đầu tư phù hợp và tính toán một cách khoa học thì công trình này sẽ thay thế chức năng, nhiệm vụ của cống Đò Điểm trên sông Nghèn. Và lúc này không nhất thiết phải duy trì công trình cống Đò Điểm nữa. Nên trả lại cho sông Nghèn một môi trường tự nhiên sớm!

Tác giả: Xuân Thành - Nguyên Dũng - Trần Thọ

Nguồn tin: Báo Thanh tra

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP