Những năm 1967 – 1968, giặc Mỹ dùng máy bay bắn phá Khu Bốn ác liệt lắm. Trường cấp 3 Đức Thọ sơ tán về xã Đức Lạc quê tôi. Năm ấy tôi cũng bước vào lớp 8 của trường. Gọi là trường nhưng mỗi lớp là một chiếc lán lợp lá cọ úp lên một chiếc hầm rộng, xung quanh đắp lũy đất dày và cao chạm mái tranh. Trong cái hầm lờ nhờ ánh sáng ấy, bọn học sinh lúc nào cũng say sưa, vui nhộn. Tiếng hát rộn ràng lúc nào cũng vút lên mặc cho máy bay giặc gầm rú trên trời.
Lớp 8C của chúng tôi do thầy Lê Quốc Anh chủ nhiệm. Quê thầy ở Hà Nội. Thầy to cao, đẹp trai và còn rất trẻ, lại hát hay. Sinh ra và lớn lên trên đất Tràng An nên từ ăn mặc cho đến cử chỉ, nói năng của thầy lúc nào cũng toát lên vẻ thanh lịch, thư sinh. Thầy rất nghiêm khắc với học sinh chúng tôi. Thấy đứa nào tóc tai bù xù thầy bắt phải đi cắt ngay. Đứa nào mặc áo, mặc quần có miếng rách thầy nhắc về nhờ mẹ vá lại cho lành lặn…
Gần hết một học kỳ, thấy học sinh có ý né tránh mình, thầy tranh thủ những lúc rảnh rỗi để tiếp xúc, gần gũi với học sinh, tìm hiểu tâm tư và hoàn cảnh gia đình của mỗi đứa. Từ đó, thầy dạy cho chúng tôi nhiều bài hát mới và nhiều tiết mục văn nghệ hấp dẫn. Thầy bảo: “Chúng ta hãy hát thật nhiều, hát thật hay cho át tiếng bom đạn của quân thù”.
Hôm ấy, một ngày nắng đẹp. Đội văn nghệ Trường cấp 3 Đức Thọ do thầy Quốc Anh dẫn đầu đến thăm bộ đội pháo cao xạ bảo vệ phà Linh cảm trên quốc lộ 8. Đội mang theo hoa tươi và rất nhiều chanh quả để tặng bộ đội. Thầy cùng chúng tôi đến từng mâm pháo hát, ngâm thơ tặng bộ đội. Cả trận địa pháo vui như vừa bắn rơi máy bay địch. Các anh bộ đội ôm lấy chúng tôi, xoa đầu chúng tôi thật là cảm động. Đúng lúc thầy Quốc Anh đang ngâm bài thơ: “Mây” do thầy sáng tác thì từng bầy quạ sắt đen ngòm của Mỹ lao tới bắn rốc két và ném bom trận địa pháo. Khi câu thơ: “Xa miền Bắc nhớ mây miền Bắc” của thầy vừa cất lên thì một quả bom đã nổ gần đó. Tất cả chúng tôi nằm rạp xuống sau lũy đất ụ pháo. Một mảnh bom sắc nhọn bay trúng ngực thầy. Thầy lấy bàn tay trắng hồng với những ngón tay thon dài của mình bịt lấy vết thương. Máu túa ra ướt đẫm bàn tay và ngược áo của thầy. Chúng tôi xúm lại đỡ thầy ngồi dậy. Thầy nhìn chúng tôi mỉm cười và không quên nhắc chúng tôi tiếp tục hát tặng các anh bộ đội. Thầy ra đi mãi mãi trong buổi chiều hôm ấy! Học sinh trường tôi đứa nào cũng khóc đỏ hoe cả mắt vì thương tiếc người thầy thân yêu của mình. Sau khi làm lễ truy điệu và tiễn thầy về với thủ đô Hà Nội, nhà trường tổ chức phát động đợt thi đua: Biến đau thương thành hành động, thi đua dạy giỏi, học giỏi để trả thù cho thầy giáo Quốc Anh. Khóa học năm đó, Trường cấp 3 Đức Thọ, học sinh lớp mười đậu tốt nghiệp một trăm phần trăm. Còn lớp 8C chúng tôi không có bạn nào ở lại lớp. Có dịp về quê, chúng tôi tìm đến chiếc lán thân thương một thời gắn bó thầy trò chúng tôi. Những chiếc lán ấy không còn nữa. Ở đó bây giờ là những luống đậu, luống lạc đang thì ra hoa, kết trái. Tôi đứng lặng nhìn luống đậu, nhìn những đám mây lửng lờ trôi trên trời cao vời vợi. Bất chợt, hình ảnh thầy giáo Quốc Anh lại hiện về trước mắt. Nước mắt úa ra và cay cay nơi sống mũi. Câu thơ “Xa miền Bắc nhớ mây miền Bắc” của thầy giáo lại vọng về bên tai tôi.
Phạm Văn Mão (Đà Nẵng)
NLD