Khi biết có phóng viên báo Bảo vệ pháp luật về địa phương tìm hiểu về việc này nhiều người dân tại thôn Đông Phong, xã Kỳ Thịnh đã bỏ dở buổi làm đồng để tìm gặp chúng tôi. Tại đây người dân cho biết, hàng năm việc bình chọn hộ nghèo theo tiêu chí của Nhà nước đều được người dân nắm rõ và bình chọn rất đúng đối tượng, không có sự thiên vị cho ai. Chính vì thế mà năm 2014, khi người dân được ban chấp hành thôn mời họp để lấy ý kiến và bầu chọn ra danh sách hộ nghèo thì việc lựa chọn rất đúng đối tượng. Chuyện tưởng như vậy là đã xong nhưng mới đây khi cán bộ thôn thông qua danh sách hộ nghèo đã được xã duyệt cho nhân dân được biết thì lại thay đổi quá nhiều so với danh sách lúc đầu.
Anh Nguyễn Xuân Hùng, một Đảng viên trong Chi bộ thôn Đông Phong cho biết “ Chúng tôi là người ở trong thôn nên những ai có hoàn cảnh như thế nào chúng tôi đều biết rất rõ, không có chuyện vì tình cảm mà bầu sai đối tượng. Danh sách mà xã chuyển về hoàn toàn không đúng thực tế…”.
Để nắm rõ hơn về danh sách này chúng tôi tìm gặp cán bộ phụ trách chính sách của xã dù trước đó đã được ông Lê Văn Định – Chủ tịch UBND xã thông báo vị cán bộ này… đi họp. Gặp chị Thu (cán bộ chính sách) tại phòng làm việc, sau một hồi quanh co biện lí do này nọ thì chị cũng cung cấp cho chúng tôi danh sách này. Theo đó, nếu căn cứ vào danh sách này thì thôn Đông Phong đưa lên xã là 90 hộ đúng đối tượng trong hộ nghèo, còn danh sách mới đã được xã làm mới hoàn toàn. Đặc biệt trong danh sách này có cả tên của hai người đã…chết!
Hai cụ một ông, một bà được “may mắn” có tên là cụ ông Trần Xuân Trọng , cụ bà Vương Thị Thỉ. Người dân cho biết cả hai cụ đều đã mất, ông Trần Xuân Trọng mất năm 2011, bà Vương Thị Thỉ mất năm 2013. Để minh chứng cho khẳng định này của người dân là đúng chúng tôi quay trở lại ủy ban để gặp cán bộ Tư pháp hộ tịch xin được xem sổ khai tử từ năm 2011 cho đến nay trên địa bàn có tên hai cụ nói trên không.
Tại UBND xã, tiếp chúng tôi là ông Lê Văn Đính cán bộ Tư pháp, dù lúc này mới đầu giờ làm việc buổi chiều nhưng vị cán bộ đã ngấm rượu, chính vì vậy mà ông này cũng bắt đầu làm việc với chúng tôi trong trạng thái “lâng lâng hơi men ” . Bước đi xiêu vẹo, chân nam đá chân chiêu rất khó khăn ông Đính mới tìm thấy cuốn sổ cho chúng tôi xem dù nó nằm ngay ngắn trong tủ với không nhiều các giấy tờ khác. Trong cuốn sổ này thể hiện ông Trần Xuân Trọng và bà Vương Thị Thỉ đều đã có tên trong cuốn sổ khai tử này. Khi được chúng tôi hỏi thêm về việc tại sao cán bộ lại vi phạm Quyết định 33 của Tỉnh ủy về việc nghiêm cấm cán bộ công chức uống rượu bia vào buổi trưa, vị này hồn nhiên cho biết “ ở đây cán bộ uống vài chén buổi trưa là chuyện…thường ”.
Sự vô trách nhiệm của chính quyền xã Kỳ Thịnh đã đẩy 90 hộ dân tại thôn Đông Phong cũng như các thôn khác không có cơ hội để thoát nghèo trên vùng đất vốn dĩ đã khó khăn trong việc mưu sinh, khi mà cái nghèo vẫn còn đeo bám. Chính sách hỗ trợ của nhà nước cho hộ nghèo thoáng chốc đã không còn đến với họ. Giờ đây, nhiều gia đình có nguy cơ phải cho con thôi học vì không có đủ tiền nộp học phí.