Vị “thần y” đó là Hoàng Thị Hoài (47 tuổi), ở xóm Sơn Trình, xã Thạch Lâm, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Với cách chữa bệnh đặc biệt này, mỗi ngày có hàng chục con bệnh tìm đến “thần y” này để chữa trị.
Mục sở thị “thần y”
Trong vai những người bệnh bị thoái hóa cột sống, chúng tôi tìm cách len vào căn phòng nhỏ rộng chừng 10m2 mà cô Hoài dùng để chữa bệnh. Bên trong, có một chiếc giường cho khách ngồi chờ đến lượt và một tấm thảm bông trải giữa nhà để cho bệnh nhân nằm xuống trong quá trình chữa bệnh. Ngoài ra, trong phòng còn có hàng trăm tấm phim X-quang mà bệnh nhân mang đến để cô Hoài “chẩn đoán” đúng bệnh tật trước khi bắt tay vào chữa trị. Ngoài lối ra vào, căn phòng này còn có hai cửa nách thông với phòng khác và lối ra ở phía sau, dành cho những bệnh nhân đến nội trú chữa trị lâu dài.
Trong khi chờ đến lượt mình, chúng tôi đã được thực mục sở thị màn chữa bệnh có một không hai của cô Hoài. Bệnh nhân là bà Nguyễn Thị Mai (55 tuổi), đến từ xã Quang Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Bà Mai bị thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ, thắt lưng. Trước khi đến đây vào đầu tháng 3/2013, bà Mai đã đi điều trị tại nhiều bệnh viện trong lẫn ngoài tỉnh, tốn kém rất nhiều tiền bạc nhưng bệnh không thuyên giảm. Vậy mà, sau khi đến với bà Hoài, bà Mai đã đi lại được, bệnh tình thuyên giảm hơn nửa. “Trước khi đến đây, mẹ em thường phải nằm ngửa, chân buộc dây treo lên cao để chống chọi với cơn đau hành hạ. Hôm chở đến, bà phải bò từ ngoài sân vào, vậy mà qua vài tuần chữa trị, giờ đã đi lại được”, cậu con trai của bà Mai vui mừng cho chúng tôi biết.
Trở lại với việc chữa bệnh của cô Hoài cho bệnh nhân Mai, sau khi “khám” bệnh qua phim, bà Hoài bảo bệnh nhân nằm sấp xuống, rồi lấy ngón tay rà trên sống lưng để xác định thoát vị đĩa đệm. sau đó, bà Hoài đứng lên, dùng ngón chân cái ấn vào vị trí đã xác định, đồng thời dùng sức mạnh cơ thể để dốc trọng lực tập trung vào ngón chân cái ấy. Nằm sấp trên tấm đệm, bệnh nhân Mai đau đớn đến trào nước mắt, không thể nằm yên mà phải cựa quậy liên tục. Sau khoảng 15 phút, quá trình bấm huyệt bằng chân kết thúc, bà Hoài lấy một lá thuốc đã chế sẵn, đắp lên vị trí thoát vị đĩa đệm rồi lấy băng dính cố định lại, sau 24 giờ mới được bỏ ra. Quá trình chữa bệnh kết thúc, trước khi ra về bệnh nhân còn phải mua thêm 3 thang thuốc gia truyền về nhà sắc lên uống hết trước khi đến chữa lại lần tiếp theo. Những người đã từng đến chữa trị tại bà Hoài cho biết thêm, để “đủ bài”, mỗi người như thế phải có 7 tuần (đối với bệnh nhân nam) và 9 tuần (đối với bệnh nhân nữ), tương đương với chừng ấy lần “được” cô Hoài giẫm lên trên chỗ đau.
Một trường hợp khác, bà Võ Thị Hà (SN 1965), ở Quảng Xương (Thanh Hóa), bị thoái hóa khớp chân, xương trồi lên rất đau đớn, không đi lại được. Sau khi xem phim X-quang xong, bà Hoài bảo bà này nằm sấp xuống, lấy ngón tay gí lên chỗ đau, xác định chỗ xương nhô lên rồi bắt đầu chữa bằng cách dùng chân giẫm lên, lấy lực của ngón chân cái gí vào và di đi di lại nhiều lần khiến bệnh nhân có lúc khóc òa lên vì đau đớn. Quá trình chữa bệnh kết thúc, cũng giống như bao bệnh nhân khác, bà Hà có vẻ viên mãn khi được đắp lên chỗ đau một gói thuốc nhỏ và được bán một đùm thuốc mang về nhà sắc uống.
Hỏi chuyện những người đang chờ đến lượt mình được chữa bệnh, tất cả đều cho rằng họ đến đây không phải lần đầu tiên, và lần nào chữa xong cũng cảm thấy bớt đau đớn, bệnh tình có chiều hướng thuyên giảm nên đã tin tưởng cô, đến chữa trị cho đủ liều lượng, thời gian. Cũng theo những người này, tiền chữa trị cô Hoài không lấy mà chỉ tính vào tiền thuốc, trọn vẹn cho một lần chữa trị như vậy tốn khoảng 3 triệu đồng, vừa tiền công vừa tiền thuốc. Bà Hoài chỉ nhận tiền khi nào bệnh nhân cảm thấy đã khỏi bệnh, thoải mái về tư tưởng, tinh thần.
Thuốc độc vị từ lá cây rừng là bí kíp gia truyền của “thần y”.
Chữa bệnh… bằng chân là có cơ sở khoa học?
Khác với những “thần y” khác mà chúng tôi trong quá trình tác nghiệp trước đây đã gặp, hoặc xua đuổi, hoặc trốn tránh, bà Hoài rất cởi mở bắt chuyện ngay cả khi biết chúng tôi là nhà báo. Bà chia sẻ về khả năng chữa bệnh kỳ lạ của mình: “Thực ra tôi chữa bệnh có phương pháp cả chứ không phải theo mê tín dị đoan kiểu như thần nhập để lừa bịp bệnh nhân.
Ông ngoại và mẹ đẻ của tôi vốn hành nghề châm cứu, sau truyền lại cho tôi nhưng vì bản tính phóng khoáng nên tôi không muốn vận vào nghề này. Cho đến năm 2000, tôi bị thoát vị đĩa đệm, suýt thành phế nhân khi chân trái teo tóp, mất cảm giác nhưng nhờ một cụ bà ở Sơn La chữa bằng phương pháp giẫm lên chỗ đau nên đã lành lặn trở lại. Cảm kích trước cách điều trị này, tôi đã xin ở lại học nghề. Sau đó được chính bà này đưa qua Trung Quốc học cách đọc phim X-quang để xác định vị trí chỗ đau”.
Trở về quê, bà Hoài kết hợp với vị thuốc quý gia truyền dùng trong châm cứu chế ra bài thuốc độc vị, kết hợp bấm huyệt bằng ngón chân cái nên hiệu quả rất rõ rệt. “Thời gian đầu ai nhờ chữa thì tôi chữa giúp, rồi nhiều người khỏi bệnh họ truyền miệng nhau nên càng nhiều người tìm đến. Khoảng 5 năm trở lại đây tôi bắt đầu chữa cho nhiều bệnh nhân, ngày nào cũng có trên 10 người đến chữa, bệnh nhân khắp nơi trong cả nước”, vị “thần y” chia sẻ.
Bà cho biết thêm, tui chẳng có bí quyết gì, ngoại trừ phương thuốc bí truyền hỗ trợ công hiệu và khả năng đọc phim X-quang “khác người”. Để đoán đúng bệnh, nhất thiết phải có hình ảnh chụp từ X-quang mới chữa trị đúng bài được. “Xem phim X-quang xong, xác định được vị trí đĩa đệm bị lệch, dùng ngón chân ấn và day để đưa đĩa đệm về lại vị trí ban đầu. Ngoài ra, sau khi bấm huyệt tôi còn cho bệnh nhân loại thuốc bí truyền, vừa uống vừa dán để hỗ trợ cho việc định vị lại đĩa đệm và tiêu canxi trong rãnh đĩa đệm”, bà Hoài giải thích.
Như để chứng minh cho khả năng chữa khỏi bệnh của mình, bà Hoài đã lấy ra cho chúng tôi xem cuốn sổ ghi chép cẩn thận tên bệnh nhân, quê quán, bệnh tật và số điện thoại để làm dẫn chứng. Theo lời bà, đấy chỉ mới ghi trong vài ngày nay, theo yêu cầu của Hội Đông y tỉnh Hà Tĩnh, chứ việc hành nghề thì đã diễn ra từ nhiều năm nay, hàng nghìn bệnh nhân đã được bà chữa khỏi. Bán tín bán nghi, chúng tôi vội lấy cuốn sổ ghi chép danh sách gần 100 bệnh nhân, bấm vào 10 số bất kỳ, thấy các bệnh nhân đều cho biết, cùng trải nghiệm chung cảm giác đau đớn khi bị bà Hoài giẫm lên chỗ đau, song kết quả khá khả quan. Phần lớn họ bớt đau đớn hơn từ sau khi đến nhà bà chữa trị.
Về thông tin này, bà Hoài khẳng định thêm: “Khả năng chữa thành công của tôi đạt khoảng 60%. Số còn lại chỉ thuyên giảm mà không khỏi hẳn là do bệnh tình quá nặng, bệnh nhân sống chung với bệnh tật đã quá lâu, dùng quá nhiều thuốc. Thậm chí, có nhiều người bệnh viện đã mổ rồi mới tìm đến, bà vẫn giúp, song với những trường hợp này, tỉ lệ chữa khỏi không cao”.
Ông Bùi Đức Tịnh, Chủ tịch UBND xã Thạch Lâm cho rằng, chuyện bà Hoài hành nghề chữa bệnh bằng chân là có thật, đã diễn ra từ nhiều năm nay. Song, quá trình chữa trị, chưa thấy có dấu hiệu của việc lừa đảo, mê tín dị đoan hay làm mất an ninh trật tự thôn xóm nên chính quyền cũng không can thiệp.
Lý giải
Ông Nguyễn Đình Trác – Chủ tịch Hội đông y Hà Tĩnh cho biết: “Trường hợp bà Hoài chữa bệnh bằng chân, cách đây vài năm về trước Hội đã nghe thông tin và đã cho đoàn vào kiểm tra. Quá trình chữa, không phát hiện có gì khác thường ngoài dùng chân tác động trực tiếp vào người bệnh nhân. Thực ra, đó là một cách chữa khác của bấm huyệt, thông thường thì dùng tay nhưng bà Hoài cho rằng tay không đủ lực nên phải sử dụng đến chân. Hiện, Hội đông y đã lấy mẫu thuốc mà bà này sử dụng để mang về kiểm tra và xem xét thêm, nếu thuốc tốt, cách chữa bệnh hiệu quả thì Hội sẽ xem xét để cấp giấy chứng chỉ hành nghề”.
Kim Thoa – Hằng Hà
Người Đưa Tin