Du lịch

Ký sự: “Cổng trời” Mường Lống rạo rực đón Xuân

Có lẽ, phải rất lâu nữa tôi mới quên được cảm giác chênh vênh trên chính đôi chân của mình, nghiêng ngả giữa trập trùng mây trắng nơi “cổng trời” xứ Nghệ. Xung quanh là bạt ngàn hoa ban, hoa mận trắng bung trên những cung đường quanh co, tạo thành vệt như dải lụa, quấn quanh ngấn cổ cô gái đôi mươi đang chìm say trong giấc ngủ êm đềm...

Đang ở thành phố Hà Tĩnh xa xôi trong cái rét ngọt tháng Chạp, tôi được mấy người em làm báo rủ rê một chuyến “phượt” vùng biên viễn miền tây xứ Nghệ. Để thuyết phục tôi, một kẻ đam mê với rừng rú và những chuyến đi dài ngày. Mấy “Ku” em vẽ ra rất nhiều viễn cảnh mà chỉ nơi “cổng trời” xứ Nghệ mới có được, và trên hết, chính là tôi tò mò muốn biết “thủ phủ ma túy” một thời nức danh cả nước này bây giờ ra sao?

Cổng trời Mường Lống những ngày cận tết

Vượt gần 300 km với rất nhiều đoạn đường đèo heo hút gió, chúng tôi đến thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn – Nghệ An) khi trời đã quá trưa, sương mù giăng mắc bám vào mặt ươn ướt, cùng với cái lạnh cắt buốt khiến bàn tay cầm tấm lương khô cứ run lên qua từng miếng ăn. Từ đây, vượt chừng 40km đường đèo mây phủ, mỏng mảnh như sợi tơ vắt qua triền núi này đến triền núi khác, chênh vênh như chính những ngôi nhà của người dân tộc Mèo nằm lác đác trên từng mỏm núi. “Cổng trời” Mường Lống đón chúng tôi với bạt ngàn hoa ban, hoa mận trắng tinh, cùng những đám mây tinh khiết, chập chùng mờ ảo, thỉnh thoảng ánh lên những sắc hồng hiếm hoi khi vạt nắng Xuân lách qua kẽ núi, phản chiếu mây vào những tảng đá trầm mặc, rêu phong… Nơi đây, núi rừng, cỏ cây vẫn đang trinh nguyên như chính ngàn đời nay vẫn vậy. Thấp thoáng trong mây, trong màn sương mù dày đặc là những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Mèo cheo leo trên triền núi cao chót vót.

Một quầy hàng tạp hóa, bán lá Giong cho bà con gói bánh chưng đón Tết

Ném chiếc xe máy vào bụi rậm vì không thể leo qua con đường đá cuội, đá hộc, chúng tôi cuốc bộ vào với bà con dân bản Mường Lống 1. Cảm giác nơi đây bầu không khí đón Xuân, năm mới đã rạo rực bản làng. Mà hình như, núi rừng vùng biên viễn vào Xuân sớm hơn dưới xuôi, con người nơi đây cũng rạo rực, háo hức mừng năm mới tinh khôi và vẹn nguyên hơn người thành phố… Người Mường Lống nhiệt tình hoà nhã, gặp ai cũng hồ hởi đón chào mấy chàng trai dưới xuôi mới lên người lấm bụi đường. Chỉ khéo để ý chút thôi, là cảnh bản làng đã sạch sẽ tinh tươm, nhà ai cũng gọn gàng ngăn nắp, nhà nào, nhà ấy đều đã gom nhiều lá Giong, chất đầy củi để chuẩn bị đỏ lửa mừng Xuân, đón Tết.

Chỉ vào đống củi gọn gàng, sắp cao ngang mái nhà trước sân, trai bản Vừ Nỏ Chà vui vẻ đưa chúng tôi đi dạo. Ở đây, bà con dân bản rục rịch chuẩn bị đón Tết từ khi cái rét cắt da cắt thịt bắt đầu xua sương mù về che đường đi của bản. Lúc đó, vụ mùa cũng vừa xong, chồng sửa sang nhà cửa, lên rẫy đốn củi về chất đầy nhà để đủ sưởi ấm vì dịp Tết rất rét. Vợ thì làm những công việc nhẹ nhàng hơn như đi kiếm lá Giong, chuẩn bị gạo nếp để làm xôi, gói bánh… “Bản ta không như trước đây nữa đâu nhà báo, đồng bào ta giờ đã no cái bụng, đã ấm cái thân, không còn nằm co ro góc bếp, không còn say sưa thuốc phiện, uống rượu nhiều như trước đâu…”– Vừ Nỏ Chà thật thà chia sẻ.

Theo như những gì chúng tôi biết trước khi lên đây, thì Mường Lống từng là “thủ phủ” cây thuốc phiện, nơi đây ma túy bán buôn, đổi chác như mớ rau, con cá. Suốt hàng chục năm, có thể là cả trăm năm, Mường Lống bạt ngàn hoa anh túc, đồng bào dân tộc Mèo ở Mường Lống chỉ biết trồng cây thuốc phiện như dân dưới xuôi trồng lúa, trồng rau. Chính thứ “cơm đen” chết người đó là nguyên nhân kéo bà con đồng bào dân tộc Mèo xuống đáy sâu của đói nghèo. Chỉ qua thế kỷ 21, với chủ trương quyết liệt của các cấp chính quyền, cây anh túc bắt đầu bị xóa bỏ, thay vào đó là mận tam hoa và đào không hạt. Chỉ mấy năm sau, cả Mường Lống ngập tràn hoa mận vào mỗi dịp Xuân về, điều đó cũng báo hiệu một mùa Xuân no ấm của đồng bào dân tộc nơi đây.

Dân bản Mường Lống phát quang đường sá đón mừng Xuân năm mới

Giờ đây, Mường Lống không chỉ thâm canh cây lúa, phát triển chăn nuôi gia súc, mà các dịch vụ hàng hóa, dịch vụ cũng bắt đầu phát triển. Đêm tiết trời vào xuân, bên bếp lửa đỏ rực giữa nhà, trưởng bản Mường Lống 1, ông Vừ Bá Của ép chúng tôi uống đến say, ôm gối ngủ tại chỗ, nhưng những câu chuyện ông kể về một bản làng Mường Lống đang ngày một đổi mới khiến chúng tôi nhớ mãi. Theo vị trưởng bản, thì sự đổi mới thể hiện chính trong mùa Xuân này, khi cả bản với 128 hộ chủ yếu dân tộc Mèo đã chung tay, góp sức sửa sang đường sá, tổng vệ sinh để đón mừng năm mới, đồng thời cam kết không uống rượu bê tha, sử dụng thuốc phiện…

Đêm ấy, chúng tôi bó gối ngủ quên bên bếp lửa nhà trưởng bản Của trong giấc mơ chập chùng mây trắng. Sáng hôm sau, dạo quanh chợ mậu dịch nơi trung tâm xã mà lòng ấm áp vui lạ. Khi người, ngựa nườm nượp, với rất nhiều hàng hóa, bánh kẹo đã được vận chuyển từ xuôi lên, chất đầy trong các gian chợ. Tất cả những mặt hàng, nhu yếu phẩm thiết yếu đều có mặt ở đây để bán buôn, đổi chác. Vui hơn là cảnh chiếc xe tải đang chất đầy bò nơi góc chợ, xung quanh kẻ bán, người mua bò về xuôi rộn ràng như pháo nổ. Hỏi chuyện hai cô gái người Mông đang gùi một bó lá Giong to tướng trên lưng xuống chợ, Tết năm nào cũng thế, các cô cũng đều vào rừng kiếm là Giong về bán cho những đầu mối thu gom về dưới xuôi. Năm nay nhiều người vào rừng, lá ít hơn nhưng vui lắm, bán được tiền lắm, cô gái tên Vi còn cho biết. Chồng của Vi đã kiếm được nhiều củi, Tết này không còn lo rét nữa, giờ chỉ lo kiếm thêm tiền mua áo mới cho mấy đứa con đi chơi Tết thôi.

Hoa mận trắng bắt đầu nở, báo hiệu Tết ở Mường Lống đã về

Chỉ còn vài ngày nữa là tết, nhưng Mường Lống đã thực sự vào xuân với không khí đầm ấm và no đủ. Sắc xuân hạnh phúc đã ngập tràn nơi đây. Tạm biệt Mường Lống, chúng tôi về xuôi mà ai cũng vấn vương đôi mắt và cặp má hây đỏ của nhưng cô gái Mông xúng xính váy hoa trong phiên chợ cuối năm. Nơi đây, chắc chắn chúng tôi sẽ còn trở lại.

Tác giả: TRẦN HOÀNG

Nguồn tin: vanhienplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP