Lao Động - Việc Làm

Kỳ thị lao động Thanh-Nghệ-Tĩnh là vi phạm pháp luật

Trao đổi với PV, PGS.TS. Phùng Trung Tập, giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết: “Lao động không những là nghĩa vụ của công dân mà nó còn là quyền Hiến pháp quy định”.

Chia sẻ về việc một số doanh nghiệp kỳ thị lao động Thanh – Nghệ – Tĩnh, PGS.TS. Phùng Trung Tập cho rằng: “Những người đại diện cho doanh nghiệp hoặc ông chủ của các doanh nghiệp đó là những người không hiểu biết pháp luật Việt Nam. Hơn nữa, họ có hành vi không những vi phạm pháp luật Việt Nam mà còn xâm phạm đến quyền con người nói chung.

Trong Hiến pháp của Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Điều 58 qui định: “Lao động là quyền, nghĩa vụ và vinh dự hàng đầu của công dân. Công dân có quyền có việc làm. Người có sức lao động phải lao động theo qui định của pháp luật…” “Những tuyên bố công khai của một số doanh nghiệp là không tuyển dụng lao động là người Thanh – Nghệ – Tĩnh là vi phạm pháp luật, vi phạm Hiến pháp, vi phạm Luật lao động và vi phạm các chính sách pháp luật lao động Việt Nam. Hành vi trái pháp luật, vô nhân đạo này cần phải bị đình chỉ ngay lập tức!Theo tôi, những người không am hiểu pháp luật lao động Việt Nam thì không thể cho phép họ hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Các doanh nghiệp có sử dụng lao động bắt buộc phải hiểu sâu sắc pháp luật lao động Việt Nam và các chính sách đối với người lao động. Điều kiện này cần phải được xem là một điều kiện bắt buộc đối với các ông chủ doanh nghiệp có sử dụng lao động làm thuê”, PGS.TS. Phùng Trung Tập nhấn mạnh.Cắt nghĩa về sự kỳ thị này, PGS.TS. Phùng Trung Tập cho rằng: “Một điều rất dễ hiểu là người lao động từ Thanh – Nghệ – Tĩnh có thể thường thể hiện quan điểm của mình và yêu cầu những quyền lợi chính đáng của người lao động hoặc biết được những lợi ích của mình đang bị xâm phạm để yêu cầu chủ sử dụng lao động giải quyết kịp thời cho nên ông chủ không mấy cảm tình với họ…

Những doanh nghiệp này muốn người lao động phải tuân theo mình một cách ngoan ngoãn, không chống đối cho dù ông chủ có thể có những sai sót trong kinh doanh, trong trả lương, trong việc ký hợp đồng lao động, trong việc bảo hiểm cho người lao động…Việc các doanh nghiệp tuyên bố không tuyển lao động là người Thanh – Nghệ – Tĩnh là hoàn toàn cảm tính, không có cơ sở pháp luật và khoa học. Mặt khác, các doanh nghiệp đã có thông báo này đã “vơ đũa cả nắm”, không thể căn cứ vào một số hiện tượng cụ thể mà suy ra toàn diện. Tuyên bố như vậy đã xúc phạm số đông người lao động”. “Trong giai đoạn hiện nay thường thường mọi người chỉ quan tâm đến lợi nhuận, mà quên yếu tố con người tạo ra sản phẩm cho xã hội. Hơn nữa, các ông chủ sử dụng lao động chỉ thích được người lao động phải tuân theo vô điều kiện mệnh lệnh của mình mà ít quan tâm đến hoàn cảnh của người lao động.

Tư duy như vậy là thiếu văn hoá, thiếu tính khách quan trong việc xem xét những trường hợp phổ biến và đặc thù. Họ không hiểu rằng giữa người sử dụng lao động và người lao động đều phải cộng tác với nhau, cùng tồn tại và phát triển”, PGS. TS. Phùng Trung Tập chia sẻ thêm. Vũ Chương

Kienthuc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP