Danh Nhân

Kỷ niệm 80 năm ngày sinh cố GS. Nguyễn Đình Tứ: Nhà khoa học, nhà giáo, nhà chính trị tài năng, đức độ

GS.TS. Nguyễn Đình Tứ sinh ngày 1/10/1932, trong một gia đình trí thức yêu nước tại làng Nguyên Xá, xã Song Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Truyền thống gia đình, truyền thống quê hương đã hun đúc nên nhân cách Nguyễn Đình Tứ – một nhà khoa học, nhà giáo, nhà chính trị tài năng, đức độ của nước ta.


Năm 1968, giáo sư Nguyễn Đình Tứ được Chính phủ Liên Xô cấp bằng phát minh cùng với nhóm tác giả quốc tế. Năm 2000, nhân kỷ niệm 55 năm thành lập nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng phần thưởng cao quý – Giải thưởng Hồ Chí Minh cho giáo sư Nguyễn Đình Tứ về: “Cụm công trình phát hiện phản hạt hyperon sigma âm và tương tác của các hạt cơ bản và hạt nhân ở năng lượng cao”.


Tháng 7/1971, giáo sư Nguyễn Đình Tứ trở về nước. Với bề dày kinh nghiệm và một kho tàng kiến thức phong phú trong lĩnh vực vật lý hạt nhân, giáo sư trở thành một trong những nhà lãnh đạo khoa học hàng đầu của nước ta và được Chính phủ giao trọng trách là Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên Tử Quốc gia.


…và nhà quản lý tài ba


Tháng 7/1971, giáo sư Nguyễn Đình Tứ về nước và được cử đảm nhận trách nhiệm Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, Bí thư đảng uỷ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông đã đặc biệt quan tâm phát triển cơ cấu ngành học, chương trình, giáo trình cũng như đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, xây dựng điều kiện cơ sở vật chất để phát triển nhà trường. Ông cũng là người chủ trì đề án trình Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp mở thêm một số ngành học mới, thành lập một số khoa mới đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế – xã hội.


Từ năm 1976 đến năm 1986, giáo sư Nguyễn Đình Tứ lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp – đây cũng là giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã kết thúc, Tổ quốc thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trên cương vị của mình, giáo sư Nguyễn Đình Tứ và các cộng sự đã đưa ngành giáo dục đào tạo đi những bước táo bạo như: sắp xếp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp miền Nam theo mô hình nhà trường xã hội chủ nghĩa thống nhất trong cả nước; mở 3 trường dự bị đại học để tạo nguồn cán bộ có trình độ cao cho các đối tượng chính sách, dân tộc miền núi; thành lập tại các tỉnh trong cả nước 5 trường trung học chuyên nghiệp (nông nghiệp, công nghiệp, y tế, sư phạm, văn hoá) để đào tạo lực lượng lao động tại chỗ cho địa phương; hệ thống đào tạo tại chức – tiền thân của các trung tâm giáo dục thường xuyên ra đời.


Bằng việc triển khai hàng loạt các chủ trương lớn, ngành đào tạo đại học và trung học chuyên nghiệp Việt Nam đã có một diện mạo mới như tiến hành đào tạo sau đại học, phong học hàm giáo sư, phó giáo sư ở trong nước; áp dụng công nghệ thông tin và công cụ hiện đại để tổ chức tuyển sinh; cử chuyên gia Việt Nam ra nước ngoài làm việc; chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học thiết thực phục vụ sản xuất và đời sống… Ngoài ra, ông cũng rất chú trọng đến chất lượng đào tạo với việc phát động các phong trào dạy tốt – học tốt; cải tiến chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy; thi đua xây dựng mô hình trường tiên tiến…


Cùng với những đóng góp to lớn trong lĩnh vực khoa học và giáo dục, giáo sư Nguyễn Đình Tứ còn là một nhà chính trị có uy tín, một cán bộ ưu tú của Đảng và Nhà nước. Từ năm 1976, ông được bầu vào Quốc hội; vào Ban chấp hành Trung ương Đảng; được bầu vào Ban Bí thư Trung ương, Bộ Chính trị. Trên các cương vị lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước, giáo sư Nguyễn Đình Tứ đã tiếp tục chỉ đạo ngành giáo dục-đào tạo, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền giáo dục nước nhà.


Hiếu Nguyễn

GDTĐ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP